Sửa đổi Luật Thi hành án hình sự: Bảo đảm tính nhân văn, sự nghiêm minh

Trong tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Ghi nhận dự án luật đã thể hiện nhiều đổi mới, tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, một số quy định cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để bảo đảm tính nhân văn và sự nghiêm minh của pháp luật.

Bổ sung quy định nâng hiệu lực Kiểm toán nhà nước trong phòng, chống tham nhũng

 Đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

Băn khoăn việc phạm nhân lao động ngoài trại giam

Dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) gồm 16 chương, 209 điều. Luật này quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành bản án...; quyền, nghĩa vụ của người, pháp nhân thương mại chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành án hình sự, biện pháp tư pháp...

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với cơ cấu các điều luật trong dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) được trình tại kỳ họp này và báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, đi vào cụ thể một số quy định trong dự thảo luật, vẫn còn có những nội dung các đại biểu Quốc hội băn khoăn, đề xuất điều chỉnh, làm rõ.

Đại biểu Trần Văn Mão (Đoàn Nghệ An) đồng tình với quy định tại Khoản 3, Điều 33: "Trại giam có thể phối hợp với doanh nghiệp, cá nhân hoặc tổ chức cho phạm nhân lao động cả trong và ngoài trại giam", vì thể hiện quan điểm đổi mới trong tổ chức cải tạo phạm nhân... Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn về tính khả thi và cho rằng, khi tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài khu vực trại giam, vấn đề bảo đảm an ninh trật tự, phòng ngừa phạm nhân mang vật cấm hoặc thậm chí cả ma túy và các hành vi vi phạm khác là hết sức cần thiết.

Chung quan điểm, đại biểu Phạm Đình Cúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nhìn nhận, có thể tổ chức sản xuất ở điểm lao động ngoài trại giam để tận dụng được hàng chục nghìn lao động. Nhưng thực tế có phạm nhân tìm mọi cách chống đối, việc quản lý các đối tượng này trong trại giam đã khó, quản lý ngoài trại giam càng khó hơn, đại biểu đề nghị cần có quy định chặt chẽ, không để phạm nhân trốn, không để xảy ra bạo loạn ảnh hưởng đến an ninh trật tự khu vực sản xuất, nơi lân cận.

Về vấn đề này, đại biểu Giàng Thị Bình (Đoàn Lào Cai) lại nêu ý kiến, không nên quy định tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài khu vực trại giam để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Còn theo đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đoàn Đà Nẵng), quy định như tại Khoản 3, Điều 33 dự thảo luật sẽ cần phải giải quyết những vấn đề pháp lý nảy sinh. “Dự thảo luật giao cho trại giam quyền được đưa phạm nhân ra khỏi cơ sở giam giữ theo quy định nào của pháp luật? Trại giam cụ thể là có chức năng tư pháp nào, ai có thẩm quyền này? Đó là vấn đề chưa được giải quyết trong dự luật này”, đại biểu Nguyễn Bá Sơn nói.

Tránh vận dụng tràn lan quyền của phạm nhân

Quyền và nghĩa vụ của phạm nhân (Điều 27) cũng được nhiều đại biểu quan tâm, có ý kiến khác nhau. Khoản 3, Điều 27 của dự thảo luật đưa ra hai phương án: Phương án 1 là “Phạm nhân có quyền và nghĩa vụ khác theo quy định tại luật này”; phương án 2 là “Phạm nhân được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi các luật có liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang chấp hành án tại cơ sở giam giữ phạm nhân”.

Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) khẳng định, quy định quyền và nghĩa vụ của phạm nhân thể hiện sự nhân văn, nhân đạo của Nhà nước với người bị phạt tù. Đặc biệt, dự án luật cho phép phạm nhân được tham gia bảo hiểm tự nguyện trong thời gian chấp hành án theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội sẽ bảo đảm cho họ tái hòa nhập thuận lợi sau khi mãn hạn tù. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tránh vận dụng tràn lan quyền của phạm nhân thì phải quy định rõ phạm nhân chỉ được hưởng các quyền luật này cho phép (phương án 1 trong dự thảo luật).

Đại biểu Trần Thị Hằng (Đoàn Bắc Ninh) lại ủng hộ phương án 2. Theo đại biểu, việc quy định tất cả các quyền của phạm nhân là không khả thi. Dự thảo luật chỉ quy định các quyền cơ bản của họ như: Quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, bảo đảm chế độ ăn, mặc, ở hoặc quyền lao động, học nghề, học tập, quyền được thực hiện giao dịch dân sự không phải người đại diện theo quy định pháp luật, quyền được bày tỏ niềm tin tín ngưỡng tôn giáo theo quy định của pháp luật… là phù hợp.

Phát biểu tiếp thu, giải trình, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã làm rõ thêm một số nội dung. Bộ trưởng khẳng định, phạm vi hoạt động của các cơ sở lao động, dạy nghề ngoài khu vực trại giam có thiết kế theo mẫu của các trại giam, nằm trong phạm vi quản lý của trại giam, có phân công cán bộ quản lý. Phạm nhân khi lao động ở đây đều phải tuân thủ các quy định về giam giữ như trong trại giam. Về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau, Bộ trưởng cho biết, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu để chỉnh sửa nhằm hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/935951/sua-doi-luat-thi-hanh-an-hinh-su-bao-dam-tinh-nhan-van-su-nghiem-minh