Sửa quy định pháp luật để xử lý tín dụng đen, cho vay nặng lãi

Bộ Tư pháp cho rằng, quy định về tính mức lãi suất làm căn cứ cho việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cho vay tiền cầm cố tài sản tại Nghị định 67/2013 đã không còn phù hợp. Bộ này đã xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định về họ, hụi, biêu, phường để đảm bảo cơ sở pháp lý cho các giao dịch này phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.

Ông Đỗ Đức Hiển - Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Tư pháp cho biết, qua rà soát bước đầu Bộ Tư pháp nhận thấy Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định chi tiết thi hành đã có nhiều quy định làm cơ sở cho việc hạn chế hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi.

Trong đó, để kiểm soát vấn đề liên quan đến việc cho vay nặng lãi, Điều 468 Bộ luật Dân sự quy định cụ thể về mức trần của lãi suất cho vay: Mức lãi suất do các bên tự thỏa thuận và không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn (20%/năm/khoản tiền vay) thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn tại thời điểm trả nợ.

Với hình thức tổ chức họ, hụi, biêu, phường (gọi chung là họ), trường hợp tổ chức họ có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của Bộ luật Dân sự và pháp luật cũng nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi.

Bộ luật Hình sự 2015 còn quy định về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự tại Điều 210. Theo đó, hành vi cho vay nặng lãi chỉ cấu thành tội phạm khi có đủ 2 dấu hiệu: Lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định tại Bộ luật Dân sự; Thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Ngoài ra, theo ông Đỗ Đức Hiển, Nghị định số 167/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy cũng quy định cụ thể về hành vi và thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi liên quan đến cho vay nặng lãi.

Cụ thể, xử phạt đối với hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm cho vay.

Xử phạt đối với các hành vi sử dụng người không có đủ điều kiện, tiêu chuẩn vào làm việc trong các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; hoạt động kinh doanh ngành, nghề có điều kiện về an ninh trật tự mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự…

Tuy nhiên qua rà soát, Bộ Tư pháp nhận thấy quy định về tính mức lãi suất làm căn cứ cho việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cho vay tiền cầm cố tài sản tại Điểm d Khoản 3 Điều 11 Nghị định số 67/2013 do Bộ Công an chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành (vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm cho vay) đến nay đã không còn phù hợp với quy định về lãi suất cho vay theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 (20%/năm/khoản tiền vay) và cũng không còn phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Hơn nữa chưa điều chỉnh được hết các hành vi vi phạm trong giao dịch cho vay, bởi hiện nay nhiều trường hợp cho vay không cần cầm cố tài sản, chỉ cần chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ khẩu hoặc giấy tờ tùy thân khác hay hình thức bốc họ,…

“Trong thời gian tới Bộ Tư pháp sẽ kiến nghị với Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2013 để khắc phục những bất cập nêu trên. Bên cạnh đó, hiện nay Bộ Tư pháp cũng đã xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định về họ, hụi, biêu, phường để đảm bảo cơ sở pháp lý cho các giao dịch này phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành”- ông Hiển cho hay.

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tien-te/sua-quy-dinh-phap-luat-de-xu-ly-tin-dung-den-cho-vay-nang-lai-256914.html