Sữa học đường ai bán, ai mua?

Đầu năm học 2018-2019, TP Hà Nội thực hiện chương trình sữa học đường và gần như ngay lập tức đã gây ra những phản ứng nhất định trong giới cha mẹ học sinh.

Trong những ngày đầu tiên của năm học, các cơ sở giáo dục đã phát cho cha mẹ học sinh bản đăng ký tham gia chương trình sữa học đường. Sau những ý kiến khác nhau, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, việc tham gia đăng ký chương trình sữa học đường đang được triển khai trên địa bàn là hoàn toàn tự nguyện, phụ huynh đã đăng ký tham gia, nếu thấy không có nhu cầu thì có thể dừng; hoặc phụ huynh không tham gia nhưng sau đó có nhu cầu thì vẫn có thể đăng ký bổ sung.

Không thể phủ nhận mục đích tốt đẹp của chương trình, nhưng cũng có những lý do để nhiều người băn khoăn về chương trình này. Ngay bản đăng ký cũng đã cẩn trọng thêm dòng chữ yêu cầu, nếu không tham gia, cha mẹ học sinh phải ghi rõ lý do vì sao.

Chương trình hiện đã bắt đầu được triển khai, phát tờ đăng ký tham gia tới phụ huynh tại các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn, tuy nhiên, mỗi trường triển khai một kiểu. Nhiều trường không giải thích, tư vấn rõ mà chỉ phát tờ thông tin cho học sinh mang về đề nghị phụ huynh đăng ký khiến nhiều người băn khoăn. Ðáng chú ý, đến thời hạn đăng ký nhưng phụ huynh vẫn chưa được biết thông tin hãng sữa, loại sữa của chương trình là gì, mặc dù Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định sẽ giám sát việc giao, nhận và uống sữa của các em học sinh, nên phụ huynh hoàn toàn yên tâm về chất lượng sữa.

Dưới giác độ luật pháp, dù mang tên chương trình sữa học đường và do cơ quan nhà nước triển khai nhưng thực chất đây vẫn là một hợp đồng mua bán. Trong đó người mua là cha mẹ học sinh và nhà nước hỗ trợ một phần từ ngân sách. Người bán đương nhiên là các hãng sữa. Cơ quan hành chính mà cụ thể ở đây là các sở giáo dục chỉ là trung gian hỗ trợ cho giao dịch được tiến hành đúng pháp luật. Trong trường hợp với các đối tượng là chính sách, dân tộc thiểu số học sinh vùng sâu vùng xa, nhà nước sẽ là bên mua bằng nguồn kinh phí lấy từ ngân sách.

Đã là một hợp đồng mua bán, một giao dịch dân sự, nguyên tắc cao nhất là sự thỏa thuận của hai bên. Để hợp đồng được thực hiện một cách tốt nhất, bên mua và bên bán cần trao đổi nắm bắt đầy đủ thông tin của nhau và tiến đến một thỏa thuận tự nguyện.

Tuy nhiên thực tế cách thực hiện lại không hoàn toàn như vậy. Trong trường hợp này, dường như cơ quan quản lý với tư cách là bên trung gian lại can thiệp quá sâu, thậm chí làm thay việc của người bán, người mua. Mọi thông tin về sản phẩm, nhà sản xuất cũng không đến được với người mua mà chỉ dừng lại ở khâu trung gian. Ngành giáo dục đã làm hộ cha mẹ học sinh chuyện lựa chọn nhà cung cấp, thương lượng về chủng loại, chất lượng sản phẩm. Cũng chính ngành giáo dục một lần nữa làm hộ nhà sản xuất để thương lượng với người mua - cha mẹ học sinh.

Cha mẹ học sinh, người đóng góp tỷ lệ lớn nhất kinh phí mua sữa (50%) lại không được cung cấp thông tin về nhà cung cấp, về sản phẩm cũng như tham gia quyết định lựa chọn.

Bên cạnh đó, người thụ hưởng sản phẩm cũng không phải là cha mẹ học sinh mà là con cái họ. Xét dưới góc độ nào đó, họ còn lo lắng cho con thậm chí hơn cả cho chính mình. Điều này cũng là dễ hiểu, bởi học sinh ở lứa tuổi đầu đời, cơ thể và sức đề kháng còn yếu, trong quá trình sử dụng các cháu cũng khó có đủ khả năng nhận biết những sản phẩm có đạt chuẩn hay không.

Chuyện họ lo lắng cũng là chuyện đương nhiên, bởi thực tế, khi để cho các sở Giáo dục làm trung gian và làm thay việc của người bán, người mua, con cái họ đã phải gánh chịu hậu quả. Đó chính là câu chuyện của Hậu Giang và sau đó là Đồng Nai. Tại hai tỉnh này đã có tình trạng học sinh sau khi uống sữa bị ngộ độc. Chương trình sữa học đường của Đồng Nai cũng đã phải dừng lại.

Với người dân thuộc đối tượng chính sách, họ cũng vẫn có quyền được minh bạch thông tin vì ngân sách, xét cho đến cùng về cơ bản cũng hình thành từ tiền thuế đóng góp của người dân. Cơ quan quản lý không nên vin vào chính sách “cho không” để ban phát cho người dân thụ hưởng chính sách mà quên đi quyền được minh bạch thông tin của họ.

Ở mức độ nào đó, khi đã bỏ tiền ra mua sữa, cha mẹ học sinh vẫn có quyền tham gia vào quá trình lựa chọn hãng sữa cho chính con em mình. Ngành giáo dục nên chăng phải trở về với đúng vai trò của mình là bên trung gian, trong trường hợp cần thiết, nếu cha mẹ học sinh yêu cầu, cơ quan quản lý hoặc nhà trường có thể phát phiếu thăm dò để cha mẹ học sinh lựa chọn nhà cung cấp.

Mục tiêu cải thiện tầm vóc và thể lực của học sinh là không sai, nhưng để hướng tới điều đó, “sữa” không thể là giải pháp toàn năng. Băn khoăn về chất lượng sữa của phụ huynh cũng là những băn khoăn chính đáng. Sữa học đường, một chính sách đúng đắn nhưng nếu không được thực hiện một cách minh bạch rõ ràng thì có thể trở nên phản tác dụng khi nhà nước vẫn mất một khoản ngân sách còn người dân cũng không mấy mặn và cũng rất dễ gây ra những nghi ngại từ phía dư luận.

Quang Lê

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/sua-hoc-duong-ai-ban-ai-mua/348195.vgp