Sữa học đường với đề xuất thêm 'sữa dạng lỏng' bên cạnh 'sữa tươi'

Chương trình 'Sữa học đường' có mục tiêu cải thiện tầm vóc và thể lực của học sinh được đánh giá là một chính sách nhân văn và đúng đắn. Tuy nhiên, cần chọn loại sữa bảo đảm dinh dưỡng và an toàn thực phẩm để cung cấp cho trẻ nhằm giảm bớt nỗi lo về chất lượng sữa cũng như những nghi ngại từ phía phụ huynh và dư luận.

Ảnh minh họa

Theo Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016, Chương trình Sữa học đường sử dụng "sữa tươi" cho trẻ nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ mẫu giáo và tiểu học. Tuy nhiên, trong công văn số 5454/BYT-ATTP ngày 17/9 mới đây, Bộ Y tế đã đề xuất bổ sung “sữa dạng lỏng” vào Chương trình.

Theo công văn này, nếu chỉ quy định sữa tươi phục vụ Chương trình sữa học đường sẽ “dẫn tới việc hạn chế sự lựa chọn các loại sữa khác trong khi các sản phẩm sữa khác vẫn có thể đáp ứng mục tiêu dinh dưỡng”, “tạo ra rào cản tham gia thị trường của nhiều doanh nghiệp”.

Tại Hội nghị dinh dưỡng về sữa học đường, ngày 31/10, đại diện Hiệp hội sữa Việt Nam tiếp tục nhắc lại vấn đề bổ sung các loại sữa dạng lỏng vào Chương trình sữa học đường, vì những loại sữa này vẫn đáp ứng đầy đủ dinh dưỡng như sữa tươi, nhưng lại đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp sữa. Hiện nay, sữa tươi trên thị trường chủ yếu là sản phẩm của các doanh nghiệp lớn, có tỷ lệ đàn bò, dê cao.

GS.TS Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho rằng, mục tiêu quan trọng của Chương trình sữa học đường là cải thiện dinh dưỡng cho trẻ, trong đó có giải pháp uống sữa nhằm đảm bảo cung cấp protein, canxi, vitamin D. Vì vậy, việc ban hành tiêu chuẩn duy nhất cho sữa tươi sẽ dẫn đến việc hạn chế sự lựa chọn các loại sản phẩm sữa khác (sữa chua, phô mai, sữa đậu nành) mà vẫn đáp ứng được mục tiêu chương trình đưa ra.

"Sữa tươi" khác "sữa dạng lỏng"

Năm 2017, Bộ Y tế ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 5:1-2017/BYT đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng và đã gọi đúng tên các sản phẩm sữa. Trong đó chia ra sản phẩm sữa tươi gồm sữa tươi nguyên chất, sữa tươi và sữa tươi tách béo.
Nhóm sữa có tên gọi là sữa tiệt trùng (không phải sữa tươi) cũng được gọi đúng tên là sữa hoàn nguyên (sữa bột pha lại) và sữa hỗn hợp (cơ bản từ sữa bột pha với sữa tươi). Quy định này của Bộ Y tế sẽ có hiệu lực từ ngày 1/3/2018.

Như vậy, nếu chiếu theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 5:1-2017/BYT đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng này, các sữa dạng lỏng mà Bộ Y tế đang đề xuất bổ sung là sữa hoàn nguyên và sữa hỗn hợp.

Ngày 12/10 vừa qua, sau khi xét báo cáo và đề nghị của Bộ Y tế tại công văn số 5454/BYT-ATTP về đề xuất bổ sung “sữa dạng lỏng” vào Chương trình sữa học đường, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về các loại sữa tham gia Chương trình sữa học đường.

Chọn sữa nào?
Về góc độ dinh dưỡng, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), cho rằng người dân có tâm lý thích sữa tươi hơn vì giữ được thành phần tự nhiên của sữa bò, dê. Về nguyên tắc, bổ sung vi chất chủ yếu là ở sữa bột, tùy từng nhóm đối tượng. Như vậy, có thể sử dụng được song song hai loại sữa này, tuy nhiên sữa tươi vẫn có những ưu thế nhất định về các khoáng chất tự nhiên có lợi cho cơ thể, trong khi sữa bột sẽ bị hao hụt vì phải trải qua nhiều công đoạn xử lý, tách nước…

Vì vậy, chuyên gia này cho rằng, nếu nguồn cung trong nước bảo đảm, nên chọn sữa tươi cho Chương trình sữa học đường vì sữa tươi đã bảo đảm cân bằng về dinh dưỡng.
Còn Bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH – người tham gia soạn thảo Chương trình sữa học đường cũng cho rằng nên dùng sữa tươi vì trong sữa tươi đã hoàn thiện về dinh dưỡng. Nếu dùng sữa dạng lỏng (sữa bột pha lại) thì vi chất sẽ bị hao hụt, dù có bổ sung cũng không thể đủ dinh dưỡng tự nhiên như sữa tươi.

Trước thông tin nguồn cung sữa tươi trong nước hiện nay không đáp ứng được nhu cầu của Chương trình sữa học đường, nên Bộ Y tế đề xuất bổ sung “sữa dạng lỏng”, ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, đưa ra số liệu phân tích cụ thể.

Hiện cả nước có khoảng 3,7 triệu trẻ mẫu giáo và 7,5 triệu học sinh tiểu học. Theo tính toán, nếu mỗi cháu được uống 220 ml sữa/ngày trong 280 ngày/năm thì sẽ hết khoảng gần 580.000 tấn sữa tươi nguyên liệu. Trong khi đó, sản lượng sữa tươi nguyên liệu của cả nước năm 2018. Như vậy, sữa tươi nguyên liệu sản xuất trong nước hoàn toàn đáp ứng được nếu sử dụng 100% sữa tươi cho Chương trình sữa học đường.

Ông Tống Xuân Chinh cũng cho biết, nếu so sánh sữa tươi với sữa khác về dinh dưỡng thì có thể không có khác biệt nhiều, nhưng khoa học đã chứng minh rằng, nếu là sữa tươi hoàn toàn 100% thì khả năng hấp thụ dinh dưỡng vi chất và các enzym sinh học tốt hơn nhiều so với các loại sản phẩm khác.

Thúy Hà

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/suc-khoe/sua-hoc-duong-voi-de-xuat-them-sua-dang-long-ben-canh-sua-tuoi/350942.vgp