Sửa Luật GIáo dục: Nên xã hội hóa in ấn chứ không xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa

Chiều nay, 8/11, Quốc hội đã nghe Chính phủ trình bày Báo cáo về việc sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục; giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ về dự Luật này.

Quang cảnh phiên họp tổ chiều 8/11.

Luật hóa quy trình biên soạn sách giáo khoa

Thừa ủy quyền Chính phủ báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: Sau khi ghi nhận, tiếp thu những góp ý của ĐBQH từ kỳ họp thứ 5, Ban soạn thảo đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn, rà soát các nội dung của Luật Giáo dục để sửa đổi một cách toàn diện.

Việc xây dựng Luật Giáo dục (sửa đổi) được thực hiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; đồng thời, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của Luật và điều chỉnh đối với những nội dung khác.

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ những điểm sửa đổi so với dự Luật đã trình tại kỳ họp trước, trong đó có quy định về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, dự thảo Luật.

“Ban soạn thảo đã rà soát và luật hóa một số quy định về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ; quy định cụ thể việc lựa chọn sách giáo khoa theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; nâng một số quy định trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88 thành các quy định của Luật. Đồng thời, dự thảo Luật đã luật hóa các quy định tại văn bản dưới luật về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; việc lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa; sách giáo khoa điện tử, học liệu; Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục, sách giáo khoa; bổ sung quy định thực hiện giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh; bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc thực nghiệm một số nội dung, phương thức giáo dục mới trong cơ sở giáo dục phổ thông” – ông Nhạ nhấn mạnh.

Nên tham khảo kinh nghiệm khi đổi mới

Thảo luận tại tổ, nhiều ĐBQH đã nêu quan điểm liên quan đến vấn đề sách giáo khoa. ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) đề nghị cơ quan soạn thảo tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài trong việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, từ vấn đề thiết kế chương trình, sách giáo khoa tới triết lý giáo dục thay vì “mất công tìm mở ra những cái riêng”.

Theo ông, cần quan tâm triết lý giáo dục vì mấy chục năm đổi mới đã qua mà nền giáo dục vẫn trong vòng luẩn quẩn, không tìm được lối thoát. Nền giáo dục có mặt được nhưng còn rất nhiều mặt dở khiến dư luận bức xúc.

Đánh giá rằng dự thảo Luật đã mạch lạc hơn lần trước nhưng ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) thấy vẫn còn một số điểm chưa rõ ràng. Ông dẫn chứng Điều 30 về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa.

“Vừa rồi sách giáo khoa là vấn đề nóng bỏng toàn xã hội, chưa nói chuyện học trò phải mang rất nhiều bộ sách, sửa luật thì nguyên tắc chung nên là có một bộ sách giáo khoa chuẩn dùng cho cà nước do hội đồng thẩm định đề xuất, sử dụng được nhiều năm và nên đảm bảo sự ổn định, chí ít vài ba năm mới sửa một lần” - ông Trí góp ý.

Phân tích thêm những bất cập của sách giáo khoa thời gian vừa qua, ông Trí cho rằng: “Nên xã hội hóa in ấn chứ không xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là hỏng hẳn nhưng cũng phải làm sao để không độc quyền in ấn sách như vừa qua” .

Cũng quan tâm đến vấn đề sách giáo khoa, ĐB Nguyễn Văn Được (Hà Nội) lại không đồng tình việc làm nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau. Theo ông, đã là Luật phải thống nhất, sách giáo khoa phải thống nhất. Xã hội hóa có thể thực hiện trong việc xây dựng cơ sở vật chất chứ không phải là sách giáo khoa.

Nêu nguyên nhân, ĐB dẫn quy định pháp luật, việc xã hội hóa biên soạn có thể phát huy được nguồn lực, trong đó có người đã nghỉ hưu, nguồn lực đây được hiểu là con người, là đồng tiền nhưng tính định hướng, tính mục tiêu khó đảm bảo được. Như vậy, việc xây dựng biên soạn sách phải được thực hiện bởi những cơ quan có chuyên môn nhất định, đâu cũng biên soạn thì quản lý thẩm định thế nào.

“Quy định cơ sở giáo dục được chọn sách giáo khoa trong giảng dạy dẫn đến trình độ cũng khác nhau, thi cử thì toàn quốc. Sách giáo khoa dứt khoát phải thống nhất, phải có bộ chuẩn. Ông cha ta ngày xưa, người này học xong thì sách chuyển cho người sau tiếp tục, hết cấp này sang cấp khác trong khi giờ thay đổi rất nhiều. Cứ bảo xã hội hóa cho cha mẹ quyền lựa chọn là không khả thi. Tôi không đồng tình” – ĐB Nguyễn Văn Được nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, ĐB Dương Văn Thông (Bắc Giang) cho rằng, quy định trong dự thảo Luật đã cơ bản luật hóa được tinh thần của Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy định này trong dự thảo luật, ví dụ, cần làm rõ cơ chế tài chính để xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa như thế nào, trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm cung cấp sách giáo khoa, nhất là đối với các vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn ra sao, quy trình, thủ tục thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa như thế nào để bảo đảm công bằng trong thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/sua-luat-giao-duc-nen-xa-hoi-hoa-in-an-chu-khong-xa-hoi-hoa-viec-bien-soan-sach-giao-khoa.aspx