Sức bật làng nghề gốm Giang Cao

Đến xã Bát Tràng khách gần, xa thường hay nghĩ đến làng gốm Bát Tràng. Ít ai biết bên cạnh làng gốm Bát Tràng còn có một làng gốm Giang Cao. Không có lịch sử lâu đời như gốm Bát Tràng, nhưng gốm Giang Cao lại có đội ngũ nghệ nhân trẻ, năng động, tạo nên sức bật và những đột phá cho làng nghề.

Kĩ thuật, mĩ thuật nghề gốm Giang Cao

Làng Giang Cao, xã Bát tràng từ bao đời nay vẫn sống chủ yếu bằng nghề ruộng, nghề mộc, làm gạch, làm ngói. Nhưng khoảng hơn 60 năm trở lại đây, làm gốm sứ đã trở thành nghề chính được các thế hệ thợ nghề Giang Cao lưu giữ và phát triển. Nhờ vậy mà gốm Giang Cao dần dần trở thành thương hiệu gốm có tiếng được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Gốm sứ Giang Cao chế tác độc đáo, mang đậm nét văn hóa dân tộc

Gốm sứ Giang Cao chế tác độc đáo, mang đậm nét văn hóa dân tộc

Những nghệ nhân, thợ giỏi làng Giang Cao sản xuất rất nhiều dòng sản phẩm khác nhau, vừa theo nhu cầu của thị trường, vừa sáng tạo nghệ thuật theo sở thích cá nhân. Những dòng sản phẩm chủ yếu là sản phẩm phục chế, phục cổ, sản phẩm gia dụng cao cấp. Một số người phát triển hướng làm gốm sứ theo dòng mỹ thuật cao cấp, có người theo dòng sản phẩm phục vụ đời sống tâm linh...

Nghệ nhân trẻ năng động đã tạo sức bật cho làng nghề

Giang Cao sản xuất rất nhiều dòng sản phẩm khác nhau

Sản phẩm phục chế, phục cổ

Theo các nghệ nhân làng nghề, phương pháp tạo dáng cổ truyền của người làng gốm Giang Cao là làm bằng tay trên bàn xoay. Trong khâu tạo dáng, người thợ gốm sử dụng phổ biến lối “vuốt tay, be chạch” trên bàn xoay. Trong đó người thợ “đắp nặn” gốm phải là người có trình độ kĩ thuật và mĩ thuật cao. Có khi họ đắp nặn một sản phẩm hoàn chỉnh, nhưng có những sản phẩm phải đắp nặn từng bộ phận riêng rồi mới chắp ghép lại. Đến với Giang Cao vào bất kì một xưởng gốm nào, chúng ta cũng có thể gặp hình ảnh những người thợ, nghệ nhân ngồi say sưa bên bàn xoay với thỏi đất chưa rõ hình hài. Nhưng với đôi bàn tay tài hoa điêu luyện cùng với óc sáng tạo, những người thợ đã tạo ra những sản phẩm độc đáo. Mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật, chúng ta cảm nhận được sự cần mẫn, tài năng và có lẽ là cả tâm hồn của người nghệ sỹ, hồn dân tộc Việt trong đó.

Sáng tạo nghệ thuật theo sở thích cá nhân

Tạo dáng cổ truyền trên bàn xoay

Những người thợ, những nghệ nhân với đôi bàn tay điêu luyện

Trang trí họa tiết đã nâng nghề gốm lên mức nghệ thuật

Hiện nay theo yêu cầu sản xuất gốm công nghiệp, hay mĩ nghệ, nghệ nhân gốm ở Giang Cao có thể đắp nặn một sản phẩm mẫu để đổ khuôn thạch cao phục vụ cho việc sản xuất hàng loạt. Sau đó sản phẩm gốm được mang đi phơi sấy và sửa lại. Nếu theo yêu cầu trang trí, có thể đắp nổi, khoét chìm trên sản phẩm rồi cắt tỉa để tạo hình có các họa tiết trang trí trên mặt sản phẩm... Hoặc nếu vẽ hoa văn thì thợ gốm dùng bút lông vẽ trực tiếp trên nền mộc các hoa văn họa tiết. Những thợ vẽ gốm phải có tay nghề cao, hoa văn họa tiết phải hài hòa với dáng gốm, các trang trí họa tiết này đã nâng nghề gốm lên mức nghệ thuật. Thợ gốm Giang Cao đã dùng rất nhiều hình thức trang trí khác, có hiệu quả nghệ thuật như đánh chỉ, bôi men chảy màu, vẽ men màu, vẽ men trên men...

Khi sản phẩm mộc đã hoàn chỉnh, người thợ có thể nung sơ bộ sản phẩm ở nhiệt độ thấp rồi sau đó mới đem tráng men hoặc dùng ngay sản phẩm mộc hoàn chỉnh đó trực tiếp tráng men lên trên rồi mới nung. Kĩ thuật tráng men có nhiều hình thức như phun men, dội men lên bề mặt cốt gốm cỡ lớn, nhúng men đối với loại gốm nhỏ nhưng thông dụng nhất là hình thức láng men ngoài sản phẩm, gọi là “kìm men” và khó hơn cả là hình thức “quay men” và “đúc men”.

Gốm ứng dụng trong kiến trúc và mỹ thuật

Tranh ghép gốm Giang Cao

Nhà gốm Quang Minh – Công trình nhà ghép gốm Mosaic lớn nhất VIệt Nam

Sản phẩm gốm sứ Giang Cao ngày nay được chế tác với nhiều chủng loại, nhiều màu sắc, chất lượng độc đáo mang đậm nét văn hóa dân tộc. Nhiều dòng gốm đang thu hút sự chú ý của khách hàng trong và ngoài nước như gốm men giả đá, men rạn, men co, men ngọc... được thể hiện trên các loại sản phẩm như: Lọ hoa, tượng, con giống, tranh gốm, đồ thờ... Đặc biệt một số cơ sở sản xuất gốm của làng chuyên sâu vào lĩnh vực gốm ứng dụng trong kiến trúc và mỹ thuật. Công ty Gốm sứ Quang Minh là cơ sở sản xuất cung cấp nguyên liệu gốm phục vụ dự án Con đường Gốm sứ ven sông Hồng - công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Công ty Gốm sứ Thanh Hải và một số đơn vị khác cung cấp sản phẩm gạch hoa, con tiện, ngói gốm, ngói sành... để phục hồi di tích Hoàng thành Thăng Long, di tích Cố đô Huế, khu chùa Bái Đính Ninh Bình. Bộ tam đỉnh Vĩnh Truyền được UBND thành phố tuyển chọn trưng bày dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Năng động, sáng tạo

Những năm trở lại đây, khi lớp thanh niên trẻ của làng lớn lên, nhiều người đã chọn nghề gốm để khởi nghiệp. Điều đặc biệt, Câu lạc bộ Nghệ nhân thợ giỏi của làng quy tụ được một lực lượng đông đảo những thợ giỏi là lực lượng thanh niên, đa số đều khá trẻ. Ngay cả việc ngôi chùa gốm sứ, những nghệ nhân trẻ như: Phùng Văn Hoàn (sinh năm 1978), Nguyễn Thùy Dương (sinh năm 1983), Nguyễn Tuấn Vũ (sinh năm 1984), Nguyễn Đức Toàn (sinh năm 1989)... cũng là những thành viên đóng góp tích cực về ý tưởng, sản phẩm. Trong đó, Nguyễn Thùy Dương đã đóng góp và làm khoảng 70 pho tượng Phật bằng gốm sứ, có những pho tượng đúc liền khối lớn nhất Việt Nam. Mới đây nghệ nhân Nguyễn Thùy Dương đã làm ra một phiên bản “cụ” rùa Hồ Gươm bằng gốm và bên ngoài mạ vàng 9999. “Cụ” rùa này nặng gần 2 tạ, dài 1m35, rộng 1m, cao 55cm và phải 4 người lớn mới có thể khiêng được. Nói tới mục đích làm ra tác phẩm này, nghệ nhân Nguyễn Thùy Dương cho biết, chỉ một lòng yêu nghề, tâm huyết với nghề muốn tạo ra một sản phẩm đặc biệt để lưu giữ lại về sau.

Lớp thanh niên trẻ Giang Cao, nhiều người đã chọn nghề gốm khởi nghiệp

Nghệ nhân Nguyễn Thùy Dương bên “cụ” rùa bằng gốm

Nghệ nhân Phùng Văn Hoàn đã phục chê thành công men búp dong

Gốm nơi đây từ xưa đã nổi tiếng về chất men phủ, phổ biến là men màu búp dong. Loại men này có độ trắng hơi ngả xanh hoặc xám, trong và sâu nhưng đã bị thất truyền, nay đã được nghệ nhân Phùng Văn Hoàn làng gốm Giang Cao phục chế thành công. Kể về chặng đường phục chế dòng men quả là nhiều nhiều gian nan vất vả, đã có thời điểm Phùng Văn Hoàn đã lâm vào bế tắc và bỏ cuộc gần 2 năm. Nhưng vì lòng yêu nghề, tâm huyết với dòng men cổ đã thôi thúc anh tiếp tục thực hiện ước nguyện của mình. Nghệ nhân Hoàn tâm sự: Để có thể tạo nên vẻ đẹp tưởng như đơn giản của men búp dong đòi hỏi những điều không hề đơn giản. Người thợ gốm phải dày dặn kiến thức pha chế nguyên liệu, nguyên lí của lửa của nhiệt kết hợp với kĩ thuật nung đốt lò. Nếu không nắm được nguyên lí của nhiệt, không điều khiển được lượng khí co, oxi thì không thể nào phục chế thành công dòng men búp dong. Theo nghệ nhân Hoàn, men búp dong đậm chất người Việt, tạo nên những sản phẩm xanh trong, càng ngắm càng đẹp, càng yêu, càng say.

Gốm Giang Cao được nhiều người lựa chọn

Nét vẽ màu men truyền thống và hiện đại song hành trên hành nghìn sản phẩm gốm Giang Cao

Làng gốm Giang Cao ngày nay sôi động và hiện đại nằm sát bên làng cổ Bát Tràng. Gốm mới về Giang Cao hơn 60 năm trước, song cùng với sự phát triển của công nghệ, cộng với sự nhanh nhạy của người Giang Cao đã và đang tạo nên những thay đổi nhanh chóng cho vùng quê này. Những nét vẽ, màu men truyền thống và hiện đại song hành trên hàng trăm, hàng ngàn sản phẩm đã góp phần để gốm Giang Cao ngày một bay cao, bay xa.

Phạm Tiệp

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/suc-bat-lang-nghe-gom-giang-cao-127014.html