Sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường giúp doanh nghiệp tiết kiệm 20.000 tỷ đồng mỗi năm

Cơ quan soạn thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cho biết, những thay đổi, tinh giản thủ tục hành chính trong lần sửa đổi này có thể giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiết kiệm được tới hơn 20.000 tỷ đồng mỗi năm.

Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Ảnh: H.Dịu

Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Ảnh: H.Dịu

Ngày 19/5, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Vietnam), Hiệp hội Thương mại châu Âu (EuroCham) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TNMT cho biết, dự thảo luật sửa đổi lần này sẽ giúp thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình cải cách thủ tục hành chính. Dự thảo Luật đã tích hợp nhiều loại giấy phép về môi trường về một mối, có trường hợp 1 giấy phép tích hợp được 7 giấy phép trước đây, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Điều này giúp các doanh nghiệp giảm chi phí tuân thủ, giảm thời gian làm thủ tục cũng như đầu tư, kinh doanh.

Vì thế, giới thiệu cụ thể về những nội dung mới của Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), đại diện Vụ Pháp chế, Bộ TNMT cho hay, quy định mới đáng chú ý nhất là gắn trách nhiệm cho các cá nhân khi để xảy ra những vụ việc ảnh hưởng đến môi trường.

Cụ thể, Luật cũ không gắn trách nhiệm cho người phụ trách. Nhưng dự thảo Luật lần này đưa ra 2 người phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và cán bộ kiểm soát vấn đề môi trường. Đặc biệt, cán bộ kiểm soát môi trường phải là người được đào tạo bài bản, để khi xảy ra vi phạm, cơ quan chức năng sẽ quy trách nhiệm cho 2 cá nhân này trước tiên.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật lần này cũng sẽ có những quy định cụ thể hơn về khoảng cách môi trường an toàn trong khi dân cư, các quy định mới về nhập khẩu phể thải, tái chế, quản lý chất thải…

Trước những thay đổi của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), các doanh nghiệp, hiệp hội và tổ chức tại hội thảo đều hoan nghênh tinh thần tinh giản vì doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đánh giá, dự thảo Luật mang tính cải cách, thể hiện đúng xu hướng hiện nay.

Tuy nhiên, đại diện EuroCham cho biết, các quy định về tái chế nên có quy định để giảm mức độ sản xuất các đồ dùng một lần, việc này không chỉ giảm tác hại đến môi trường mà còn đem lại giá trị cao cho nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất cho các doanh nghiệp khác.

Ngoài ra, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cũng đề nghị, Luật sửa đổi nên đưa khía cạnh nền kinh tế tuần hoàn vào, nhằm hướng đến sự phát triển bền vững, vừa giảm rác thải, vừa phát triển kinh tế theo chu trình tuần hoàn mà các nước trên thế giới đang áp dụng.

Cùng với đó, đại diện Eurocham đề xuất các cơ quan chức năng cần huy động cả nhân lực, vật lực, tổ chức tập huấn về quy chế đánh giá môi trường, tránh trường hợp diễn giải khác nhau về luật giữa các doanh nghiệp và giữa các cơ quan thực thi pháp luật, điều này sẽ gây khó cho các doanh nghiệp. Các khung khổ pháp lý cũng cần được nhanh chóng triển khai, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển giao công nghệ hiện đại, giảm tối đa tác động tới môi trường.

Một vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm là dự thảo Luật sửa đổi đã nâng cao các quy chuẩn môi trường theo hướng nghiêm ngặt hơn.

Lý giải về điều này, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ TNMT cho hay, quy định này nhằm giúp hệ thống pháp luật của Việt Nam về môi trường tương đồng với các nước, nhưng việc nâng cao sẽ theo lộ trình cụ thể, giúp các doanh nghiệp thích nghi hợp lý.

Một khía cạnh khác, ông Hoàng Đức Vượng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam nêu, dự thảo Luật sửa đổi đưa ra yêu cầu các dự án phát thải lớn phải áp dụng công nghệ tốt nhất, nhưng yêu cầu này nên có quy định cụ thể về phân loại dự án, tổng mức phát thải để có quy định bắt buộc áp dụng hay chỉ khuyến khích. Bởi nếu yêu cầu “cứng” thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ khó thực hiện được do vấn đề tài chính.

Cùng với các kiến nghị trên, tại hội thảo, các doanh nghiệp, hiệp hội và chuyên gia còn đề xuất dự thảo Luật sửa đổi nên có những thay đổi về việc gia hạn giấy phép môi trường, có thể không cần thời hạn giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất, nếu doanh nghiệp nào vi phạm thì có thể xử phạt nặng hoặc tịch thu giấy phép.

Hơn nữa, việc thu phí tái chế sản phẩm, bao bì với các doanh nghiệp là hợp lý, nhưng phải có lý giải rõ ràng để doanh nghiệp hiểu cũng như có chế tài sử dụng nguồn kinh phí này phù hợp…

Hiện dự thảo Luật Bảo vệ môi trường vẫn đang được Bộ TNMT lấy ý kiến đóng góp rộng rãi, dự kiến sẽ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp vào cuối tháng 5 này.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/sua-doi-luat-bao-ve-moi-truong-giup-doanh-nghiep-tiet-kiem-20000-ty-dong-moi-nam-126848.html