Sửa luật ở Quốc hội: Một số bộ chỉ cử cán bộ cấp phòng sang

'Tiếp thu, chỉnh lý luật, một số bộ chỉ cử cán bộ cấp phòng sang. Với những vấn đề ủy ban chỉnh lý thì các vị trả lời 'thủ trưởng chúng tôi không đồng ý', Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh phản ánh.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ phát biểu tại nghị trường - Ảnh Ngọc Thắng

Phát biểu thảo luận tại hội trường về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang), Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, nguyên Phó chánh án Tòa án Quân sự T.Ư, cho rằng cần phải có giải pháp để “quy định tại điều 8 Hiến pháp - nhà nước quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật thực sự là một nguyên tắc hiến định” và phòng trừ “nguy cơ ngôn ngữ pháp lý luôn được giải thích theo ý chí chủ quan”.

Theo đại biểu, thực tiễn xây dựng luật cho thấy hầu như không văn bản nào không có quy định giao Chính phủ hướng dẫn một hay một số điều khoản.

Do đó, để điều chỉnh quan hệ xã hội trong một lĩnh vực nhất định, ít nhất phải có 2 văn bản - luật và nghị định; một số lĩnh vực còn có loại văn bản thứ 3 là thông tư.

“Theo thẩm quyền, Quốc hội ban hành luật, còn nghị định và thông tư có phù hợp với luật hay không thì Quốc hội chưa có cơ chế kiểm soát hữu hiệu. Do vậy, có những nghị định, thông tư quy định trái luật mà Quốc hội không biết”, đại biểu nêu thực tế.

Theo quy định của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì dự thảo nghị định hướng dẫn phải có trong hồ sơ xây dựng luật, nhưng thực tế, có nội dung của nghị định khác xa dự thảo đưa trong hồ sơ.

Có những trường hợp luật chỉ giao hướng dẫn trình tự, thủ tục, nhưng nghị định hướng dẫn cả nội dung luật đã quy định. Có trường hợp luật quy định thẩm quyền cho nhiều cơ quan khác nhau, nhưng nghị định chỉ còn mỗi thẩm quyền của bộ được giao soạn thảo. Có những nghị định chỉ diễn giải theo hướng chỉ có lợi cho cơ quan soạn thảo nghị định...

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ cũng cho rằng, thực tiễn xây dựng luật hiện nay có nhiều bất cập, mà bất cập nhất là trong khâu tiếp thu, chỉnh lý luật để trình Quốc hội thông qua. Có nhiều vấn đề về chính sách pháp luật mà đại biểu Quốc hội đã phân tích rất rõ về tính bất cập, tính trái pháp luật, nhưng vẫn không được tiếp thu, mà theo đại biểu là vì 4 lý do:

Thứ nhất là chất lượng thẩm định một số dự án luật chưa tốt.

Thứ hai là thái độ tiếp thu của một số ban soạn thảo còn kém, còn vì lợi ích bộ, ngành.

“Cá biệt, có trưởng ban soạn thảo cho rằng báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp cho rằng đúng pháp luật rồi thì đại biểu Quốc hội chúng tôi gần như là cấm không được nói, là nó trái pháp luật. Đây là ngầm hiểu của một số Bộ trưởng. Chúng tôi cho rằng đây là vi phạm quy định tại điều 65 của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, đại biểu Bộ đơn cử.

Thứ ba, theo đại biểu, “đến đoạn tiếp thu chỉnh lý, một số bộ chỉ cử cán bộ cấp phòng sang. Những vấn đề mà ủy ban tiếp thu, chỉnh lý thì các vị trả lời chúng tôi rằng “thủ trưởng của chúng tôi không đồng ý”. Cho đến khi tôi gặp trực tiếp vị (thủ trưởng) đó, tôi bảo “chúng tôi chỉnh lý luật không phấn đấu tới sự đồng ý của đồng chí, mà phấn đấu tới sự đồng ý của Quốc hội”, thì lúc đó vị đó mới rút ý kiến”, đại biểu bổ sung thêm.

Và nguyên nhân thứ 4 là có sự thỏa hiệp, nể nang của Ủy ban thẩm tra, nên thay cho phản biện dự thảo một cách khoa học, khách quan, thì lại đi chứng minh vấn đề đó đại biểu đã phát hiện là trái luật.

Do đó, để nâng cao chất lượng xây dựng luật, đại biểu Nguyễn Mai Bộ đề nghị cần bố trí đủ thời gian để đại biểu nghiên cứu dự thảo luật (bởi hiện nay nhiều dự án luật làm rất gấp gáp, đại biểu có rất ít thời gian nghiên cứu tài liệu); bố trí thời gian để đại biểu tranh luận đến cùng, ít nhất là ngã ngũ các quan điểm khác nhau về bản chất pháp lý của điều khoản luật.

Và cuối cùng, cần có cơ chế hữu hiệu để giám sát việc ban hành nghị định.

Vũ Hân

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/sua-luat-o-quoc-hoi-mot-so-bo-chi-cu-can-bo-cap-phong-sang-1088739.html