Sửa đổi Luật để tránh 'ghè đá vào chân' thầy thuốc

Luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực được 9 năm, tuy nhiên đến thời điểm này một số điều khoản đã bộc lộ mâu thuẫn, vướng mắc, không phù hợp với thực tiễn, gây bất cập trong công tác khám bệnh, chữa bệnh cũng như ảnh hưởng quyền lợi của người dân.

Sáng 12/7, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết 9 năm thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội thông qua vào ngày 23/11/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011. Đây là đạo luật đầu tiên thể chế hóa quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân; tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Luật cũng đã có một số hạn chế, bất cập như: một số quy định chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam cũng như một số nội dung chưa bảo đảm tính hội nhập quốc tế.

Do đó, hội nghị lần này cũng như Hội nghị khu vực phía Nam sắp tới là tiền đề để Bộ Y tế và Ban soạn thảo xây dựng dự thảo Luật mới đáp ứng những đòi hỏi, yêu cầu thực tiễn. Bộ trưởng đề nghị cần nêu rõ những mặt đạt được, nhất là những hạn chế, bất cập của toàn bộ quá trình thi hành Luật. Trong đó cần lưu ý, xác định được những điều khoản, nội dung nào trong Luật gây vướng mắc, mâu thuẫn, thậm chí “ghè đá vào chân”, ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn các thầy thuốc, nhân viên y tế.

Đồng thời, nghiên cứu các nội dung cần sửa đổi cần đồng bộ với các Luật khác. Xác định những nội dung hành lang pháp lý cần thiết phải ban hành, nhưng chưa có trong Luật hiện tại. Các nội dung điều chỉnh, bổ sung cần đảm bảo phù hợp với quá trình quốc tế của Việt Nam.

Các đại biểu thảo luận

Các đại biểu thảo luận

Theo Bộ Y tế, trong giai đoạn tới, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh; Tổ chức tốt việc thực hiện và áp dụng pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

Bộ Y tế kiến nghị sửa đổi đối với một số nội dung cụ thể trong Luật khám bệnh, chữa bệnh về các khái niệm trong Luật; về các hành vi bị nghiêm cấm; về quyền và nghĩa vụ của người bệnh; về cấp chứng chỉ hành nghề; cấp giấy phép hoạt động; các quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; về giải quyết tranh chấp trong khám bệnh, chữa bệnh; về ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh; và về an ninh bệnh viện.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, kiến nghị, sửa đổi Luật xem xét đến yếu tố tâm linh, mang tính nhân văn đối với những bệnh nhân nặng “gần đất xa trời”. Chẳng hạn có được rửa tội hoặc được các nhà sư cầu nguyện khi “nhắm mắt xuôi tay hay không”.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Cần sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh để tránh "ghè đá vào chân" thầy thuốc

“Ban soạn thảo đang xem xét kiến nghị sửa đổi điều khoản nâng cao thực hành kiến thức y khoa, chuyên sâu hóa, chuyên đa hóa. Trước đây, chứng chỉ hành nghề là vô thời hạn, đây là độc nhất trên thế giới, không tạo động lực để học tập, nếu có thời hạn thì sẽ khác rất nhiều. Tới đây sẽ phải thay đổi, đề xuất phải thi quốc gia đủ điều kiện mới cấp chứng chỉ hành nghề. Đây là yếu tố để Luật quan tâm, bổ sung” – ông Quang cho biết.

Một vấn đề cần quan tâm sửa đổi trong Luật nữa là giải quyết các tranh chấp khám bệnh, chữa bệnh liên quan đến các sự cố y khoa. Ngoài phân cấp cho Sở Y tế các địa phương giải quyết các tranh chấp thì phải có sự tham gia của đội ngũ luật sư để quyền lợi của người bệnh được đảm bảo.

Trần Hằng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/thoi-su/sua-doi-luat-de-tranh-ghe-da-vao-chan-thay-thuoc-552973/