Sửa SGK Tiếng Việt 1: Tiếng Việt của 'ông Tây, bà Tây'

Chúng ta đang làm cái công việc là lấy bộ sách của những 'ông Tây, bà Tây' nói tiếng Việt để dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam.

Đó là nhận xét của PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông, nguyên Chủ nhiêm bộ môn Việt ngữ học, Giảng viên cao cấp trường Đại học KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) khi ông đọc tài liệu chỉnh sửa SGK Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều.

PV: - Mới đây NXB ĐH Sư phạm TP.HCM đã phát hành tài liệu đính chính cho cuốn sách SGK Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều để lấy ý kiến góp ý. Tài liệu gồm hai nội dung chính, trong đó phần I giới thiệu một số ngữ liệu để giáo viên có thể sử dụng thay thế các bài đọc chưa phù hợp. Phần II hướng dẫn điều chỉnh một số từ ngữ trong bài.

Ông đánh giá như thế nào về nội dung tài liệu chỉnh sửa được công bố trên mạng? Việc chỉnh sửa như vậy đã chấp nhận được hay chưa, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt. Ảnh: KH&ĐS

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt. Ảnh: KH&ĐS

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt: - Đọc tài liệu chính sửa do NXB ĐH Sư phạm TP.HCM công bố, tôi thấy chúng hoàn toàn chắp vá, đã sai càng sai hơn. Một cuốn SGK phải có tính hệ thống chặt chẽ, song phương án sửa như thế này là phá vỡ những hệ thống cần thiết, tạo ra sự khập khiễng, manh mún.

Để chứng minh cho cái sai, nhiều phương diện, tôi sẽ lấy ví dụ các bài đọc bổ sung mà tài liệu gợi ý để giáo viên thay thế những bài đọc chưa phù hợp trong SGK Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều.

Bài tập đọc "Phố Thợ Nhuộm", tài liệu bổ sung viết :"Thủ đô có phố Thợ Nhuộm. Phố tấp nập và đẹp lắm. Bà em kể, xưa kia, phố có nghề nhuộm. Bà hứa đưa em đi thăm phố. Bà sẽ kể cho em nghe thêm về nghề nhuộm".

Viết như vậy đối với trẻ em rất mơ hồ. Thủ đô là thủ đô của nước nào? Các em không chỉ biết thủ đô của Việt Nam mà còn biết thủ đô của nước khác nữa. Do đó, phải là "thủ đô Hà Nội".

Tiếp đó, "Phố tấp nập và đẹp lắm" là một câu văn rất vụng, cộc lốc và vô cảm trong miêu tả. Lẽ ra nên viết: “Phố lúc nào cũng tấp nập và rất đẹp”. Thoạt nhìn, hai câu này có vẻ tương đồng với nhau, nhưng chất văn lại khác nhau hoàn toàn. Dù tả cho trẻ em người viết cũng cần tính toán kỹ lưỡng và phải cẩn trọng để làm sao câu văn đem ra dạy phải có hồn. Văn miêu tả mà lại dùng thứ ngôn ngữ kể lể là sai về phong cách. Chưa kể, tranh minh họa thì khập khiễng, không ăn nhập với nội dung của bài. Câu văn tả cảnh phố tấp nập nhưng tranh minh họa lại là một đường phố thưa thớt bóng người.

Bài "Chăm bà" lại có chuyện hài hước hơn, cho thấy người viết có kiến thức nền quá yếu, không những yếu về tri thức tiếng Việt, tâm lý mà cả kiến thức khoa học khác.

"Bà bị cảm. Cả nhà lo lắm. Bố ra phố mua cam. Mẹ đi khắp chợ mua lá hẹ để chữa ho. Thắm thì đưa sữa cho bà. Có cả nhà chăm, bà đã đỡ".

Một trong những triệu chứng của cảm là sốt, chứ không phải ho, cũng không ai chữa cảm bằng lá hẹ. Bên cạnh đó, nói về chuyện cháu chăm sóc bà, nhưng câu văn rất vô cảm khi viết: “cháu đưa sữa cho bà". Tại sao lại không dùng "bưng sữa" hay "pha sữa"? Rõ ràng, trong trường hợp này, người biên soạn cần phải lựa chọn từ sao cho phù hợp với văn cảnh, nhưng người biên soạn đã không làm được!

Tương tự, nhiều bài đọc khác cũng cho thấy sự vô lý giữa ngôn ngữ và bối cảnh giao tiếp. Chính vì không tạo ra được bối cảnh giao tiếp thích hợp cho từng trường hợp nên cách sử dụng tiếng Việt trong các bài đọc phần lớn là giả tạo, sống sượng. Đó không phải là tiếng Việt của người Việt đích thực mà là thứ tiếng của người không am hiểu nhiều về tiếng Việt "nặn" ra, bắt trẻ con học giống như ăn một thứ cơm sống sít.

Mục tập đọc trong bài 63 ôn tập là một ví dụ. "Chủ nhật, bố mẹ đưa Vân về quê thăm bà. Gần nhà bà có bạn Tâm. Vân và Tâm kết bạn. Tâm dẫn Vân đi xem gặp lúa. Vân kể cho Tâm nghe về phố xá tấp nập. Tâm hẹn sẽ ra phố thăm Vân".

Bài viết rất vô cảm, không cho thấy được tình cảm gắn bó của bạn bè. Hai người kết bạn với nhau nhưng không có văn cảnh hai người làm quen hoặc giao tiếp với nhau. Chưa kể, "Vân kể cho Tâm nghe về phố xá tấp nập", nhưng bức tranh minh họa lại là một góc phố đìu hiu, không bóng người, giống như góc phố của một thị trấn miền núi. Dạy trẻ em mà dạy như thế, sao không gọi là quá kỳ cục?

Bài tập đọc "Hồ sen" có câu: "Mùa hè đến, sen vừa ra búp. Thế mà chỉ ít hôm, sen đã nở kín hồ". Đây là một câu văn của người nước ngoài học tiếng Việt, ngô nghê và không hề có logic. Phải viết là: "Mùa hè đến, sen bắt đầu ra búp". Dùng liên từ "Thế mà" thì trước đó phải có "mới hôm nào” câu văn mới có tính logic và mới đúng là cách tư duy của người Việt. Còn câu văn của mấy nhà biên soạn sách như vừa dẫn không phải câu văn của người Việt mà của người nước ngoài, rất thiếu chuẩn mực và rất ngô nghê.

Để tránh được sự ngô nghê đó, cần phải viết “Mới hôm nào sen vừa ra búp, thế mà hôm nay sen đã nở rộ”. Giống như nhiều bài khác, tranh minh họa cho nội dung ở bài này cũng đối lập với cái mà người biên soạn “nói ra”. Bài viết tả sen nở kín hồ, nhưng nhìn tranh minh họa thì không những thấy nó lưa thưa mà còn rất lạ lẫm, lạ đến mức hài hước. Vì, đó không phải là hoa sen mà là... hoa súng, thậm chí giống hoa mẫu đơn.

Sách dùng dạy Tiếng Việt cho trẻ em mà thế này thì tiếng Việt “giàu và đẹp” của cha ông ta đâu còn nữa? Nó bị chính các nhà biên soạn sách làm cho nó tiêu vong đi mất rồi!

Tiếp đó, bài tập đọc này đưa ra câu hỏi kỳ quặc: "Ý nào đúng?: a) Gần nhà Ngân có hồ cá đẹp lắm; b) Mùa hè, sen nở kín hồ". Tôi cho rằng cả hai câu này đều đúng với cách nêu câu hỏi như trên. Thực tế, nhà Ngân có thể vừa gần hồ sen, vừa gần hồ cá đẹp. Nhưng nếu trả lời như vậy thì chắc chắn các em sẽ bị đánh trượt bởi thứ tư duy rất công thức của nhà biên soạn đã áp đặt vào câu hỏi này!

Nếu hỏi đúng, phải hỏi là: Ý nào đúng với nội dung của bài học?

Bài tập đọc "Sáng sớm trên biển"càng ngô nghê hơn. "Vầng hồng từ từ nhô lên". Vầng hồng là sự vật không cụ thể, nó là một khoảng không gian, vậy tại sao nhô lên được? Nhô lên chỉ có thể là mặt trời, còn vầng hồng chỉ có thể hiện ra.

Ngay sau câu này là: "Mặt biển bỗng ửng hồng". Từ "bỗng" dùng trong câu này lại càng sai, vì câu trước miêu tả là "từ từ". Dường như người viết không hiểu gì về lý thuyết tiền giả định,cho nên mới viết bừa bãi như thế. Bởi, trong ngôn ngữ, có những quy tắc khá nghiêm ngặt: khi tạo câu hoặc kết hợp từ phải biết từ nào kết hợp được với từ nào, từ nào không kết hợp được với từ nào. "Bỗng" là từ có nghĩa chỉ sự vật, hiện tượng xuất hiện một cách bất ngờ và đột ngột. Vì thế, trước đó đã dùng "từ từ nhô lên" thì vế tiếp theo của câu không thể dùng "bỗng" được.

Bài tập đọc "Ông bà em" trong bài 93 ôn tập lại gây cho người đọc phản cảm về giáo dục: "Ông bà em rất thương em. Sáng sáng, ông đưa em đến trường. Hết giờ học, ông đón em về. Khi em về đến nhà, bà đã pha sẵn cho em một li nước cam. Em uống nước và kể cho ông bà nghe về em và các bạn ở trường".

Cách viết như trên rất xa lạ với đời sống hiện thực. Đó không phải là cuộc sống của người bình dân mà là cuộc sống của những người giàu và đại giàu. Đây không phải là bài viết giáo dục về tình cảm ông bà với con cháu mà là bài học dạy trẻ em thói quen hưởng thụ, được cung phụng. Còn ông bà là những người giống như là ô sin. Một bài học mà viết như thế, suy ngẫm kỹ lại là bài học có tính phản giáo dục chứ không phải là bài học dạy cho trẻ em biết sống có tình cảm, biết làm người.

Từ những phân tích trên, có thể thấy những người biên soạn cuốn sách này quá yếu về mọi phương diện, nhưng lại cứ bắt họ phải sửa bộ sách này, cuối cùng hóa ra thành lấy cái sai này để thay cho cái sai khác. Như thế, chúng ta đang làm cái công việc là lấy bộ sách của những "ông Tây, bà Tây" nói tiếng Việt để dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam.

Những sự kiện như tôi vừa phân tích cho thấy, sửa sách theo kiểu này đã phá vỡ toàn bộ hệ thống logic của tiếng Việt cũng như tất cả quy luật về ngữ nghĩa, từ vựng, làm mất hết vẻ đẹp tinh tế của tiếng Việt, biến tiếng Việt thành một thứ lai căng, láo nháo bởi người biên soạn dường như không đủ năng lực, tri thức, khả năng tư duy, sự hiểu biết về tâm lý trẻ em, chưa nói, họ thạm chí chưa hiểu được ý nghĩa các từ mà họ đem ra sử dụng, tiện đâu dùng đấy, không cần biết câu văn có chuẩn mực hay không. Đó là điều vô cùng nguy hiểm!

Đã nói tới SGK là phải nói tới sự chuẩn mực. Nhưng SGK ở đây lại mất chuẩn mực đến như thế thì tình hình dạy dỗ cho con trẻ rồi sẽ đi về đâu? Lẽ nào chỉ vì giải tỏa cái nguồn thu 237 ngàn tỷ đồng từ bộ sách này, chúng ta lại không dám nhìn ra cái thảm họa lâu dài từ nó?

Bài đọc "Chăm bà" thay thế cho đoạn trích "Ve và gà". Tuy nhiên, theo chuyên gia ngôn ngữ, bài đọc này mắc nhiều lỗi, cho thấy kiến thức nền của người viết quá yếu

PV: - Trước đó, lý giải về việc đưa ra các câu ngắn, nhà biên soạn cho biết điều này để phù hợp với tư duy của học sinh lớp 1, hơn nữa các âm, vần chưa học thì chưa thể đưa vào, đành tìm các âm, vần đã học để thay thế...

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt: - Những lý do đó chỉ là ngụy biện. Tìm lại những bộ sách dạy Tiếng Việt ngày xưa, có thể thấy những câu văn ngắn nhưng vẫn rất mượt mà. Chúng ta không tham câu văn dài nhưng như thế không có nghĩa là ngắn tới mức cộc lốc, vô cảm. Điều này đòi hỏi phải tư duy, làm sao phù hợp với tâm lý, lứa tuổi người học, đồng thời đạt yêu cầu về mục đích giáo dục.

Nếu ngắn để dạy mỗi vần với chữ thì không cần, ngày xưa các cụ dạy bình dân học vụ chỉ 3 tháng là biết đọc biết viết, tại sao bây giờ áp dụng khoa học hiện đại, dạy lâu như thế mà như đánh vật?

Một nữ thạc sĩ ở trường ĐH KHXH&NV chia sẻ với tôi rằng, cô có con đang học bộ sách Cánh Diều, mỗi lần dạy phụ đạo cho con môn Tiếng Việt mà cô muốn phát điên.

PV: - Trước những sai sót trong SGK Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều, có ý kiến cho rằng, SGK không quan trọng, quan trọng là chương trình, SGK sai ngữ liệu chỗ nào thì giáo viên có thể tự điều chỉnh, sáng tạo. Ông chia sẻ như thế nào với quan điểm này?

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt: - Tôi khẳng định quan điểm này không đúng, thậm chí vô cùng sai. SGK phải có chuẩn chung, không thể nói mỗi giáo viên có thể sửa sai hay dạy theo cách của mình mà phải dạy theo một phương pháp chung, sáng tạo chỉ làm phong phú, cụ thể hóa, sinh động hóa thêm nội dung của sách giáo khoa. Phải sáng tạo từ cái chuẩn và cái đúng, chứ không thể sang tạo từ cái sai để càng tăng thêm nhiều cái sai hơn nữa.

Người biên soạn là người có trình độ, có học hàm, học vị chỉnh sửa còn sai đến như thế, thì giáo viên lớp 1 - những người có trình độ thấp hơn nhiều mà chỉnh sửa sẽ sai đến đâu? Chưa kể mỗi giáo viên sai một cách thì học trò sẽ khốn khổ đến mức nào?

Một số đại biểu Quốc hội và một vài vị chức sắc ngành giáo dục nếu không thay đổi suy nghĩ mà cứ quan niệm rằng “chương trình là cơ bản, SGK không quan trọng…” thì chắc chắn, sự nghiệp giáo dục của nước nhà còn lâu, có thể nửa thế kỷ nữa, chưa chắc phát triển được. Trên đã làm sai lại bắt cấp dưới chịu cái sai ấy, đó là sự đổ vạ trách nhiệm cho người khác, một sự phi lý không chấp nhận được.

PV: - Với những sai sót tiếp tục xảy ra ở tài liệu điều chỉnh, bổ sung như ông đã phân tích, nên xử lý thế nào với cuốn SGK Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều?

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt: - Trước đây, trong nhiều lần trả lời báo chí, tôi đã nhấn mạnh, những sai sót trong cuốn SGK Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều là những cái sai trầm trọng, cơ bản, sai nhiều kiến thức, đặc biệt là kiến thức chuyên ngành và liên ngành, nếu sửa sẽ vô cùng tai hại vì nó phá vỡ toàn bộ hệ thống.

Bây giờ, nhìn vào tài liệu điều chỉnh, bổ sung, có thể thấy những cảnh báo đó hoàn toàn đúng, việc chỉnh sửa rất chắp vá, sai lại càng sai, cho thấy người biên soạn không có đủ năng lực đảm nhiệm công việc Nhà nước giao phó. Đây chỉ là một giải pháp chống chế nhằm xoa dịu dư luận hơn là một giải pháp chuyên môn thực sự.

Tại sao cứ bắt con trẻ phải học những cái sai này? Chúng ta cần dũng cảm loại bỏ cuốn sách này ra khỏi môi trường giáo dục hiện nay, còn nếu cứ "cố đấm ăn xôi" thì sẽ gây hại về mọi phương diện, kể cả về mặt tâm lý phụ huynh và mặt chuyên môn. Đặc biệt, về mặt chuyên môn, tôi xin nhắc lại rằng không thể dạy trẻ cuốn sách này vì thứ tiếng Việt thể hiện ở đây là tiếng Việt của người Tây.

Người dân đóng góp quá nhiều để hưởng một bộ sách như thế này liệu có đáng không? Một bộ SGK phổ thông, nhất là ở cấp I, chỉ nên thống nhất một mối, do Nhà nước quản lý và tổ chức: tập hợp các trí thức có đủ tài năng để viết, tiền thu được phải nộp về cho Nhà nước. Để như thế này Nhà nước không thu được ngân sách đã đành, người dân còn phải nhận một sản phẩm không có chất lượng với nhiều sai sót nghiêm trọng. Mất tiền, mất công để con em phải học cái sai, sao gọi là nền giáo dục lành mạnh?

SGK Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều không phải là bộ sách duy nhất, chúng ta vẫn có những bộ sách dự phòng, thậm chí cả những bộ sách cũ, mà theo đánh giá của nhiều thế hệ giáo viên, chúng còn tốt hơn bây giờ, vẫn có thể sử dụng.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/sua-sgk-tieng-viet-1-tieng-viet-cua-ong-tay-ba-tay-3422945/