Sửa luật để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người thuê nhà

Chính phủ Vương quốc Anh gần đây thực hiện bước đi quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề đang gây khó khăn cho khu vực cho thuê nhà tư nhân của đất nước, bằng cách đưa ra dự luật cải cách giúp bảo vệ tốt hơn quyền lợi người thuê nhà.

Hạn chế những vụ trục xuất người thuê nhà “không có lỗi”

Dự luật này là bước phát triển quan trọng trong lĩnh vực nhà ở hiện nay của Anh, đặc biệt là việc xóa bỏ các vụ trục xuất “không có lỗi”, vốn là vấn đề gây khó khăn cho những người thuê nhà từ lâu, vì nó cản trở khả năng thiết lập cuộc sống ổn định của họ.

Vương quốc Anh cải cách quy định chặt chẽ hơn trong lĩnh vực cho thuê nhà. Nguồn: www.pdalaw.co.uk

Vương quốc Anh cải cách quy định chặt chẽ hơn trong lĩnh vực cho thuê nhà. Nguồn: www.pdalaw.co.uk

Pháp luật hiện hành, cụ thể là tại mục 21 của Đạo luật Nhà ở, cho phép chủ nhà gửi thông báo lấy lại nhà trước hai tháng cho người thuê nhà mà không cần đưa ra bất kỳ lý do nào. Điều khoản này khiến người thuê nhà cảm thấy không an toàn trong ngôi nhà của mình và không thể xây dựng các mối quan hệ bền chặt trong cộng đồng. Một nghiên cứu tiết lộ thực tế đáng kinh ngạc rằng, nếu những người thuê nhà dám lên tiếng phàn nàn về chủ nhà của họ trước hội đồng địa phương, họ sẽ phải đối mặt với 46% “cơ hội” nhận thông báo trục xuất.

Những vụ đòi nhà “không có lỗi” này kéo dài bầu không khí bất ổn, ngăn cản người thuê nhà phản đối các điều kiện sống nguy hiểm. Cái chết bi thảm của cậu bé 2 tuổi Awaab Ishak sống trong căn hộ thuê cùng cha mẹ ở Rochdale, Greater Manchester, Tây Bắc nước Anh vào cuối năm 2020, là hồi chuông báo động về những hậu quả bi thảm và nghiêm trọng của nhà ở không an toàn đối với sức khỏe con người. Nguyên nhân cái chết của cậu bé đã được các nhà điều tra kết luận là “vì hô hấp khó khăn do tiếp xúc lâu với nấm mốc trong môi trường gia đình. Hành động xử lý và ngăn ngừa nấm mốc đã không được chủ nhà thực hiện”.

Mặc dù dự luật đề xuất đưa ra nhiều cải cách cơ bản và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của những người thuê nhà, nhưng nó cũng trao cho chủ nhà một số quyền hạn mới, bao gồm cả khả năng đuổi người thuê nhà. Khía cạnh này của dự luật gây tranh cãi vì theo nhiều người, nó dường như mâu thuẫn với cam kết của Chính phủ về việc nâng cao mức sống. Cụ thể, dự luật không mở rộng tiêu chuẩn nhà ở tươm tất - vốn là yêu cầu pháp lý trong khu vực cho thuê xã hội - cho khu vực cho thuê tư nhân. Tiêu chuẩn đó đưa ra các tiêu chí tối thiểu mà một bất động sản phải đáp ứng để được coi là “tốt” về mặt an toàn và chất lượng.

Số liệu thống kê đáng báo động tiết lộ rằng, cứ 5 căn nhà tư nhân cho thuê thì có hơn 1 căn hiện không đáp ứng được tiêu chuẩn. Vì vậy, nhiều người cho rằng, hành động khẩn cấp là cần thiết để thu hẹp khoảng cách này, đồng thời bảo đảm trên diện rộng giúp người thuê nhà có thể tận hưởng nhà ở an toàn, chất lượng cao.

Nâng cao quyền của người thuê nhà

Dự luật cũng bao gồm một số cải cách quan trọng nhằm nâng cao quyền của người thuê nhà. Hiện tại, người thuê nhà thường được cung cấp các hợp đồng thuê nhà có thời hạn cố định 6 hoặc 12 hai tháng, sau đó chuyển sang các hợp đồng thuê nhà “định kỳ”. Do đó, dự luật mới gợi ý, tất cả các hợp đồng thuê nhà trong tương lai nên có thời hạn mở, cho phép người thuê nhà linh hoạt hơn trong việc di dời, chẳng hạn để có cơ hội việc làm, trong thời gian ngắn. Để giải quyết các mối quan tâm của chủ nhà, người thuê nhà hiện tại thường được yêu cầu cung cấp thông báo trước hai tháng khi chấm dứt hợp đồng thuê nhà của họ.

Ngoài ra, dự luật cũng bao gồm quy định về quyền được phép yêu cầu nuôi thú cưng của người thuê nhà. Chủ nhà sẽ có nghĩa vụ cho phép, trừ khi họ có lý do chính đáng để từ chối yêu cầu. Mặc dù dự luật mang lại an toàn hơn cho chủ sở hữu vật nuôi, nhưng nó cũng yêu cầu người thuê nhà phải có bảo hiểm thiệt hại cho vật nuôi phù hợp, vốn sẽ mang lại lợi ích cho chủ nhà.

Một yêu cầu quan trọng khác đối với chủ nhà tư nhân theo dự luật là họ phải đăng ký tham gia chương trình thanh tra mới. Đây là chương trình sẽ đóng vai trò nền tảng để người thuê nhà gửi khiếu nại về bất kỳ vấn đề nào họ gặp phải. Phạm vi thẩm quyền chính xác của thanh tra viên vẫn chưa rõ ràng, song nhiều người dự đoán rằng họ sẽ có quyền buộc chủ nhà phải bồi thường cho người thuê nhà trong một số trường hợp nhất định. Chủ nhà cũng sẽ có quyền tiếp cận thanh tra viên như một dịch vụ hòa giải để giải quyết mọi tranh chấp có thể có với người thuê nhà.

Để tăng cường nỗ lực chống lại chủ nhà thiếu đạo đức, dự luật quy định chủ nhà phải đăng ký tất cả tài sản của họ trên “cổng thông tin tài sản” quốc gia. Cơ quan đăng ký này sẽ hỗ trợ chính quyền địa phương trấn áp các hoạt động bất hợp pháp vốn đã được thực tế chứng minh là khó giải quyết do thiếu dữ liệu có thể truy cập được. Tuy nhiên, việc thực hiện thành công điều khoản này sẽ đòi hỏi phải tăng kinh phí cho chính quyền địa phương.

Liên quan đến việc tăng tiền thuê nhà, dự luật đưa ra các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với chủ nhà. Theo dự luật mới, chủ nhà sẽ chỉ có thể tăng tiền thuê 12 tháng một lần và người thuê nhà sẽ có khả năng phản đối việc tăng tiền thuê thông qua tòa án.

Mở rộng quyền hạn của chủ nhà

Dự luật cũng mở rộng quyền hạn của chủ nhà ở một số lĩnh vực nhất định. Giờ đây, chủ nhà sẽ có quyền đuổi người thuê nhà vì hành vi chống đối xã hội gây “phiền toái hoặc khó chịu” cho chủ nhà, hàng xóm hoặc những người bạn cùng nhà khác. Tuy nhiên, căn cứ này vẫn cần tòa án xác định cuối cùng rằng, liệu có đủ bằng chứng để bảo đảm việc trục xuất hay không. Nhiều tổ chức từ thiện về bạo hành gia đình bày tỏ lo ngại về điều khoản này, vì nạn nhân của bạo hành gia đình thường phải đối mặt với hậu quả của hành vi chống đối xã hội bắt nguồn từ người bạn đời bạo hành của họ.

Dự luật cũng cho phép chủ nhà đòi nhà bằng một thông báo ngắn trước hai tháng nếu họ muốn bán tài sản hoặc tự mình chuyển đến căn nhà đó. Song những quyền hạn này không thể được sử dụng trong vòng 6 tháng đầu tiên của hợp đồng thuê nhà và chủ nhà sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 30.000 bảng Anh hoặc bị truy tố vì sử dụng sai các quyền hạn này nếu họ cho thuê lại tài sản trong vòng ba tháng. Tuy nhiên, không ít người vẫn lo rằng, điều khoản này có thể bị lạm dụng, vì người thuê nhà phải có trách nhiệm giám sát xem tài sản có được cho thuê lại hay không.

Việc mở rộng danh sách đăng ký tài sản của chủ nhà được đề xuất trong dự luật mới bao gồm sổ đăng ký thuê nhà, mức tiền thuê và lý do chấm dứt hợp đồng thuê nhà, qua đó cung cấp cơ chế cho các hội đồng địa phương xác định vi phạm và thực thi quy định.

Mặc dù dự luật thể hiện một bước tiến tích cực trong việc cải thiện an ninh cho người thuê nhà bằng cách bãi bỏ các vụ trục xuất “không có lỗi” và hạn chế tăng tiền thuê nhà, song vẫn có ý kiến cho rằng nó vẫn còn thiếu sót ở một số lĩnh vực cần được quan tâm khẩn cấp. Chẳng hạn, nó chưa đề cập đến những người thuê nhà có trẻ em hay những gia đình thuê nhà yêu cầu trợ cấp, vốn là điều thường dẫn đến tình trạng phân biệt đối xử phổ biến đối với các nhóm này. Ngoài ra, dự luật cũng chưa giải quyết được áp lực tài chính ngày càng tăng mà những người thuê nhà phải đối mặt, đặc biệt là trước cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và giá thuê tăng vọt. Điều đó có nghĩa là vẫn còn nhiều việc mà Vương quốc Anh phải làm để thúc đẩy cải cách toàn diện, giúp tạo ra lĩnh vực cho thuê nhà công bằng, an toàn và bền vững cho tất cả mọi người.

Thái Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/sua-luat-de-bao-ve-tot-hon-quyen-loi-nguoi-thue-nha-i330591/