Sửa Luật để khắc phục văn bản luật có 'tuổi thọ' thấp

Nhiều quy định không có trong Luật nhưng lại hướng dẫn ở Thông tư, Nghị định; việc lập Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh còn tồn tại hạn chế; tính dự báo của Chương trình không cao; 'Tuổi thọ' trung bình của các Luật ngắn, có những Luật chưa có hiệu lực đã phải sửa v.v…,

Đây là các vấn đề Đại biểu Quốc hội quan tâm khi chỉ ra nhiều bất cập hiện tại, từ đó đặt ra việc sửa đổi Luật, được Quốc hội thảo luận vừa qua.

Thảo luận về dự án luật này, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi này nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng; Sửa đổi, bổ sung một số điều để quy định cho hợp lý, sát thực tế, cụ thể hơn, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn phát sinh trong thực tiễn; phù hợp với định hướng về một số giải pháp tăng cường triển khai thi hành Hiến pháp.

Tuy nhiên các đại biểu cũng chỉ ra những bất cập hạn chế trong công tác xây dựng Luật, Pháp lệnh thời gian qua và một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật, như về trách nhiệm chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, pháp lệnh, nghị quyết; về việc bổ sung hình thức văn bản quy phạm pháp luật gồm Nghị quyết liên tịch giữa các cơ quan.

Bên cạnh đó là tình trạng lùi, rút dự án còn diễn ra khá phổ biến; Tính dự báo của Chương trình không cao, tính kế thừa cho năm tiếp theo thấp, thường xuyên bổ sung dự án mới vào Chương trình.

Nguyên nhân của tình trạng này là do các dự án Luật đưa vào Chương trình chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Nội dung chính sách được đề xuất trong từng dự án Luật chuẩn bị sơ lược, nặng về hình thức, cốt cho đủ thủ tục để đưa được tên dự án vào Chương trình.

Việc quyết định Chương trình chủ yếu nặng tính thủ tục, hình thức; Nghị quyết về Chương trình chỉ xác định tên dự án và thời gian dự kiến trình Quốc hội, UBTVQH mà không có nội dung chính sách đối với từng dự án.

Điều này dẫn đến khi soạn thảo nhiều chính sách được xác định trước đó không còn phù hợp, phải thay đổi, hủy bỏ hoặc không đầy đủ, toàn diện phải bổ sung làm kéo dài thời gian soạn thảo; chuyển từ sửa đổi, bổ sung một số điều thành sửa đổi toàn diện, từ sửa một số luật thành sửa nhiều luật,… chạy theo Chương trình nhưng không kịp tiến độ, phải lùi, rút dự án ra khỏi Chương trình.

Lý giả vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chia sẻ, trong bối cảnh chưa có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng pháp luật còn hạn chế, việc có một Luật riêng để quy phạm hóa quy trình vốn rất phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài là điều cần thiết. Xuất phát từ việc chúng ta vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm nên trong thời gian qua, mặc dù đã rất cố gắng, tuổi đời của một luật thường khá thấp.

Khẳng định quy trình xây dựng pháp luật sẽ có vai trò quan trọng nhưng năng lực con người và kỷ cương, kỷ luật trong công tác xây dựng pháp luật còn quan trọng hơn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết sẽ kiểm tra, giám sát đối với công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Đồng thời đề nghị, TANDTC cần làm tốt hơn vai trò là cơ quan ban hành án lệ để dần dần giảm bớt pháp luật thành văn. Có như vậy thì mới có thể theo kịp cuộc sống vì pháp luật thành văn dẫu có hoàn thiện đến đâu thì cũng không thể theo kịp đáp ứng yêu cầu phát sinh hằng ngày của cuộc sống.

Thành Tâm

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/goc-nhin-cong-ly/sua-luat-de-khac-phuc-van-ban-luat-co-tuoi-tho-thap-29350.html