Sửa đổi Luật cần chặt chẽ, sát thực tế nếu không sẽ gây bất ổn xã hội

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường cần chặt chẽ, phù hợp với thực tế không sẽ gây bất ổn xã hội.

Luật Bảo vệ môi trường cần ngăn những thứ lạc hậu vào Việt Nam

Chiều tối ngày 11/11, tại Hà Nội, Bộ TN&MT phối hợp với Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến Đại biểu Quốc hội về một số định hướng lớn cần sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đất đai, dự kiến trình Quốc hội trong năm 2020.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, thực tế nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra yêu cầu phải thay đổi về chính sách đặc biệt về Luật Bảo vệ môi trường. Nếu không cập nhật, không theo kịp thế giới sẽ mắc phải vấn đề liên quan đến cạnh tranh, hàng rào kỹ thuật; đồng thời, Việt Nam có khả năng trở thành nơi đưa công nghệ lạc hậu và ô nhiễm môi trường vào lãnh thổ.

"Tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay rất đáng lo ngại. So với 5 năm trước, các thành phần môi trường từ nước, không khí, chất thải rắn… đã vượt ngưỡng. Các dòng sông quê đâu còn xanh như ngày xưa nữa. Vấn đề môi trường đang đòi hỏi chúng ta phải có thay đổi mang tính cách mạng, đòi hỏi chính sách mới. Hơn nữa, giữa Luật Bảo vệ môi trường với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, các Luật liên quan đến thủy lợi, thủy sản... đang có những bất cập, xung đột”, ông Hà nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, môi trường nước đâu còn nhìn thấy các dòng sông màu xanh, con sông quê đâu còn xanh như ngày xưa nữa, thay vào đó ngày càng nhiều dòng sông ô nhiễm.

Theo ông Hà, lĩnh vực môi trường cần thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước về chủ trương phát triển kinh tế dựa trên vấn đề cân bằng sinh thái, lựa chọn mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Xác định môi trường tiên phong để dẫn dắt các dòng vốn đầu tư từ nước ngoài, định hình cho các mô hình kinh tế trong nước.

"Việt Nam cần đưa các chính sách môi trường hài hòa với các chủ trương mà chúng ta cam kết. Việc đưa và nâng các quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường chính là tạo ra sức đề kháng để ngăn cản các dòng vốn với các công nghệ sử dụng lãng phí, không hiệu quả, tốn năng lượng. Đồng thời xem xét để thay đổi chính sách môi trường, thay đổi đánh giá và tư duy. Hiện nay, môi trường Việt Nam đang bị ô nhiễm, nhưng con người có quyền sống trong môi trường trong lành. Vì vậy, không có lý do gì chúng ta không nâng các quy chuẩn môi trường, chính sách môi trường lên ngang bằng các nước phát triển", ông Hà nói.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng: “Luật bảo vệ môi trường đang có những bất cập, xung đột, nếu không sửa đổi sẽ không theo kịp sự phát triển của thế giới, sẽ khó cạnh tranh. Trong thế giới hội nhập, quy chuẩn môi trường cần được nâng lên, thay đổi cho phù hợp để cạnh tranh với các nước trên thế giới”.

Chủ nhiệm Ủy Ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng: “Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đất đai có vai trò rất quan trọng do vậy, việc sửa đổi, bổ sung 2 dự án Luật trên phải được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng các tác động để hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực do sự thay đổi của chính sách, tạo điều kiện để phát triển kinh tế, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Theo đó, chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của 2 dự án Luật nhằm khắc phục những bất cập, khó khăn trong quản lý Nhà nước về đất đai, tạo khung pháp lý để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đảm bảo sự thống nhất đồng bộ giữa Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường với các luật có liên quan”.

Sửa đổi Luật đất đai cần chặt chẽ, thực tế không sẽ gây bất ổn xã hội

Các đại biểu tham dự đề nghị Ban soạn thảo cần đánh giá tác động quy hoạch; giải quyết vấn đề giải phóng mặt bằng như định giá đất để điều chỉnh hài hòa giữa các bên liên quan. Đối với đất sản xuất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cần đánh giá, nghiên cứu cơ sở thực tiễn; đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan.

Toàn cảnh buổi Hội thảo.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, về chính sách đất đai, hiện nay, Bộ TN&MT đang xem xét giải quyết 4 nội dung cốt lõi về chuyển mục đích sử dụng đất; quy hoạch đất đai; vướng mắc xung quanh việc giải quyết phạm vi điều chỉnh và xung đột với các bộ Luật; quản lý đất đai thông qua việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Từ các nội dung chủ lực đó đi vào những chính sách cụ thể và đề xuất những vấn đề mang tính định hướng chính sách.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ, nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai tập trung giải quyết những vướng mắc liên quan đến chuyển mục đích sử dụng đất và quy hoạch đất đai; vấn đề khiếu nại, tố cáo liên quan đất đai; đảm bảo chống thất thu ngân sách Nhà nước trong định giá để giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp trong thu hồi đất.

Sửa đổi luật đất đai không chặt chẽ, thực tiễn rất dễ gây nguy cơ bất ổn trong xã hội.

"Luật Đất đai mang tính chất nền tảng, liên quan đến nhiều bộ luật khác như: Luật Đầu tư công, Luật Nhà ở, Luật Doanh nghiệp..., nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai cũng giải quyết vướng mắc xung quanh xung đột giữa các bộ Luật. Việc sửa đổi, bổ sung Luật phải đảm bảo thực hiện tốt dịch vụ công về đất đai để giải quyết thủ tục hành chính, phòng ngừa tham nhũng và tạo quản lý minh bạch. Xác định trách nhiệm sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai là xem xét tiếp cận thực tiễn những khó khăn, vướng mắc. Những chủ trương mới, chính sách mới tiếp cận đất đai trong thời gian tới liên quan đến an ninh lương thực, giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh. Nếu điều chỉnh giá đất không chặt chẽ phù hợp với thực tiễn sẽ gây nguy cơ có bất ổn về mặt xã hội”, ông Hà nhấn mạnh./.

Nguyễn Ngân/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/tin-24h/sua-doi-luat-can-chat-che-sat-thuc-te-neu-khong-se-gay-bat-on-xa-hoi-977610.vov