Sửa nội dung hoặc điểm bài thi bị phạt từ 10 - 15 triệu đồng có đủ sức răn đe?

Việc sẽ phạt từ 10 đến 15 triệu đồng với hành vi sửa chữa nội dung bài thi, sửa điểm bài thi trái quy định hoặc nhập điểm vào máy vi tính không đúng với điểm thực tế của bài thi trong dự thảo Nghị định Xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục của bộ GD&ĐT mới công bố đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Nghị định Xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục để lấy ý kiến đến hết ngày 25/11, tùy vào hành vi vi phạm mà mức phạt sẽ từ 1 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Trong đó, đáng chú ý là Điều 21: Vi phạm quy định về thi sẽ phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng với hành vi viết thêm hoặc sửa chữa nội dung bài thi hoặc sửa điểm bài thi trái quy định hoặc nhập điểm vào máy vi tính không đúng với điểm thực tế của bài thi.

Việc chỉ phạt từ 10 đến 15 triệu đồng cho hành vi này gây ra tranh cãi khi nhiều ý kiến cho rằng, mức xử phạt đối với những hành vi trên là quá nhẹ, không có tính răn đe.

Liên quan đến vấn đề trên, PV báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội.

Vừa qua, bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo về Nghị định Xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Trong đó, việc phạt tiền từ 10-15 triệu đồng với hành vi sửa điểm, sửa bài thi, nhập điểm không đúng với điểm thực tế đã gây nhiều tranh cãi về tính răn đe trước những hành vi vi phạm. Ông có đánh giá gì về vấn đề này?

ĐBQH Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội.

Trước hết, phải khẳng định việc bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo về Nghị định Xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục là 1 việc làm hết sức cần thiết, chưa từng có trong tiền lệ của ngành giáo dục. Trong bối cảnh nền giáo dục nước nhà đang trên đà phát triển và hội nhập với quốc tế, cùng với việc trong thời gian qua ngành giáo dục đang bộc lộ rất nhiều hạn chế, thiếu sót cần được nhìn nhận và sửa đổi 1 cách thẳng thắn.

Những lỗ hổng đó được bộc lộ rõ rệt qua kì thi THPT Quốc gia 2018 gây mất niềm tin cho các em học sinh và phụ huynh. Chính vì vậy, việc bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo này là phù hợp với hoàn cảnh hiện tại nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, răn đe, phòng ngừa để hạn chế tiêu cực. Tuy nhiên, ta cần phải thẳng thắn nhìn nhận, Nghị định Xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục mà bộ GD&ĐT vừa công bố còn rất nhiều điểm bất hợp lý, chưa đủ tính răn đe, phòng ngừa.

Cụ thể, trong Khoản 4, Điều 21: Vi phạm quy định về thi đã nêu rõ sẽ phạt từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi viết thêm hoặc sửa chữa nội dung bài thi hoặc sửa điểm bài thi trái quy định hoặc nhập điểm vào máy vi tính không đúng với điểm thực tế của bài thi; Từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi đánh tráo bài thi hoặc lấy bài của thí sinh này giao cho thí sinh khác; Từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng đối với hành vi tổ chức chấm thi sai quy định hoặc chấm thi không đúng hướng dẫn. Tôi cho rằng việc xử phạt như vậy là chưa hợp lý.

Ông có thể phân tích rõ hơn những điều còn chưa hợp lý trong Nghị định?

Trong giáo dục, hành vi viết thêm, sửa chữa nội dung bài thi hoặc sửa điểm bài thi trái quy định hay nhập điểm vào máy vi tính không đúng với điểm thực tế của bài thi… là những hành vi không thể chấp nhận được. Trên thực tế, nó đã xảy ra và có thể sẽ còn tiếp diễn. Những tiêu cực tại kì thi THPT Quốc gia 2018 vẫn còn là bài học xót xa cho ngành giáo dục. Niềm tin người dân đặt vào “sự nghiệp trồng người” đã bị phá vỡ bởi những hành vi trên.

Những vi phạm đó vô cùng nguy hiểm, nó không chỉ ảnh hưởng đến sự công bằng, trung thực vốn có trong giáo dục mà còn ảnh hưởng đến tương lai của học sinh, đến vận mệnh của đất nước. Có thể khẳng định đó là những hành vi vi phạm pháp luật, phải bị truy tố trước pháp luật chứ không phải chỉ là vi phạm bình thường trong một lĩnh vực nên việc xử phạt hành chính bằng tiền là hoàn toàn không phù hợp với thực tế.

Ngay cả trong khoản 7, Điều 21 về Biện pháp khắc phục hậu quả cũng chỉ đưa ra việc khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi đối với hành vi vi phạm để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh chứ không hề nêu trách nhiệm của người vi phạm. Vậy tính răn đe được đặt ở đâu? Nếu phát hiện hành vi của người vi phạm cần phải xử lý nghiêm khắc bằng 1 biện pháp cao nhất, để phòng ngừa, răn đe còn việc phục hồi là điều đương nhiên phải làm rồi.

Việc sửa điểm bài thi trái quy định sẽ bị phạt hành chính hàng chục triệu đồng. (Ảnh minh họa)

Có nhiều ý kiến cho rằng, sửa điểm một thí sinh có mức lợi thu được rất lớn, có những thỏa thuận giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng. Trong khi chỉ phải nộp phạt 10-15 triệu đồng quá nhẹ nhàng dẫn đến việc dù có bị phạt vẫn có người tiếp tục thực hiện vì món lời quá lớn? Ông có đồng quan điểm hay không?

Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Nếu quy định xử phạt chỉ nhẹ nhàng như vậy thì chắc chắn những hành vi vi phạm đó sẽ còn tiếp tục tái diễn, ta càng rơi vào thế bị động khi không có biện pháp phòng ngừa răn đe, xử lý đến nơi đến chốn. Trong trường hợp người vi phạm sửa điểm cho thí sinh lên điểm cao hơn, lợi nhuận sẽ lớn hơn rất nhiều so với số tiền xử phạt thì người ta sẵn sàng bỏ đi phẩm giá, phẩm chất cần phải có trong ngành giáo dục để có được số đó.

Nếu bị phát hiện, họ chỉ cần bỏ ra 10 đến 15 triệu nộp phạt trong khi đó họ còn thu được con số gấp nhiều lần thế. Cho nên việc xử phạt bằng tiền chẳng còn nghĩa lý gì nữa, thậm chí còn “kích thích” người ta vi phạm và lan rộng hơn mà thôi.

Trước những điều còn bất hợp lý tại một số điều của Nghị định Xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục, ông có đề xuất nào để khắc phục?

Trước hết, phải xác định các mức độ vi phạm để đưa ra hình thức xử lý đủ tính răn đe, phòng ngừa. Vấn đề này phải đưa ra bàn bạc một cách khách quan, có trọng tâm và phù hợp với thực tế. Hình phải làm sao phải cảnh báo, răn đe được để những người khác nhìn vào không dám, không làm những hành vi vi phạm pháp luật đó.

Theo tôi , đối với những hành vi sửa điểm, sửa chữa bài thi… thấp nhất phải buộc thôi việc cùng áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn là chỉ phạt tiền thông thường. Có như vậy, tính răn đe mới thực sự bắt đầu được thực thi.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/sua-noi-dung-hoac-diem-bai-thi-bi-phat-tu-10-15-trieu-dong-co-du-suc-ran-de-a405815.html