Sức ảnh hưởng từ 'Lời kêu gọi thi đua ái quốc' của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cách đây tròn 70 năm, ngày 11.6.1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra 'Lời kêu gọi thi đua ái quốc', chính thức phát động một cuộc vận động thi đua ái quốc nhằm động viên đồng bào, chiến sĩ cả nước phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, phấn đấu đẩy nhanh sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc đi đến thắng lợi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các Anh hùng và chiến sĩ thi đua nông nghiệp (ngày 27.5.1957). Ảnh tư liệu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Mục đích thi đua ái quốc là: Diệt giặc đói, Diệt giặc dốt, Diệt giặc ngoại xâm”. Người cho rằng, nhân dân chính là chủ thể của phong trào thi đua yêu nước, lực lượng quyết định thắng lợi của cách mạng. Vì vậy, để khơi dậy và phát huy vai trò to lớn của nhân dân, nội dung của phong trào thi đua ái quốc phải toàn diện: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa”.

Sự nghiệp cách mạng có nội dung rộng lớn nên nội dung thi đua cũng phải được tiến hành trên các lĩnh vực, ở mọi cấp, ngành để không những hướng vào hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ mà còn tạo điều kiện huy động và phát huy vai trò của quần chúng nhân dân tham gia. Nếu như phong trào thi đua ái quốc được tổ chức tốt và ai cũng thi đua, ai cũng tích cực tham gia vào cuộc kháng chiến, kiến quốc thì kết quả là chủ nghĩa yêu nước, ý chí tự lực, tự cường dân tộc sẽ được khơi dậy và phát huy. Điều đó sẽ tiếp thêm sức mạnh cho dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách để sự nghiệp cách mạng mau chóng giành thắng lợi.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào thi đua yêu nước đã có sự phát triển mạnh mẽ, liên tục và rộng khắp. Từ những phong trào thi đua lớn trong 2 cuộc kháng chiến kiến quốc, như “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “Hũ gạo kháng chiến”, “Sóng Duyên hải”, “Gió Đại phong”, “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”,… Phong trào thi đua yêu nước trở thành một nguồn động lực thúc đẩy cuộc kháng chiến chống Pháp, sự nghiệp xây dựng xã hội mới và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đi đến thắng lợi.

Hiện nay, cả nước bước vào thời kỳ đổi mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, bên cạnh những thuận lợi, đất nước ta đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn, đòi hỏi phải phát huy cao độ lòng yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc trong mỗi người dân Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mặc dù, tình hình thực tiễn có nhiều thay đổi, song “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, được thể hiện trên một số nội dung cơ bản sau:

Một là, “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” đã là cơ sở lý luận cho Đảng, Nhà nước ta trong lãnh đạo, tổ chức thắng lợi các phong trào thi đua yêu nước. “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” mặc dù được viết rất ngắn gọn nhưng đã thể hiện những quan điểm cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về cách tổ chức, lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Đó là các quan điểm về mục đích chính trị của phong trào thi đua yêu nước, về vai trò chủ thể, quyết định của quần chúng nhân dân trong tiến hành cách mạng, về đoàn kết toàn dân, về việc thực hiện nhiệm vụ chiến lược lâu dài với những nhiệm vụ cụ thể trước mắt... “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, cùng với nhiều bài nói, bài viết sau này của Hồ Chí Minh đã cung cấp cơ sở lý luận quan trọng cho Đảng, Nhà nước ta lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua yêu nước trong hơn nửa thế kỷ qua, đồng thời góp phần thiết thực vào việc hoàn thành các nhiệm vụ của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Vận dụng sáng tạo những quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến công tác thi đua, khen thưởng và đã ban hành nhiều chỉ thị nhằm xác định rõ vị trí, vai trò quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý Nhà nước đối với công tác thi đua, khen thưởng; thường xuyên kiện toàn và đổi mới tổ chức, đội ngũ cán bộ tham mưu về công tác thi đua khen thưởng; đổi mới nội dung và hình thức tiến hành. Hiện nay, ngày 11 tháng 6 hàng năm là “Ngày Truyền thống thi đua yêu nước”.

Đây là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, gắn với việc triển khai sâu rộng và có hiệu quả việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Những kết quả mà các phong trào thi đua yêu nước đem lại trên thực tế là rất to lớn. Điều đó sẽ tiếp tục khẳng định những giá trị và ý nghĩa to lớn của “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã phát động cách đây tròn 70 năm.

Hai là, “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và đang động viên được các tầng lớp nhân dân vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của cách mạng Việt Nam. Trước đây, trong hoàn cảnh rất khó khăn, ác liệt của cuộc kháng chiến, “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có ý nghĩa như một lời hịch thúc giục và có sức lan tỏa, lôi cuốn mạnh mẽ các tầng lớp nhân dân.

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Người, các phong trào thi đua đã nhanh chóng phát triển rộng khắp trên mọi miền Tổ quốc và thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, các phong trào thi đua “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “Bình dân học vụ”, “Hũ gạo kháng chiến”… đã thu hút, động viên đông đảo nhân dân tham gia, góp phần lập nên những chiến thắng vang dội, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, các phong trào thi đua yêu nước vẫn tiếp tục được duy trì sôi nổi, rộng khắp trên các lĩnh vực, ở hậu phương lớn miền Bắc và tiền tuyến lớn miền Nam. Tiêu biểu là các phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, phong trào “Thanh niên Ba sẵn sàng”; “Phụ nữ Ba đảm đang” với khẩu hiệu phong phú và thiết thực, như: Nhà nhà thi đua, người người thi đua, tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng…động viên, khơi dậy và phát huy sức mạnh to lớn của dân tộc “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước hiện nay, thực hiện “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua yêu nước do Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội phát động, cả nước đã dấy lên các hoạt động thi đua sôi nổi, thiết thực, hiệu quả, tạo động lực chính trị - tinh thần to lớn cho đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Từ một nước nghèo, kém phát triển, đất nước ta đã vươn lên trở thành một quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình, từng bước “sánh vai với các cường quốc trên thế giới” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong ước.

Ba là, “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có ý nghĩa thực tiễn rất sâu sắc trong tổ chức các phong trào thi đua yêu nước hiện nay. Ý nghĩa to lớn của “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện ở việc xác định mục đích của thi đua là hướng vào thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của cách mạng trong mỗi giai đoạn. Trong điều kiện hòa bình, hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực, việc thi đua yêu nước đòi hỏi kết hợp nhuần nhuyễn lòng yêu nước với tinh thần quốc tế, lòng tự hào dân tộc với ý thức tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, trung thành với lý tưởng cách mạng...

Bên cạnh đó, việc xác định nội dung của phong trào thi đua phải toàn diện. Trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc, Người kêu gọi mỗi người dân Việt Nam là một chiến sĩ tranh đấu trên các mặt trận quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa. Ngày nay, công cuộc đổi mới đất nước cũng tiến hành trên tất cả các mặt, mà mục tiêu trước mắt là đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc thi đua yêu nước cũng phải tiến hành một cách toàn diện, tạo nên sức mạnh to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đặc biệt, trong thi đua không những phải khơi dậy và phát huy đông đảo người dân tham gia mà còn phải thể hiện động cơ trong sáng, tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau tiến bộ. Thi đua cần phải quán triệt rõ phương châm: “Thi đua chứ không ganh đua” nên động cơ thi đua phải lành mạnh, thân ái, đoàn kết, giúp đỡ nhau để cùng đạt được thành tích cao. Trong điều kiện đất nước đang thực hiện một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa và hội nhập quốc tế, việc quán triệt và thực hiện tốt các giá trị nhân văn, tiến bộ trong “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ góp phần thiết thực vào việc thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị, góp phần hiện thực hóa thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

PGS. TS Doãn Thị Chín - Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/suc-anh-huong-tu-loi-keu-goi-thi-dua-ai-quoc-cua-chu-tich-ho-chi-minh-612186.ldo