Sửa Luật Sở hữu trí tuệ cần theo hướng 'đón đầu' hợp tác quốc tế về kinh tế số

Dù chưa tham gia các hiệp định hợp tác về kinh tế số nhưng Việt Nam cần suy nghĩ đến việc sửa Luật sở hữu trí tuệ (SHTT) theo hướng 'đón đầu' xu hướng hợp tác quốc tế này. Việt Nam cũng cần lưu tâm đến bảo vệ cân bằng lợi ích giữa chủ sở hữu quyền SHTT và lợi ích xã hội, từ đó tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Cần thiết sửa đổi pháp luật về sở hữu trí tuệ

Thông tin này đã được ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Nghiên cứu tổng hợp thuộcViện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh khi trình bày báo cáo nghiên cứu “Cải cách kinh tế nhằm bảo hộ sở hữu trí tuệ hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế và chuyển đổi số ở Việt Nam” tại hội thảo công bố báo cáo này diễn ra sáng 24/3.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM khẳng định: Việc hoàn thiện pháp luật về SHTT, bảo hộ và khai thác hiệu quả, hợp lý các tài sản trí tuệ sẽ là một yêu cầu quan trọng nhằm tạo động lực cho các doanh nghiệp và cá nhân nghiên cứu, phát triển các tài sản trí tuệ.

Chủ trương mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế trong những thập niên vừa qua đã ảnh hưởng đáng kể đến quá trình hoàn thiện khung pháp lý về bảo hộ SHTT ở Việt Nam. Những mốc nổi bật như Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ ký kết vào năm 2000 hay việc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2007 đều ghi nhận những cam kết quan trọng của Việt Nam đối với hoàn thiện khung pháp lý về bảo hộ SHTT. Gần đây hơn, các hiệp định thương mại tự do quan trọng như như CPTPP, EVFTA và RCEP đều có những nội dung quan trọng về bảo hộ SHTT.

Theo bà Minh, việc tăng cường ứng dụng CNTT trong bảo hộ SHTT có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo bà Minh, việc tăng cường ứng dụng CNTT trong bảo hộ SHTT có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

"Theo đó, Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực bổ sung và sửa đổi các luật và văn bản hướng dẫn để thực thi bảo hộ SHTT và các nội dung liên quan như cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng. Dù vậy, một câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có nên sửa đổi theo đúng phạm vi và lộ trình cam kết, hay cần mạnh dạn hơn trong việc sửa đổi để bảo đảm một khung pháp lý đủ ổn định cho bảo hộ SHTT. Nội dung này càng quan trọng hơn trong bối cảnh đang có những xu hướng mới về hợp tác quốc tế, đặc biệt là các hiệp định về đối tác kinh tế số...", Viện trưởng CIEM chia sẻ.

Ở góc độ quản lý nhà nước, theo bà Minh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo hộ SHTT có thể giúp tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, đồng thời tạo thuận lợi cho quá trình thiết lập và thực thi quyền đối với tài sản trí tuệ. Chính ở đây, cải cách thể chế cũng cần tạo điều kiện cho việc thúc đẩy chuyển đổi số nhanh, đồng bộ và hiệu quả trong lĩnh vực SHTT.

Việc sửa đổi, bổ sung pháp luật về SHTT không chỉ có ý nghĩa đối với hội nhập quốc tế mà còn đối với công cuộc chuyển đổi số của đất nước. Nền kinh tế số đòi hỏi Nhà nước phải có các biện pháp bảo vệ quyền SHTT, đặc biệt đối với các sản phẩm hàng hóa được mua bán qua kênh thương mại điện tử, các sản phẩm kỹ thuật số khi mà chúng dễ bị sao chép và phát tán trên internet.

Với góc nhìn như vậy, nhóm nghiên cứu của CIEM đã thực hiện Báo cáo “Cải cách kinh tế nhằm bảo hộ sở hữu trí tuệ hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế và chuyển đổi số ở Việt Nam”.

Cần nội luật hóa sớm hơn và cao hơn so với cam kết quốc tế

Đại diện nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Nghiên cứu tổng hợp CIEM cho biết, các quy định hiện hành của Việt Nam đã cơ bản phù hợp với các quy định về thực thi quyền theo các điều ước quốc tế. Tuy nhiên, thực trạng thi hành Luật SHTT phần nào cho thấy sự quan tâm chưa đúng mức của khối doanh nghiệp, các trường đại học và viện nghiên cứu đối với lĩnh vực này.

Về xử lý các tranh chấp phát sinh đối với quyền SHTT, nhiều vụ việc đã được xử phạt hành chính, tập trung chủ yếu ở hàng nhái, hàng giả về nhãn hiệu hoặc vi phạm kiểu dáng công nghiệp. Tuy nhiên, số tiền xử phạt hành chính tương đối thấp và chưa thực sự đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm luật sở hữu trí tuệ.

Ông Dương cho rằng, cần nâng cao năng lực và ý thức bảo hộ SHTT cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Theo ông Dương, một yêu cầu đặt ra cho sửa đổi, bổ sung Luật SHTT là phải giúp tiếp cận, nắm bắt được các xu hướng hội nhập đang diễn ra trên thế giới. Trong đó có xu hướng hợp tác về kinh tế số. Mặc dù mới hình thành từ năm 2020, các hiệp định hợp tác về kinh tế số đã nhận được rất nhiều sự chú ý từ các quốc gia.

Việc hoàn thiện các quy định pháp luật về SHTT gắn rất chặt với quá trình mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, thậm chí chịu sức ép từ quá trình hội nhập.

"Dù chưa tham gia các hiệp định hợp tác về kinh tế số, Việt Nam cũng cần suy nghĩ đến việc sửa Luật sở hữu trí tuệ theo hướng “đón đầu” xu hướng hợp tác quốc tế này để chủ động có những chuẩn bị cần thiết. Song song với đó, Việt Nam cần lưu tâm đến bảo vệ cân bằng lợi ích giữa chủ sở hữu quyền SHTT và lợi ích xã hội, tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, phù hợp với thực tiễn của một nền kinh tế đang phát triển", ông Dương nêu.

Với kết quả nghiên cứu này, CIEM kiến nghị, cách tiếp cận đối với việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT cần hướng tới nội luật hóa sớm hơn và cao hơn so với các cam kết quốc tế để tạo động lực cho doanh nghiệp và thích ứng với môi trường chuyển đổi số.

Cần nâng cao năng lực và ý thức bảo hộ SHTT cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (đặc biệt là ở nước ngoài). Cần vận dụng cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến trong việc xử lý dân sự các tranh chấp liên quan đến quyền SHTT để giảm chi phí cho doanh nghiệp và cá nhân.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý SHTT. Cần tính đến khả năng hợp nhất một số cơ quan quản lý SHTT, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan này.

Nguyệt Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/chuyen-doi-so/kinh-te-so/sua-luat-so-huu-tri-tue-can-theo-huong-don-dau-hop-tac-quoc-te-ve-kinh-te-so/20220324102247280