Sửa đổi Luật Đầu tư công để xóa trì trệ, vướng mắc

Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 9/5/2019, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, cần sớm xem xét thông qua Luật Đầu tư công sửa đổi để thúc đẩy phát triển, tháo gỡ vướng mắc thực tế, xóa bỏ tình trạng trì trệ hiện nay.

Bản thiết kế sân bay Long Thành

Bản thiết kế sân bay Long Thành

Giữ nguyên quy định về dự án quan trọng

Một trong những vấn đề còn có ý kiến khác nhau xuyên suốt quá trình thảo luận về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) lâu nay là tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến đại biểu tại kỳ họp Quốc hội thứ 6 và tại hội nghị đại biểu chuyên trách cho rằng, Luật Đầu tư công hiện hành đã quy định tại điều 11 về điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công thực hiện trong trường hợp chỉ số giá có biến động lớn hoặc có điều chỉnh lớn về phân cấp đầu tư công…

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, chỉ số giá không có biến động lớn và việc phân cấp đầu tư công cơ bản ổn định. Hơn nữa, tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia với mức vốn 10.000 tỷ đồng như hiện nay là không phát sinh vướng mắc trong thực hiện (cho đến nay, chỉ có 2 dự án trình Quốc hội). Do đó, đề nghị giữ nguyên tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, như luật hiện hành.

“Chính phủ cho rằng, để đảm bảo phù hợp với thực tiễn biến động giá cả, phân loại dự án phù hợp với quy mô ngân sách, đồng thời, bảo đảm Luật Đầu tư công (sửa đổi) sau khi thông qua sẽ được áp dụng phù hợp trong dài hạn, đề nghị điều chỉnh mức vốn đầu tư của dự án quan trọng quốc gia tăng gấp 2 lần so với quy định hiện hành (20.000 tỷ đồng)”, ông Hải nói.

Nhấn mạnh cả nhiệm kỳ này có hai dự án quan trọng quốc gia là sân bay Long Thành và cao tốc Bắc - Nam phía đông rất gọn gàng mà triển khai rất chậm nhưng không vướng gì về quy mô, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, cứ giữ như quy định hiện hành. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng tình giữ như quy định hiện hành vì không có vướng mắc gì về mức vốn.

Xem xét thông qua ngay trong kỳ họp tới

Theo kế hoạch, dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7 khai mạc ngày 20/5 tới đây. Song, ông Nguyễn Đức Hải cho biết, một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, qua quá trình nghiên cứu dự thảo luật và những vấn đề thực tiễn trong quản lý đầu tư công, qua tổng hợp ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương, ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan hữu quan cho thấy, từ thực tiễn quản lý còn đặt ra nhiều vấn đề lớn, phức tạp.

Nhiều nội dung quy định trong dự thảo luật chưa đủ bao quát, rõ ràng; dự án luật có liên quan đến các bộ, ngành, địa phương và còn nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau. Do vậy, đề nghị báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội cho phép áp dụng quy định thông qua tại 3 kỳ họp để có thêm thời gian nghiên cứu, chỉnh lý và hoàn thiện dự án luật.

Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu không đồng tình với điều này. Ông cho biết, mấy kỳ họp Quốc hội vừa qua, các đại biểu thường đánh giá “đầu tư công vô cùng chậm, trì trệ”.

Có hai lý do dẫn đến chậm trễ là vướng mắc liên quan luật và vấn đề tổ chức thực hiện. Nhưng những vấn đề vướng mắc thì nên xem xét sửa đổi, chứ không phải bày ra để sửa đổi tất cả. “Xem xét thông qua theo quy trình 3 kỳ họp thì không giải quyết được vấn đề mà thực tế đặt ra, và cũng không tháo gỡ được những khó khăn vướng mắc. Bây giờ chỉ giải quyết một vài vướng mắc mà để 3 kỳ họp là không cần thiết, không phù hợp”, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nêu ý kiến.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cũng không đồng tình với phương án thông qua theo quy trình 3 kỳ họp vì lo ngại tốn thêm thời gian, tiền bạc. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, không cần đến tận ba kỳ họp, còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau sẽ ngồi lại để thống nhất và thông qua tại kỳ họp thứ 7.

“Xem xét thông qua theo quy trình 3 kỳ họp thì không giải quyết được vấn đề mà thực tế đặt ra và cũng không tháo gỡ được những khó khăn vướng mắc. Bây giờ chỉ giải quyết một vài vướng mắc mà để 3 kỳ họp là không cần thiết, không phù hợp”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu ý kiến.

Văn Kiên

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/sua-doi-luat-dau-tu-cong-de-xoa-tri-tre-vuong-mac-1413452.tpo