Động lực cho tăng trưởng kinh tế

Cùng với sự quyết liệt trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, hiện có nhiều yếu tố sẽ là dư địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2018 cũng như các năm tiếp theo ở mức cao và bền vững. Theo các chuyên gia, phải tận dụng để khai thác được các dư địa này một cách nhanh chóng và hiệu quả, giúp chống chọi lại được với những thách thức trong tăng triển kinh tế.

Kết nối kinh tế tư nhân và khu vực FDI là động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam. Ảnh: S.T.

Hai kịch bản cho tăng trưởng kinh tế 2018

Với tốc độ tăng trưởng GDP năm 2017 đạt 6,81%, mức cao nhất trong 10 năm qua và bước sang quý I/2018, tăng trưởng kinh tế tiếp tục lập kỷ lục với mức tăng 7,38%, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là những tín hiệu cho thấy năm 2018 có nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế sẽ đạt và vuợt mục tiêu đề ra.

Các tổ chức nghiên cứu uy tín cũng khá lạc quan với triển vọng kinh tế của Việt Nam. Báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, trong năm 2018 kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng GDP 7,1% trước khi giảm xuống còn 6,9% trong năm 2019. Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) mới đây cũng đưa ra dự báo của mình về tăng trưởng kinh tế 2018. Theo đó, với mức tăng trưởng cao đột biến 7,38% của quý I, VEPR cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5-6,7% của năm 2018 do Quốc hội đề ra là hoàn toàn khả thi, với các điều kiện thuận lợi hiện nay tiếp tục được duy trì. Theo VEPR, trong các quý tiếp theo của năm 2018, tăng trưởng kinh tế dự báo lần lượt sẽ ở mức 6,51%, 6,84 %, 6,75% và cả năm 2018 tăng trưởng kinh tế sẽ vào khoảng 6,83%.

Trong phân tích mới nhất vừa công bố, Trung tâm Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia (Bộ KH&ĐT) đã đưa ra 2 kịch bản cho kinh tế Việt Nam trong năm 2018. Theo đó, kịch bản trung bình là kịch bản cơ sở sẽ có nhiều khả năng xảy ra hơn. Trong đó giả thiết, đầu tư khu vực nhà nước giữ tốc độ tăng trưởng ổn định đóng vai trò điều tiết nền kinh tế. Mô hình kinh tế phần nào được chuyển đổi theo chiều sâu nhưng về cơ bản vẫn là nền kinh tế tăng trưởng dựa vào vốn và XK. Hệ thống tài chính khá ổn định, điều hành tài chính và tiền tệ tương đối linh hoạt. Khi đó, tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể đạt mức 6,83%, trong khi lạm phát duy trì ở mức thấp, khoảng 4,5%.

Với kịch bản cao, NCIF cho rằng kịch bản này có thể đạt được nếu nền kinh tế đạt được những kỳ vọng như kịch bản trung bình. Ngoài ra, những nỗ lực của Chính phủ trong cải cách và điều hành kinh tế, tháo gỡ được những nút thắt của nền kinh tế (như chính sách đất đai, tín dụng, bộ máy hành chính) qua đó đem lại môi trường kinh doanh thuận lợi cho phát triển của cộng đồng DN. Theo kịch bản này, trong năm 2018, tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 7,02%, và lạm phát trung bình có thể ở mức 4,8%.

Nhận định về vấn đề này, TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ KH&ĐT) cho rằng: “Trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định và đà tăng trưởng năm 2017, kinh tế 2018 sẽ tiếp tục phát triển, tăng trưởng kinh tế sẽ đạt khoảng 6,7-6,8% và cá nhân tôi tin tưởng sẽ đạt trên 6,8%”.

Trước những cảnh báo về chu kỳ khủng hoảng có thể sẽ quay trở lại, TS. Đào Văn Hùng cho biết, chu kỳ khủng hoảng thường trong khoảng 10 năm. Tuy nhiên, những dấu hiệu của khủng hoảng kinh tế 2007 không rõ nét trong 2017 và 2018, vì thế sẽ không có khả năng khủng hoảng kinh tế như lo ngại.

“Kinh tế Việt Nam đang phát triển trong bối cảnh hệ thống tài chính đã khá lành mạnh so với 2007, lạm phát được kiểm soát chặt chẽ và tin rằng sẽ được kiểm soát dưới 4%. Năm 2007 Việt Nam rơi vào khủng hoảng khi lãi suất lên đến trên 20%, nhưng hiện nay lãi suất đã được Ngân hàng Nhà nước điều hành tốt, giảm rất nhiều so với 2007. Và điều quan trọng nhất, sau 10 năm trải nghiệm, Chính phủ đã có nhiều kinh nghiệm trong điều hành kinh tế vĩ mô theo cơ chế thị trường, vì thế tôi tin tưởng sẽ có tăng trưởng kinh tế ổn định, tạo đà cho tăng trưởng bền vững cho năm 2018 và những năm tiếp theo”, TS. Đào Văn Hùng nhấn mạnh.

Những việc cần làm ngay

Hiện nay, các động lực, dư địa cho tăng trưởng kinh tế 2018 đã được nhận diện. Đó là vấn đề cải cách thể chế nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao năng suất lao động, thu hút và quản lý đầu tư nước ngoài, công nghiệp chế biến chế tạo… Cùng với đó là những cơ hội từ các hiệp định thương mại lớn như CPTPP, Việt Nam – EU và các hiệp định khác đã và đang được ký kết. Tuy nhiên, đây cũng chính là những bài toán, là thách thức đặt ra cho Việt Nam bởi chỉ khi những động lực, dư địa này được cải thiện nhanh chóng và hiệu quả thì mới tạo hiệu ứng lan tỏa và thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế.

Trong 1 năm qua, cải cách thể chế có tiến triển nhưng chậm, dẫn đến tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Do đó, vấn đề trọng tâm hiện nay là sự chuyển động cả hệ thống, thay vì chỉ ở người lãnh đạo, cần có chế tài xử lý nghiêm khắc và đây là vấn đề thuộc diện cấp bách. Để kinh tế tư nhân phát triển, là động lực quan trọng của nền kinh tế, TS. Bùi Tất Thắng Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) cho rằng, cần nâng cao chất lượng các văn bản pháp luật, kể cả văn bản có tính pháp lý cao. Đây là hai việc cần làm ngay và làm nhanh, có như vậy kinh tế tư nhân mới phát triển được.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, kinh tế tư nhân là động lực mang tính dài hạn, đảm bảo cho sự phát triển bền vững, nâng cao tính linh hoạt, năng động của nền kinh tế, góp phần thích ứng tốt với những biến động quốc tế, vì thế cần tạo động lực và sự yên tâm cho các DN và nhà đầu tư được tự do kinh doanh theo pháp luật. Bên cạnh đó, cần phải đặt vấn đề làm thế nào để khu vực kinh tế tư nhân trong nước phát triển nhanh hơn, bắt kịp tốc độ phát triển của khu vực kinh tế FDI, tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu và tạo lập được sự liên kết chặt chẽ giữa hai khu vực, bổ trợ lẫn nhau, cùng nhau phát triển. Cần kết nối khu vực DN trong nước và nước ngoài thành thể thống nhất, cùng nhau phát triển và đóng góp ngày càng nhiều cho sự thịnh vượng chung của đất nước.

Liên quan đến kết nối kinh tế tư nhân trong nước và khu vực FDI, một động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, sau 30 năm, đầu tư nước ngoài ngày càng đóng góp rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Năm 2017, vốn FDI thực hiện đạt mức kỷ lục 17,5 tỷ USD và hiện đang đảm bảo 25% vốn đầu tư xã hội. Đây là động lực tăng trưởng quan trọng, và cùng với kinh tế tư nhân trong nước, khu vực FDI và kinh tế tư nhân đóng vai trò là hai chân của một cơ thể cường tráng, giúp cho nền kinh tế Việt Nam vững vàng hơn.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa:

“Công nghiệp chế tạo của Việt Nam hiện nay gần như nằm trong tay các DN FDI. Chúng ta mong muốn trở thành một nước công nghiệp, tuy nhiên phải thẳng thắn nhìn nhận rằng đây là mục tiêu không hề dễ dàng. 4 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á là Philipines, Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã thất bại trong nỗ lực công nghiệp hóa. Và các chuyên gia của họ từng khẳng định cơ hội để các nước Đông Nam Á trở thành một nước công nghiệp đã hết và không bao giờ quay lại. Trong bối cảnh như vậy, phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin như vừa qua tôi cho là hợp lý. Để thành công, Việt Nam cần sự đầu tư và nỗ lực rất lớn của cả hệ thống DN lẫn chính quyền, các nhà làm chính sách. Về vấn đề này, có thể học hỏi kinh nghiệm của Đài Loan, đây là nền kinh tế thành công nhất trong lĩnh vực công nghiệp điện tử tại khu vực Đông Bắc Á. Năm 1962, thu nhập đầu người của Đài Loan chỉ bằng một nửa Malaysia, nhưng hiện nay đã gấp 3 lần”.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM):

"Về cải cách thể chế, thời gian qua chúng ta đã đạt được một số kết quả, song nhìn chung tốc độ cải cách vẫn chậm và chưa đáp ứng được kỳ vọng của DN. Nghị quyết 19 của Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2015 môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt mức trung bình của Asean 4, nhưng hiện khoảng cách vẫn rất xa. Chính phủ chỉ đạo xóa bỏ mạnh mẽ các điều kiện kinh doanh từ tháng 8/2017, tuy nhiên đến nay chưa nhiều bộ, ngành nghiêm túc thực hiện.

Thay đổi tư duy trong bộ máy hành chính là một nội dung quan trọng của cải cách thể chế, từng bước bám sát trình độ tư duy của thế giới. Tôi muốn nhấn mạnh, về cách thức làm luật, Việt Nam thường phải có luật rồi mới cho làm, điều này hạn chế sức sáng tạo.Ở các nước phát triển, người ta đánh giá cao và khuyến khích startup, các ý tưởng. Các bạn trẻ cứ làm, luật chỉ là phương thức tạo hành lang pháp lý. Chỉ có bằng cách này, Việt Nam mới nhanh bắt kịp thế giới. Chúng ta biết hiện tính thích nghi và phản ứng nhanh của hệ thống chính sách là rất chậm. Uber vào rồi rời khỏi Việt Nam chóng vánh, trong khi chúng ta vẫn còn chưa tìm ra cách thức quản lý sao cho hiệu quả".

H.A (ghi)

Hoài Anh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/dong-luc-cho-tang-truong-kinh-te.aspx