Sửa quy hoạch khu đô thị: Người dân chưa đồng thuận cao?

Theo GS.Đặng Hùng Võ, kể cả quy hoạch lần đầu hay điều chỉnh quy hoạch đều phải lấy ý kiến của người dân, đồng thời giải quyết tận gốc những ý kiến không đồng thuận.

Ảnh minh họa.

Vừa qua, trên địa bàn các thành phố lớn: Hà Nội, TP.HCM xuất hiện nhiều vụ việc cư dân phản đối chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch, “nhồi nhét” thêm cao ốc vào khu đô thị.

Mới đây, hàng trăm hộ dân Khu đô thị Ciputra đã có đơn kiến nghị gửi Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, các sở: Quy hoạch- Kiến trúc; Xây dựng; Kế hoạch và Đầu tư… về việc điều chỉnh quy hoạch kiến trúc một số ô đất thuộc giai đoạn 2, tại quận Tây Hồ và quận Bắc Từ Liêm.

Theo đại diện cư dân, chủ đầu tư Khu đô thị Ciputra là Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long đã xây dựng đồ án quy hoạch điều chỉnh các ô đất trong khu đô thị; trong đó, một ô đất trước quy hoạch 5 tòa nhà với chiều cao từ 5 đến 47 tầng thì nay được đề xuất điều chỉnh tăng thành 8 tòa cao từ 45 đến 68 tầng.

Bà Nguyễn Thị Xuyên, Tổ trưởng tổ dân phố Nam Thăng Long cho biết, ngay từ ngày 18/4, dân cư tổ dân phố đã họp để cho ý kiến về phương án điều chỉnh này. Tại cuộc họp, 100% ý kiến cộng đồng dân cư không đồng ý việc điều chỉnh. Cộng đồng dân cư tại đây cho rằng, việc điều chỉnh quy hoạch là vì lợi ích nhóm của nhà đầu tư không phải vì lợi ích của người dân.

Trước đó, ngày 12/5, hàng trăm cư dân Khu đô thị Ngoại giao đoàn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã cùng nhau căng băng rôn phản đối việc điều chỉnh quy hoạch xây Bệnh viện U Bướu tại đây, yêu cầu chủ đầu tư Hancorp trả "sổ đỏ"…

“Quy hoạch ban đầu của bệnh viện này là khu đất để xây dựng đầu mối kỹ thuật và phục vụ cho khu đô thị. Người dân lo ngại sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của chúng tôi. Có những điều chỉnh quy hoạch là xây những khu cao tầng như vậy sẽ gây áp lực cho cơ sở hạ tầng. Chúng tôi không đồng ý", một cư dân chia sẻ.

Liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch các khu đô thị, cách đây vài tháng, ngày 6/4, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng về việc phản ánh của báo chí liên quan đến phản đối của cộng đồng cư dân đối với điều chỉnh quy hoạch các dự án đô thị.

Văn bản nêu, báo chí có phản ánh về hàng loạt dự án đô thị xin điều chỉnh quy hoạch gặp phải sự phản đối của cộng đồng cư dân, nhưng nhiều trường hợp vẫn được các cơ quan chức năng "hợp thức hóa". Mới đây, hơn 700 hộ dân Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội) do Vinaconex làm chủ đầu tư bức xúc kiến nghị đến các cơ quan chính quyền về việc khu đô thị bị phá vỡ quy hoạch suốt 20 năm qua và chưa dừng lại.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Xây dựng xử lý ý kiến nêu trên và các vấn đề tương tự trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình.

Điều chỉnh quy hoạch làm thế nào để dân đồng thuận?

Trao đổi với BizLIVE, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, câu chuyện điều chỉnh quy hoạch vẫn là câu chuyện lớn của Việt Nam. Nhiều khi chúng ta có quy hoạch khá tốt nhưng đôi khi các nhà đầu tư do thiếu năng lực tài chính hay thiếu nguồn vốn đã điều chỉnh lại quy hoạch cho khả thi trong việc gọi vốn. Như vậy, lại phải điều chỉnh và làm lệch so với quy hoạch ban đầu.

Theo GS.Đặng Hùng Võ, xu hướng của nhiều nhà đầu tư là muốn có nhiều không gian ở để bán, do đó phải điều chỉnh thu hẹp không gian công cộng, tăng không gian ở.

Dẫn trường hợp ở khu HH Linh Đàm (Hà Nội), ông cho rằng, đây là điển hình của việc điều chỉnh quy hoạch. Không hiểu là được cấp phép điều chỉnh quy hoạch hay chủ đầu tư tự làm nhưng trên thực tế nó đã lệch lạc rất nhiều so với quy hoạch ban đầu.

“Đây là tình trạng mà tôi cho rằng cần phải chấn chỉnh, cần phải đưa ra một cách thức thực hiện sao cho chuẩn xác để sao cho trong quá trình phát triển vẫn phải đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn kỹ thuật mà thế giới vẫn thường áp dụng. Chúng ta phải bám theo các tiêu chuẩn đó, nếu không một thời gian lại phải đập bỏ cái này, xây dựng lại cái kia thì đó là một biểu hiện tiêu cực trong quá trình phát triển”, GS. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Trước câu hỏi của BizLIVE "làm gì để việc điều chỉnh quy hoạch này nhận được sự đồng thuận và hài hòa lợi ích của chủ đầu tư và người dân", GS. Đặng Hùng Võ cho biết, theo quy định của pháp luật Việt Nam, kể cả quy hoạch lần đầu hay điều chỉnh quy hoạch đều phải lấy ý kiến của người dân, đồng thời phải giải quyết tận gốc những ý kiến không đồng thuận của người dân để sao khi chúng ta phát triển phải nhận được sự đồng thuận cao nhất của cả chính quyền, người dân và chủ đầu tư.

“Về nguyên tắc là như vậy, nhưng trong quá trình triển khai trên thực tế chúng ta thường bớt công đoạn, nhất là công đoạn lấy ý kiến của người dân, đôi khi chỉ lấy ý kiến của chính quyền địa phương và coi như đó là ý kiến của người dân.

Hoặc, tổ chức lấy ý kiến không công khai tức là không được ý kiến của đại đa số người dân cũng như có thể lấy được ý kiến rồi nhưng không chắt lọc lại cái gì cần tiếp thu, cái gì cần giải thích cho người dân. Tôi cho rằng khi người dân đủ thông tin thì họ sẽ đồng thuận”, GS. Đặng Hùng Võ trao đổi.

Liên quan đến việc xây dựng và phát triển các khu đô thị mới, ngày 18/7, BizLIVE sẽ tổ chức Tọa đàm: “Phát triển các khu đô thị: Thực trạng và Xu hướng mới”.

Tọa đàm được BizLIVE.vn tổ chức nhằm giải đáp những câu hỏi, mối quan tâm của độc giả, thảo luận và tìm ra một mô hình xây dựng các khu đô thị mới chung của tương lai.

Tham gia Tọa đàm có: Lãnh đạo Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng); Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam; Ông Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Đại Phúc Land; Đại diện Tập đoàn Nam Cường; Đại diện Cen Group….

VẠN XUÂN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/dia-oc/sua-quy-hoach-khu-do-thi-nguoi-dan-chua-dong-thuan-cao-3513874.html