Sữa không xấu

Chương trình Đề án Sữa học đường chưa đi vào thực tế đã vấp phải không ít phản ứng của phụ huynh Hà Nội, thậm chí nhiều phụ huynh đổ lỗi cho sữa là 'thủ phạm' khiến con em mình đầy bụng, khó tiêu, nôn ói, thậm chí béo phì, dậy thì sớm, phát triển không tự nhiên…

PGS-TS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng trường học và Ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ: Sữa là thành phần được khuyến cáo trong bữa ăn hàng ngày không chỉ của trẻ em mà cả của tất cả mọi người. Sữa là 1 trong 8 nhóm thực phẩm được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo nên sử dụng hàng ngày.

“Theo quy định, chế độ ăn ở trẻ nhà trẻ phải đáp ứng được 60- 70% nhu cầu năng lượng trong ngày; ở trẻ mẫu giáo nhu cầu chiếm 50-55% nhu cầu trong ngày. Chúng tôi khuyến khích sử dụng sữa và các chế phẩm sữa cho người Việt, trong đó trẻ em từ 3-5 tuổi sử dụng 4 đơn vị sữa/ngày tương đương 1 miếng pho mai, 1 hộp sữa chua, 200ml sữa dạng lỏng (có thể sữa bột pha, hay sữa tươi, tiệt trùng). Mỗi 1 đơn vị sữa tương đương 100mg canxi. Với trẻ từ 6-7 tuổi sẽ sử dụng 4,5 đơn vị sữa/ngày; trẻ 9 tuổi 5 đơn vị sữa/ngày; trẻ 9-11 tuổi 6 đơn vị sữa/ngày. Ở lứa tuổi này nhu cầu canxi lên đến 1.000 mg/ngày, tuổi tiền dậy thì nhu cầu can xi nhiều nên lượng sữa và chế phẩm sữa khuyến nghị cũng tăng” – bà Nhung nói.

“Để đáp ứng được khẩu phần đó, chúng tôi nghĩ phải thêm 1 ly sữa, nếu trường nào không có sữa thì đổi thành sữa chua hoặc phô mai, nhu cầu năng lượng vẫn đáp ứng được 60%-70% nhu cầu năng lượng/ngày với trẻ mầm non và 50%-55% với trẻ mẫu giáo theo đúng khuyến nghị chứ không phải tăng năng lượng cho trẻ béo phì. Trong khi đó để cải thiện bữa trưa có trên 10 loại thực phẩm cũng như đa dạng các nguồn hải sản, thực phẩm khác thì khó thực hiện. Chúng tôi khuyến nghị sử dụng 3 sản phẩm sữa chứ không tăng năng lượng, sữa chua cũng là tăng canxi” - TS. Nhung khẳng định.

Nhiều năm trong nghề, theo bà Nhung quan sát, ở Việt Nam đấu tranh khó nhất là phụ huynh cho rằng bữa phụ của trẻ cái bánh quan trọng hơn hộp sữa. Khi có con béo phì thì điều đầu tiên là cắt sữa, nhưng thực tế trẻ vẫn cần canxi. Hơn thế nếu làm bảng so sánh sẽ thấy sữa không phải nguyên nhân gây béo phì ở trẻ. Trong 100ml sữa có 70kcal, trong khi đó 1 chai nước ngọt chứa 260kcal, 1 cái bánh bao chứa 409kcal, 1 cái bánh giò chứa 437kcal, 1 bát xôi chứa tới 712kcl (tương đương 1.000 lít sữa). Chế độ ăn gây thừa cân béo phì chứ không phải do uống sữa. Nếu bữa phụ của trẻ em tiểu học bây giờ có được 1 ly sữa sẽ quý hơn là được 1 cái bánh quy vì sữa có canxi.

Còn sữa có gây dậy thì sớm ở trẻ hay không, theo TS Nhung, xã hội càng phát triển chế độ dinh dưỡng tốt hơn thì đương nhiên trẻ sẽ dậy thì sớm hơn. Trẻ dậy thì sớm liên quan nhiều đến việc ăn các thực phẩm tồn dư hooc-môn tăng trưởng từ rau, gà công nghiệp… chứ không phải do sữa. Chưa có nghiên cứu quốc tế nào nói về mối liên quan giữa sữa và dậy thì sớm.

Nhưng trường hợp có phản ứng đau bụng, buồn nôn… sau khi uống, TS. Nhung chia sẻ, bản thân bà khi mới sang Nhật cũng chưa quen ngay với việc uống sữa. Đó là do cơ thể chưa quen với việc dung nạp lacto. Ngay tại Nhật thời điểm khởi đầu áp dụng chương trình “bữa ăn học đường” không phải tất cả trẻ em Nhật đều đã uống được sữa. Những em bé ở vùng sâu, vùng xa chưa được uống bao giờ thì cũng có thể gặp hiện tượng không dung nạp lacto như 1 số địa phương ở nước ta vừa rồi triển khai chương trình sữa học đường. Nhật Bản đã khắc phục bằng cách cho sữa vào bánh để tập cho trẻ quen dần với sữa và đã thành công trong đưa sữa vào chương trình “bữa ăn học đường”.

“Mọi người cần phân biệt việc không dung nạp đường lacto với ngộ độc sữa. Mong các địa phương khi triển khai thống kê trẻ chưa uống bao giờ để cho tập uống trước khi triển khai. Cho trẻ tập làm quen, khắc phục được tình trạng không dung nạp lacto, trẻ sẽ có cơ hội uống sữa, bổ sung vi chất trong bữa ăn hàng ngày”.

Thời gian qua, Việt Nam đã thành công trong việc phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em; đã đạt được mục tiêu thiên niên kỷ về phòng chống duy dinh dưỡng trẻ em. Tuy nhiên để cải thiện chiều cao của người Việt thì còn công cuộc lâu dài, trong đó vi chất dinh dưỡng đóng vai trò rất lớn.

Theo điều tra của Viện dinh dưỡng, hiện nay khẩu phần của trẻ em thành phố có thể thừa chất đạm, béo phì tăng nhưng vẫn thiếu vi chất.

Kết quả điều tra năm 2010 tại 6 tỉnh thành trong đó có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế… cho thấy: Thiếu máu trẻ em ở mức trên 20%, dự trữ sắt thấp (gần 30%); thiếu vitamin A trẻ em tiểu học là 7,7% nhưng ngưỡng gần thiếu khoảng 50%; thiếu vitamin D 46%-50%; nồng độ vitamin D huyết thanh thấp (12%-14%); can xi mới đáp ứng 30% nhu cầu khuyến nghị.

Kết quả tổng điều tra về dinh dưỡng do Viện Dinh dưỡng Quốc gia tiến hành gần đây nhất (giai đoạn 2014-2015) cho những con số giật mình: Tỷ lệ thiếu máu của trẻ dưới 5 tuổi ở khu vực TP là 20%-22%, thiếu vitamin A là 7%-8%; thiếu kẽm là 50% ở TP, 70% nông thôn và 80% trẻ em miền núi.

Từ thực tế đó, Viện Dinh dưỡng đã xây dựng khuyến nghị về bổ sung canxi, sử dụng sữa và chế phẩm sữa (phô mai, sữa chua) trong khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ. “Sữa là 1 thực phẩm có mặt trên tất cả tháp dinh dưỡng của mọi lứa tuổi trên thế giới-là thực phẩm cần thiết cung cấp can xi cho cơ thể con người. Với trẻ em, sữa quan trọng hơn cả vì nó là nguồn dinh dưỡng cung cấp canxi quan trọng, đặc biệt trong thời gian tiền dậy thì và dậy thì. Sữa học đường đặc biệt hơn vì có bổ sung đủ vi chất” - TS Bùi Thị Nhung nhấn mạnh.

Không chỉ ở Việt Nam mà hơn 30 nước trên thế giới như Đức, Nhật, Bỉ Úc, Nga… đều có khuyến nghị sử dụng sữa và chế phẩm từ sữa hàng ngày cho mọi lứa tuổi.

Khi nhìn vào khẩu phần ăn của trẻ mầm non, tiểu học tại Việt Nam trong tổng điều tra cho thấy khẩu phần sắt, can xi, vitamin D mới đáp ứng được 50%-70% nhu cầu khuyến nghị. Vì vậy bổ sung sữa có vi chất là cơ hội vì chúng ta biết có thể bổ sung bằng viên nhưng trong giai đoạn nào đó cũng có thể thừa gây đào thải. Nhưng bổ sung qua sữa mỗi ngày 1 chút thì sự tích lũy tốt tạo cho trẻ em nền tảng phát triển thể lực và trí tuệ.

Bổ sung đủ vi chất không chỉ giúp trẻ phát triển thể lực mà còn cả trí tuệ. Một em bé thiếu máu có thể hay ngáp, hay ngủ và không tập trung trong giờ học. Vì vậy việc bổ sung vi chất là 1 trong những trọng trách mà Bộ Y tế giao cho Viện Dinh dưỡng dựa trên nghiên cứu lâm sàng và quy định của Tổ chức Y tế thế giới để xây dựng tiêu chuẩn sữa học đường bổ sung vi chất cho trẻ em.

Chương trình sữa học đường Bộ Y tế xây dựng với mục tiêu bổ sung sữa có đủ vi chất cho trẻ từ 3-11 tuổi cũng là dựa theo Đề án tổng thể nâng cao tầm vóc người Việt giai đoạn 2011-2020. Mục tiêu Sữa học đường sẽ giúp trẻ bổ sung vitamin D, can xi, sắt bổ sung sự thiếu hụt 30% sẽ giúp trẻ cải thiện chiều cao, đặc biệt trong giai đoạn quan trọng này.

“2 giai đoạn quan trọng giúp trẻ cải thiện chiều cao là dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời (từ khi mẹ mang thai đến khi bé 2 tuổi) và giai đoạn tiền dậy thì, dậy thì. Bé gái trung bình dậy thì 12-16 tuổi, bé trai 14-18 tuổi. Trước đó 1-2 năm nếu chúng ta chuẩn bị tốt từ mầm non với khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng thì em bé có thể cải thiện chiều cao tốt, có thể tăng trên 10cm/năm. Đây là cơ hội thứ 2 để cải thiện tầm vóc của người Việt Nam” - TS. Bùi Thị Nhung nêu rõ.

Cuối tháng 9/2016, Bộ Y tế ban hành quyết định 5450 về việc quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình sữa học đường, nhấn mạnh sữa sử dụng trong chương trình là sữa tươi. Bộ Y tế đã tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới khi xây dựng chương trình này. Ví dụ tại Nhật, ngay sau chiến tranh đã có bữa ăn học đường quy định bởi Luật Dinh dưỡng. Mỗi trường đều có cử nhân dinh dưỡng xây dựng thực đơn bữa ăn. Bữa trưa nào trong thực đơn học sinh tiểu học cũng được uống sữa. Trong 4 thập kỷ chiều cao trung bình tăng 10cm, đồng thời tăng tuổi thọ trung bình (nam 80 nam, nữ 80).

Thiết kế: Thúy Hà

Hà Dũng

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/special-today/sua-khong-xau-128244.html