Sửa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp: Chưa đạt yêu cầu về chất lượng

Chiều nay (17/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

Không giống như kế hoạch ban đầu là chỉ sửa đổi một số điều cấp bách, lần này cơ quan trình dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, luật này sửa đổi tới 34 điều, bổ sung 4 điều, bãi bỏ 2 điều của Luật Đầu tư năm 2014 và sửa đổi 66 điều, bãi bỏ 2 điều, bổ sung 1 chương và 8 Điều của Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Trong lĩnh vực đầu tư, sẽ bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước, bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

Đồng thời bổ sung cơ chế cho phép Chính phủ quyết định ưu đãi đầu tư cao hơn để khuyến khích phát triển một ngành, địa bàn đặc biệt hoặc dự án đặc biệt quan trọng có tác động lớn đến kinh tế - xã hội. Trong đó có dự án thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 30 nghìn tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 10 nghìn tỷ đồng trong 3 năm.

Đối với các loại dự án này, Chính phủ quyết định bổ sung mức ưu đãi và thời hạn ưu đãi đầu tư nhưng mức ưu đãi bổ sung không quá 50% mức ưu đãi cao nhất và thời hạn ưu đãi bổ sung không quá thời hạn ưu đãi dài nhất.

Với Luật Doanh nghiệp sẽ sửa đổi theo hướng bãi bỏ 2 thủ tục không còn cần thiết, là thủ tục thông báo mẫu dấu và thủ tục báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp. Đồng thời bổ sung quy định về đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử để người thành lập doanh nghiệp có thể thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng với bộ hồ sơ điện tử (không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay).

Tuy nhiên, do dự thảo luật trình chưa đạt yêu cầu về chất lượng, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị ban soản thảo tiếp thu, chỉnh lý cho phù hợp để trình ra phiên họp thứ 38.

“Cấp bách thì cấp bách nhưng chất lượng phải đặt lên hàng đầu. Chính phủ vì sự nghiệp chung, Quốc hội cũng vì sự nghiệp chung nên thận trọng thì kết quả sẽ cao”, ông Hiển kết luận.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, tờ trình của Chính phủ so với mục tiêu đặt ra vượt quá xa so với dự kiến ban đầu là chỉ sửa một số điều cần thiết, chỉ sửa một số vấn đề cấp bách đang gây khó khăn cho môi trường đầu tư, nhưng nay lại chỉnh sửa tới 50% Luật Đầu tư, 25% Luật Doanh nghiệp.

“Nếu chỉ sửa một số điều thì rút gọn lại cho hợp lý, đảm bảo tính kịp thời, cần thiết của việc sửa luật như mục tiêu ban đầu đặt ra. Nhưng nếu sửa 2 luật một cách toàn diện thì phải tiến hành đầy đủ các thủ tục, trình tự từ thành lập cơ quan soạn thảo, lấy ý kiến thẩm định đánh giá một cách toàn diện theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, ông Hiển yêu cầu.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/sua-luat-dau-tu-luat-doanh-nghiep-chua-dat-yeu-cau-ve-chat-luong-1465165.tpo