Sửa toàn diện Luật Bảo vệ môi trường để kiểm soát chặt chất lượng các thành phần môi trường

Hôm nay (26/5), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Cần nhiều hoạt động nỗ lực để bảo vệ môi trường. Ảnh: baotainguyenmoitruong

Cần nhiều hoạt động nỗ lực để bảo vệ môi trường. Ảnh: baotainguyenmoitruong

"Chính phủ đã quyết định cần sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 để tạo các căn cứ pháp lý quan trọng, bảo đảm quản lý chặt chẽ hơn, kiểm soát các nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường cao tại các dự án đầu tư lớn, các hoạt động kinh tế-xã hội tập trung đông mật độ dân cư…".

Đó là khẳng định theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) trước yêu cầu cấp bách giải quyết các vấn đề về môi trường ngày càng phức tạp trên phạm vi rộng, mức độ ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, chất lượng môi trường tại một số nơi đã vượt ngưỡng cho phép...

Dự thảo Luật đưa ra một số đề xuất mới để cắt giảm bớt các thủ tục hiện hành như: Tích hợp các loại giẩy phép xả thải; bãi bỏ thủ tục về xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường, thay vào đó là quản lý bằng công cụ giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường;

Không quy định về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và thay vào đó, quy định việc phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường để làm căn cứ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc ban hành văn bản thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở của dự án, quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, cấp giấy phép khai thác khoáng sản, cấp giấy phép môi trường, cấp giấy phép nhận chìm ở biển…

Các quy định mới của dự thảo Luật nhằm kiểm soát chất lượng của các thành phần như đất, nước, không khí, cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học... với những nguyên tắc bảo vệ môi trường nghiêm ngặt hơn như: Quy định về bảo vệ các thành phần môi trường đất, nước, không khí, biển, cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học, sức khỏe môi trường.

Trong đó, nguồn thải vào môi trường phải được phân loại, quản lý phù hợp với mục đích sử dụng và sức chịu tải của nguồn nước; phải tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố trong từng thành phần môi trường; không cấp giấy phép môi trường để xả nước thải vào các nguồn đã không còn sức chịu tải; phân vùng môi trường trong quy hoạch các cấp; quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương…

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận ở hội trường trong phiên họp ngày 16/6/2020.

Cùng ngày, Quốc hội cũng sẽ thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội,dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).

Huy Anh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/trong-nuoc/sua-toan-dien-luat-bao-ve-moi-truong-de-kiem-soat-chat-chat-luong-cac-thanh-phan-moi-truong-519312.html