Sửa lỗ hổng pháp luật

Ngay sau vụ việc Đỗ Mạnh Hùng, sinh năm 1982, sàm sỡ, 'cưỡng hôn' một thiếu nữ trong thang máy chung cư Golden Palm (Hà Nội), ngày 18-3, nhưng chỉ bị phạt 200.000 đồng khiến nhiều người bất bình, dư luận lại dậy sóng trước vụ án bé gái 9 tuổi bị xâm hại tình dục nhưng nghi can chỉ bị khởi tố về tội 'Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi'.

Đối tượng Đỗ Mạnh Hùng sàm sỡ trong thang máy chung cư Golden Palm. Ảnh: TTXVN

Đối tượng Đỗ Mạnh Hùng sàm sỡ trong thang máy chung cư Golden Palm. Ảnh: TTXVN

Theo nhiều bạn đọc, mức phạt này có khác nào khuyến khích những hành động sàm sỡ, tấn công phụ nữ. Nhiều người đặt ra câu hỏi về những lỗ hổng của luật pháp hiện hành trong việc xử lý hành vi quấy rối tình dục, xâm hại tình dục..., tạo cơ hội lách luật cho những kẻ phạm tội.

Trở lại vụ việc vụ án "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi" xảy ra tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội), trước phản ứng bất bình từ công luận, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Cơ quan Điều tra tiếp nhận hồ sơ vụ án từ Công an huyện Chương Mỹ để điều tra mở rộng, xem xét xử lý đối tượng về hành vi "Hiếp dâm trẻ em".

Ngay sau đó, Công an huyện Chương Mỹ đã thực hiện lệnh tạm giam 2 tháng đối với Nguyễn Trọng Trình - bị can của vụ án. Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội cũng nhận thấy hành vi của Nguyễn Trọng Trình có dấu hiệu phạm vào tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi" được quy định tại Điều 142, Bộ luật Hình sự năm 2015, là loại tội đặc biệt nghiêm trọng.

Việc các cơ quan tố tụng thành phố Hà Nội khắc phục kịp thời thiếu sót của cấp dưới đã nhận được sự đồng tình, hoan nghênh từ dư luận xã hội. Còn với vụ "cưỡng hôn", các luật sư đều nhận định, hành vi của Đỗ Mạnh Hùng chưa đến mức để xử lý về hành vi "dâm ô" mà chỉ có thể xử phạt hành chính với mức phạt từ 100.000 - 300.000 đồng theo Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, việc xử phạt kẻ sàm sỡ 200.000 đồng là không tương xứng với hành vi. Từ đây cho thấy hiện đang thiếu cơ sở luật pháp để xử lý những trường hợp đặc thù này.

Thực tế, pháp luật Việt Nam đang còn khoảng trống pháp lý về chế tài xử lý đối với hành vi quấy rối tình dục. Bộ luật Hình sự 2015 đã coi hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô với trẻ em... là những tội phạm có tính chất rất nghiêm trọng và gắn với những chế tài xử phạt nghiêm khắc, nhưng với hành vi quấy rối tình dục thì chưa có quy định cụ thể. Vì vậy, mức xử phạt không tránh khỏi gây bức xúc trong dư luận và ấm ức đối với người bị hại.

Ranh giới giữa dâm ô và hiếp dâm rất mong manh. Thế nên, có những trường hợp quấy rối tình dục hay "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi" nhưng cơ quan chức năng sở tại lại xử lý những tội danh không tương xứng, gây bất bình trong dư luận. Chỉ khi các cơ quan bảo vệ pháp luật, công luận lên tiếng thì cơ quan chức năng mới xem xét thay đổi tội danh hoặc khởi tố vụ án.

Do đó, nhiều chuyên gia pháp luật đề nghị bổ sung quy định của Bộ luật Hình sự, hình sự hóa một số nhóm hành vi quấy rối tình dục thành tội phạm chứ không chỉ xử phạt hành chính. Riêng trong lĩnh vực bảo vệ phụ nữ và trẻ em, nếu làm không khéo và chắc chắn thì khoảng trống của pháp luật sẽ rất dễ trở thành cạm bẫy, khoét sâu thêm nỗi đau của những số phận nghiệt ngã, là nạn nhân của nạn xâm hại tình dục, quấy rối tình dục.

Thiết nghĩ, các cơ quan công quyền cần xem xét, nghiên cứu để xác định lại từng nhóm hành vi, có những chế tài hay hình thức xử lý nặng hơn để người dân tin tưởng vào pháp luật.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/sua-lo-hong-phap-luat/