Sửa Luật Chứng khoán: 'Mở cửa' hơn với nhà đầu tư nước ngoài

Sáng 24/5, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức họp báo giới thiệu về dự án Luật Chứng khoán sửa đổi.

Toàn cảnh họp báo. Ảnh TL.

Toàn cảnh họp báo. Ảnh TL.

Thời điểm thích hợp để sửa đổi

Theo ông Vũ Quang Việt, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Luật Chứng khoán năm 2016 ra đời khi thị trường chứng khoán chưa đa dạng, quy mô thị trường nhỏ, các sản phẩm, dịch vụ của thị trường chưa đa dạng. Sau hơn 10 năm phát triển, thị trường chứng khoán đã thay đổi cả về chiều rộng lẫn chiều sâu nhưng hệ thống quy định pháp luật chưa được điều chỉnh kịp thời.

Hơn nữa, theo ông Vũ Quang Việt, một số bộ luật, luật có liên quan như: Bộ Luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Lụat Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo… đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế với nhiều quy định mới, liên quan đến những hoạt động, đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật Chứng khoán.

“Do vậy, việc xây dựng dự án Luật Chứng khoán sửa đổi tại thời điểm này là hết sức cần thiết”, ông Việt nói.

Theo đại diện Vụ Pháp chế, việc xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi nhằm một số mục tiêu chủ yếu:

Thứ nhất, nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý, bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững, an toàn của thị trường chứng khoán, đáp ứng yêu cầu hội nhập; Thứ hai, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán; Thứ ba, nhằm góp phần bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; Thứ tư, bảo đảm thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng trong nền kinh tế.

Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi gồm 10 chương. So với Luật Chứng khoán hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi 97 điều, bổ sung 31 điều, bãi bỏ 31 điều và giữ nguyên 8 điều. Những nội dung được sửa đổi, bổ sung như: về chào bán chứng khoán; về công ty đại chúng; về thị trường giao dịch chứng khoán; về đăng kí lưu kí, bù trừ và thanh toán chứng khoán; về công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; về quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán; về thanh tra, xử lý vi phạm; về điều khoản thi hành.

“Nội dung dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa các nhóm chính sách đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông qua. Đồng thời, nội dung của dự thảo Luật đã phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và dự kiến sửa đổi của các Luật đang xây dựng trình Quốc hội”, ông Vũ Quang Việt khẳng định.

Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương phát biểu tại họp báo. Ảnh TL.

Thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài

Phát biểu tại buổi họp báo, bà Vũ Thị Chân Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, kể từ khi công bố dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức hội thảo tại cả 3 miền để lấy ý kiến của các nhà khoa học trong và ngoài nước và có sự giúp đỡ không nhỏ của các chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm về thị trường chứng khoán thế giới. Ngoài ra, ý kiến của nhiều cá nhân, tổ chức, công ty chứng khoán, tổ chức kinh doanh chứng khoán cũng đã được cơ quan soạn thảo tập hợp, đánh giá và ghi nhận.

Đến nay, qua các vòng thẩm định của Bộ Tài chính, ý kiến của Chính phủ và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đã tương đối hoàn chỉnh. Dự thảo Luật sẽ được Chính phủ trình Quốc hội thảo luận tại kì hop tháng 5 và xem xét thông qua vào kì họp Quốc hội tháng 10”, bà Vũ Thị Chân Phương thông tin.

“Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã trao đổi nội dung dự thảo Luật với nhiều nước và có chung nhận định dự thảo Luật này đã đáp ứng được chuẩn mực của các nước Châu Âu, Châu Mĩ và phù hợp với nền kinh tế Việt Nam. Khi dự án Luật được Quốc hội thông qua và đi vào cuộc sống sẽ làm cho thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng phát triển và được kì vọng là bước tiến đột phá đảm bảo thị trường chứng khoán hoạt động an toàn, hiệu quả, thu hút được dòng vốn đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam”, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận định.

Một trong những kì vọng lớn của Luật Chứng khoán sửa đổi đó là việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Theo bà Vũ Thị Chân Phương, đây là câu chuyện của tất cả các bộ ngành. Hiện Nhà nước cũng đang nỗ lực để đẩy mạnh hút vốn đầu tư,

“Hàng năm, Bộ trưởng Bộ Tài chính đều có các cuộc xúc tiến đầu tư nước ngoài và đạt được kết quả tốt đẹp. Qua đó, dòng vốn tại Hàn Quốc và Nhật Bản “chảy” về nước ta không ít, trong đó có nhiều công ty chứng khoán nhận được điều này. Tại dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, tất cả các điều luật đều thể hiện quan điểm thu hút nhà đầu tư nước ngoài như: quy định rõ ràng, tạo sự thông thoáng trong việc mở tài khoản, công bố thông tin bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh…”, bà Phương chia sẻ.

Thùy Linh

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/sua-luat-chung-khoan-mo-cua-hon-voi-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-105377.html