Sửa quy định khống chế chi phí lãi vay?

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu, hoạt động thương mại trong nội bộ các tập đoàn cũng như các giao dịch tài chính xuyên biên giới giữa các bên liên kết đã trở nên ngày càng phổ biến.

Điều này cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc quản lý thuế của các tập đoàn và nảy sinh những rủi ro xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận.

 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.

Vì thế, Nghị định số 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết ra đời và được đánh giá là phù hợp với thực tiễn trong nước và thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, một số quy định của Nghị định 20 như quy định về khống chế 20% trên mức chi phí lãi vay đối với giao dịch liên kết đã được nhiều DN phản ánh là gây khó đến hoạt động kinh doanh của DN. Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ nên áp dụng chi phí về lãi vay liên kết với các trường hợp có hoạt động về cho vay lẫn nhau chứ không nên áp dụng tổng thể về các đối tượng có giao dịch kiên kết.

Theo các chuyên gia, việc khống chế tỷ lệ trần lãi vay 20% chỉ có thể áp dụng cho các DN nước ngoài để chống chuyển giá khi các công ty con vay từ công ty mẹ để khai khống chi phí. Trong khi các DN của Việt Nam đều chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng.

Các DN trong nước cũng khó có việc chuyển giá. Vì vậy, việc khống chế trần lãi vay là siết chặt và không khuyến khích DN mở rộng đầu tư kinh doanh. Mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tiếp tục yêu cầu Bộ Tài chính tiếp thu đầy đủ các ý kiến, hoàn thiện Báo cáo về việc xây dựng, ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định này, tập trung vào các nội dung tại khoản 3 Điều 8 về: Tỷ lệ khống chế chi phí lãi vay, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, theo trình tự thủ tục rút gọn theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, không phân biệt đối xử.

Đồng thời, Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Thuế số 38/2019/QH14 về việc quản lý thuế đối với các giao dịch liên kết của những DN có quan hệ liên kết theo đúng tiến độ được giao tại Quyết định số 936/QĐ-TTg ngày 26/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm trình tự, thủ tục theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về phía Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, trên cơ sở Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ có sửa đổi bổ sung tổng thể về Nghị định 20, trong đó quy định rõ hơn về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cũng như quy định cụ thể về áp dụng tỷ lệ khống chế lãi vay thuần sau khi trừ đi doanh thu và tiền gửi, tiền vay. Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu tỷ lệ khống chế lãi vay cho phù hợp, cân nhắc con số 25 - 30% để phù hợp hơn với thực tiễn Việt Nam.

Hà Lâm

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/so-tay-kinh-te-sua-quy-dinh-khong-che-chi-phi-lai-vay-360675.html