Sức bật mới từ những công trình trọng điểm

Đầu tháng 10-2020, rất nhiều khu vực ở TP Hồ Chí Minh diễn ra các hoạt động giải phóng mặt bằng, thi công các công trình trọng điểm để phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH).

Không khí lao động gắn với phong trào thi đua hoàn thành các dự án vào cuối năm 2020, là những hoạt động thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Hàng loạt dự án trọng điểm tiến về đích

Đến các công trường thi công những dự án trọng điểm, chúng tôi có chung cảm nhận là không khí lao động, thi đua rất sôi nổi. Điều đặc biệt là sau khi dịch Covid-19 được khống chế thành công, thành phố đã đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án trọng điểm và đưa vào sử dụng ngay. Từ tháng 7 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành, đưa vào sử dụng nhiều dự án trọng điểm như: Hầm chui An Sương (thuộc quận 12 và huyện Hóc Môn); nâng cấp, mở rộng cầu Chữ Y, dự án cầu vượt và Bến xe Miền Đông mới; nâng cấp, mở rộng đường Tô Ký... Hiện nay, Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh đang duy trì thi công cho 70 gói thầu, thuộc 35 dự án tại 100 khu vực thi công trên địa bàn thành phố. Cụ thể là: Dự án xây dựng cầu tạm An Phú Đông; xây dựng kè chống sạt lở bờ trái sông Sài Gòn (phường Thảo Điền, quận 2)... Đồng chí Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh cho biết: "Ban hiện đang quản lý 252 dự án và từ nay đến hết năm 2020 sẽ phấn đấu hoàn thành 32 dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn".

 Đoàn tàu được chuẩn bị chạy thử nghiệm trên tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.

Đoàn tàu được chuẩn bị chạy thử nghiệm trên tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.

Cùng với các dự án giao thông, các dự án quy mô lớn nằm trong chuỗi hoạt động thi đua chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 được đẩy nhanh tiến độ. Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) đã cơ bản hoàn thành tuyến đường và ga tàu, tàu metro chuẩn bị chạy thử nghiệm để đưa vào hoạt động vào năm 2021. Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành-Tham Lương) tập trung giải tỏa mặt bằng để khởi công vào tháng 10-2020.

Đặc biệt, dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, có nguồn vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng đang được nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam triển khai đồng loạt nhiều hạng mục đầu tháng 10, phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2020. Tại công trường hạng mục cống ngăn triều Cây Khô trên sông Cần Giuộc, kết nối huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè đang có hàng trăm kỹ sư, chuyên gia tham gia lắp đặt, thi công. Đây là hạng mục cống ngăn triều lớn, khẩu độ 80m, quy mô 3 trụ pin, 2 cửa van cống, 1 âu thuyền và 1 khu nhà quản lý. Trong đó, hai cửa van của cống nặng 460 tấn. Theo đồng chí Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu là dự án trọng điểm góp phần hoàn thành chương trình đột phá “Giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng”. UBND TP Hồ Chí Minh và nhà đầu tư đang phối hợp, nỗ lực rất lớn để dự án bảo đảm tiến độ, đưa vào vận hành chính thức. Hiện nay, UBND TP Hồ Chí Minh đang chuẩn bị kế hoạch lựa chọn đơn vị vận hành, khai thác dự án phát huy hiệu quả cao nhất.

Quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ khó khăn

Các dự án trọng điểm có mức đầu tư lớn được triển khai nhanh, hoàn thành đúng tiến độ sẽ tạo sức bật cho thành phố hồi phục sau khi khống chế được dịch Covid-19, tạo tiền đề để phát triển về nhiều mặt. Từ các yêu cầu bức thiết trong giai đoạn hiện nay và tầm quan trọng của các dự án trọng điểm, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp giao ban định kỳ 2 tuần/lần để đẩy nhanh tiến độ và giải quyết khó khăn, vướng mắc. Cùng với các dự án đang triển khai, Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố đang hoàn tất thủ tục khởi công 31 gói thầu, dự án; trình HĐND thành phố các dự án trọng điểm: Cao tốc TP Hồ Chí Minh-Mộc Bài, 2 cây cầu trên tuyến đường N2 và N4 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, 2 đoạn đường vành đai 2, nút giao An Phú, mở rộng quốc lộ 50, cải tạo quốc lộ 22...

Khó khăn hiện nay đối với các dự án trọng điểm của TP Hồ Chí Minh là giải phóng mặt bằng, di dời công trình tiện ích do công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa chặt chẽ, cùng với đó là sự chậm trễ do chủ đầu tư. Để giải quyết những khó khăn này, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản chỉ đạo giao các sở, ngành chức năng gắn với các mục tiêu, giải pháp, trách nhiệm cụ thể để tháo gỡ vướng mắc. Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát các quy định liên quan đến Nghị quyết số 54 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, nghiên cứu các cơ chế hút vốn, cơ chế quản lý đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đường bộ; hoàn thiện thủ tục đề xuất chủ trương đầu tư công các dự án. Sở Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình dở dang, giải phóng mặt bằng, quản lý giám sát các dự án. Sở Quy hoạch-Kiến trúc cần điều chỉnh lại các quy hoạch đã ban hành phù hợp với thực tế và đồng bộ với quy hoạch phát triển giao thông vận tải của thành phố đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các quận, huyện đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Các dự án được khởi động và hoàn thành đang tạo sức bật lớn cho sự phát triển của TP Hồ Chí Minh, vừa thiết thực phục vụ nhân dân, giải quyết việc làm, giải ngân nguồn vốn đầu tư công... vừa tạo động lực giúp kinh tế-xã hội phát triển mạnh mẽ để thành phố mang tên Bác kính yêu luôn giữ vai trò đầu tàu của cả nước trong giai đoạn mới.

Bài và ảnh: ĐẶNG BẢO MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/suc-bat-moi-tu-nhung-cong-trinh-trong-diem-640513