Sửa quy chuẩn phòng cháy chữa cháy theo hướng nào?

Các chuyên gia cho rằng, quy chuẩn phòng cháy chữa cháy cần sửa đổi theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ áp dụng đáp ứng được yêu cầu về PCCC, nhưng không hợp thức hóa sai phạm.

Quy chuẩn PCCC cần dễ hiểu, đảm bảo yêu cầu về PCCC

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VOV, ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương - Chủ tịch Hiệp hội PCCC&CNCH Việt Nam cho biết, trong những năm vừa qua, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã và đang đi vào nền nếp, hệ thống pháp luật về PCCC cơ bản được hoàn thiện, đồng bộ, đã tạo được hành lang pháp lý thuận lợi để các chủ thể tham gia phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an toàn PCCC.

Ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương - Chủ tịch Hiệp hội PCCC&CNCH Việt Nam

Ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương - Chủ tịch Hiệp hội PCCC&CNCH Việt Nam

Tuy nhiên, sự cố về cháy nổ vẫn diễn biến phức tạp. Để đánh giá tình hình thực tiễn về công tác PCCC, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức và chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác PCCC, sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn cứu hộ (CNCH) của lực lượng PCCC.

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Công an tổng rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC & CNCH trên phạm vi toàn quốc với mục đích nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC & CNCH nhằm ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan; chấm dứt ngay tình trạng công trình/cơ sở không đủ điều kiện an toàn về PCCC & CNCH, chưa được thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC nhưng vẫn hoạt động.

Với số lượng 38.140 công trình vi phạm về PCCC và đã đình chỉ hoạt động. Các vi phạm quy định về PCCC của các công trình/cơ sở hiện hữu nêu trên có nguyên nhân xuất phát từ các chủ công trình/cơ sở như: Ý thức chấp hành quy định pháp luật về PCCC chưa nghiêm hoặc cố tình không chấp hành; việc nắm bắt các quy định về PCCC chưa rõ ràng và chưa đầy đủ.

Tuy nhiên, cũng có nguyên nhân xuất phát từ năng lực của các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, cơ quan thẩm duyệt, kiểm tra nghiệm thu PCCC và nguyên nhân do ý thức trách nhiệm chưa cao, còn hình thức của các cơ quan quản lý nhà nước về PCCC.

Từ các vi phạm nêu trên, các công trình/cơ sở hiện hữu vi phạm đã bị đình chỉ hoặc tạm đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật về PCCC. Điều này đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh, kết quả phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương và ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, sinh kế của một bộ phận không nhỏ người lao động trên cả nước.

Trước mắt Chính phủ, các bộ ngành liên quan, các cơ quan quản lý nhà nước đã đang vào cuộc để lên giải pháp tháo gỡ cho các công trình này.

Theo đó Bộ Xây Dựng đang nghiên cứu rà soát, sửa đổi QCVN 06:2022/BXD. Quy chuẩn cần được lấy ý kiến từ các đối tượng chịu tác động đang được thực hiện gấp rút điều chỉnh bản dự thảo để ban hành trước ngày 30/6/2023 theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

“Bản sửa đổi quy chuẩn nên điều chỉnh theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ áp dụng đáp ứng được yêu cầu về PCCC. Đặc biệt phải làm sao đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân lên trên hết nhưng cũng không gây lãng phí nguồn lực xã hội, gây khó khăn có hoạt động phát triển kinh tế và có tính khả thi cao”, ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương góp ý.

Tháo gỡ khó khăn PCCC nhưng không hợp thức hóa sai phạm

Theo các chuyên gia, để áp dụng quy định PCCC đạt hiệu quả trong thực tiễn, trong thời gian tới cần tháo gỡ, tạo điều kiện cho các công trình/cơ sở hiện hữu không có khả năng áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC tại thời điểm hiện tại được áp dụng một số giải pháp nâng cao an toàn PCCC để được phép hoạt động trở lại, khôi phục sản xuất kinh doanh, đảm bảo ổn định kinh tế - xã hội.

Các công trình/cơ sở hiện hữu vi phạm quy định PCCC phải được xử lý nghiêm theo các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính về PCCC trước khi được áp dụng các giải pháp tháo gỡ.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà

Chủ công trình/cơ sở hiện hữu vi phạm được áp dụng giải pháp tháo gỡ chịu trách nhiệm bố trí kinh phí phát sinh trong quá trình kiểm tra, đánh giá, đầu tư giải pháp và nghiệm thu PCCC theo quy định của cơ quan quản lý PCCC.

Trong đó, cho phép các công trình/cơ sở hiện hữu không có khả năng đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC tại thời điểm đưa vào sử dụng, đã xử phạt vi phạm theo quy định được áp dụng các giải pháp bổ sung để nâng cao an toàn PCCC.

Các giải pháp bổ sung được áp dụng dựa trên nguyên tắc: Ưu tiên áp dụng cho các công trình/cơ sở hiện hữu phục vụ công vụ, sản xuất, dân sinh; Đảm bảo các nguyên tắc chủ yếu trong PCCC như giảm nguy cơ cháy, phát hiện cháy sớm, cảnh báo cháy sớm, đảm bảo thoát nạn khi có cháy, đảm bảo ngăn cháy lan, đảm bảo tiếp cận nguồn nước chữa cháy...

Cần ban hành các quy định điều kiện để đẩy mạnh xã hội hóa nhất là trong kiểm định, thẩm duyệt thiết kế PCCC. Tăng cường đào tạo nhân lực về PCCC; có cơ chế công nhận, thừa nhận lẫn nhau về quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC về thiết bị, vật liệu, công trình… của các nước tiên tiến.

Để khắc phục những vi phạm về PCCC, mới đây Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Công an xây dựng nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC.

Đối với hoạt động đầu tư xây dựng theo từng đối tượng, loại hình cơ sở hiện hữu có tồn tại, vướng mắc trên nguyên tắc bảo đảm yêu cầu an toàn phòng cháy, chữa cháy, không hợp thức hóa sai phạm để trình chính phủ.

Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu rà soát, sửa đổi quy chuẩn QCVN 06:2022/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình cho phù hợp với mục đích, loại hình, công năng của công trình, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, công nghệ để đáp ứng yêu cầu PCCC, an toàn tính mạng, tài sản, không gây lãng phí nguồn lực xã hội, có tính khả thi.

Trong đó xây dựng các quy chuẩn đặc thù đối với nhóm loại hình nhà ở, sản xuất kinh doanh có nguy cơ cao về cháy, nổ, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân như: kinh doanh gas, các mặt hàng, vật liệu dễ cháy, dịch vụ karaoke, vũ trường, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, chợ, siêu thị.

Ban hành quy chuẩn đối với các loại hình không có nguy cơ cao, môi trường cháy, vật liệu cháy, lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động để ban hành trước ngày 30/6/2023.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đề xuất sửa đổi Luật Phòng cháy, chữa cháy; nghị định số 136/2020/NĐ-CP và các quy định pháp luật liên quan để tạo hành lang pháp lý đồng bộ, tăng cường phân cấp trong thực hiện công tác quản lý nhà nước, thẩm duyệt, cấp phép PCCC./.

Văn Ngân/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/sua-quy-chuan-phong-chay-chua-chay-theo-huong-nao-post1024810.vov