Sửa đổi cơ bản, toàn diện Bộ luật Lao động, đáp ứng nhu cầu thực tiễn

Dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) được dư luận đặc biệt quan tâm trong suốt thời gian qua đang được lấy ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7. Chiều 29/5, Quốc hội dành toàn bộ thời gian để thảo luận tổ về Dự án Bộ luật này.

Tăng giờ làm thêm: Xuất phát từ nhu cầu của cả doanh nghiệp và người lao động

Thảo luận tại tổ về Bộ Luật Lao động (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm UBCVĐXH của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) cho hay, về cơ bản Ủy ban thống nhất với tờ trình của Chính phủ. Cho biết việc mở rộng khung thời gian làm thêm giờ nâng lên thêm 100 giờ, ông Lợi khẳng định, là xuất phát từ thực tiễn, sự thương lượng tập thể giữa chủ lao động và người lao động đều muốn tăng thêm giờ làm thêm để giải quyết công việc thời vụ, và người lao động muốn làm thêm để tăng thu nhập. Tuy nhiên, ông Lợi lưu ý, tăng giờ làm thêm cũng cần đánh giá tác động không chỉ năng suất, mà còn sức khỏe người lao động, nếu kéo dài quá liệu người lao động có đáp ứng được yêu cầu không. Vì thế, cần tập trung 1 số ngành nghề và phải có danh mục các ngành nghề đó để lấy thêm ý kiến, để đảm bảo sau này, tính tuân thủ pháp luật, và quản lý được chặt chẽ hơn.

“Phía Công đoàn có văn bản đề nghị gửi QH muốn làm thêm giờ phải tính lương lũy tiến, song hiện nay chúng ta đã tính lũy tiến. Nếu cứ tăng thêm giờ làm thêm, lại tiếp tục tính tiền lũy tiến nữa thì không có chủ lao động nào làm, và bản thân người lao động không còn cơ hội làm thêm giờ nữa”, ông Lợi phân tích và nêu, việc tăng thêm lũy tiến từ 300 giờ trở lên thì nên để chủ doanh nghiệp thương lượng với người lao động quyết định, để có lợi hơn.

Về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Hoàng Văn Trà (đoàn Phú Yên) cũng cho rằng, tăng khung giờ làm thêm là cần thiết, vì giải quyết thực tiễn hiện nay. “Trước đây lao động cơ bản không khác biệt lắm giữa loại hình lao động, đối tượng lao động, nhưng giờ có đặc thù, đặc biệt, giờ nới khung ra nhưng phải có điều kiện cụ thể, ràng buộc cụ thể là người lao động phải đồng ý và tiền lương phải cao hơn, thậm chí là cao hơn đề xuất để bảo đảm quyền lợi cho người lao động”, ông Trà nói.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, tăng giờ làm thêm sẽ góp phần tăng thu nhập cho người lao động

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, tăng giờ làm thêm sẽ góp phần tăng thu nhập cho người lao động

Về vấn đề tăng giờ làm thêm, ông Ngọ Duy Hiểu- Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (đoàn Hà Nội) cho biết, ông đồng ý với việc tăng giờ làm thêm lên 400 giờ bởi thực tế hiện nay, người lao động lương rất thấp, nếu không làm thêm để tăng thu nhập sẽ không đủ sống. Mặt khác, qua khảo sát cũng cho thấy, hiện nay, đã có doanh nghiệp mà người lao động phải làm thêm lên đến 500-600 giờ nên tăng giờ làm thêm lên 400 giờ cũng hợp lý. “Tuy nhiên, tôi đề xuất trả lương lũy tiến để tránh việc doanh nghiệp huy động làm thêm quá nhiều, bóc lột sức của người lao động và cũng là để tránh việc DN không tuyển lao động mà lạm dụng việc làm thêm giờ. Chúng ta phải quy định chặt trong Luật để bảo vệ cho đối tượng yếu thế là người lao động.”, ông Hiểu nói và cũng đề xuất mỗi năm doanh nghiệp nên dành ra khoảng 1-2 ngày trong năm để tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho người động. Đồng thời cũng cần nghiên cứu để người lao động có thể làm việc 44h/ tuần thay vì làm việc 48h/ tuần như hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội) cũng bày tỏ sự nhất trí phương án của Chính phủ quy định về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ “Theo tôi, quy định này rất rất phù hợp với tình hình thực tế của chúng ta hiện nay, năng suất lao động thấp, thu nhập của người lao cũng thấp, vả lại chúng ta đang thu hút đầu tư nên quy định này là phù hợp”- ông Bình nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (đoàn Cần Thơ) cũng cho rằng, việc mở rộng làm thêm giờ rất cần thiết cho các doanh nghiệp và người lao động. Đối với DN là để đảm bảo đơn hàng trong những giai đoạn nước rút, đối với người lao động là góp phần tăng thu nhập. “Quy định đảm bảo số giờ làm thêm không quá 200 giờ trong 1 năm và với một số trường hợp đặc biệt không quá 400 giờ/năm như Tờ trình của Chính phủ theo tôi là phù hợp. Mặc dù xu hướng thế giới là giảm giờ làm nhưng còn phụ thuộc vào điều kiện của từng nước, ở nước ta thì cứ tính toán tăng vào thời điểm này, sau này nếu kinh tế khá lên, năng suất lao động tăng thì sẽ điều chỉnh giảm đi”, Ông Xuân nói.

Tăng tuổi nghỉ hưu: Chuẩn bị để “đi trước đón đầu” quá trình già hóa dân số

Về tuổi nghỉ hưu, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, theo đánh giá cơ quan y tế thế giới ở Việt Nam tất cả những người về hưu (nữ ở tuổi 55, nam ở tuổi 60) vẫn còn 42% số người đó tham gia thị trường lao động để tạo thêm thu nhập và bản thân. NLĐ làm việc theo HĐLĐ nhưng hưởng 2 ngân sách: lương hưu và tiền lương (bao gồm cả chi trả BHXH, BHYT).

Theo ông Lợi, tăng tuổi nghỉ hưu là hợp lý, vì đến năm 2039 nguồn nhân lực Việt Nam bắt đầu đến giai đoạn già hóa, đặc biệt theo nghiên cứu thì đến năm 2049 Việt Nam giống Nhật Bản bây giờ (1 người gánh 3 người) nên chúng ta cần chuẩn bị “đi trước đón đầu” để tiếp cận quá trình già hóa dân số. Về tuổi nghỉ hưu, hiện nay đưa ra 2 phương án, nhưng thực chất đây là 2 phương án của lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu (chỉ có 1 phương án là nam tăng lên 62, và nữ 60), chỉ là “bước đi” nhanh hơn hay chậm hơn mà thôi. “Chúng tôi đang nghiêng về lộ trình tăng chậm hơn để tránh sốc cho thị trường lao động. Hiện các nước như Việt Nam cứ 1,2 triệu vào khu vực sản xuất kinh doanh thì có 400.000 người ra khỏi khu vực nghỉ hưu và dần tăng lực lượng lao động”, ông Lợi cho biết.

Phó Chủ nhiệm UBCVĐXH của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tăng tuổi nghỉ hưu

Liên quan điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, đại biểu Nguyễn Hữu Chính, Chánh án tòa án Nhân dân TP Hà Nội (đoàn Hà Nội) cho biết, ông nhất trí với phương án điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, “Tăng tuổi nghỉ hưu để ứng phó với quá trình già hóa dân số, bảo đảm an toàn cho quỹ BHXH, đồng thời, giảm bớt khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa phụ nữ và nam giới, đảm bảo bình đẳng giới, theo tôi là cần thiết. Tôi cho rằng, phương án 1 là tối ưu vừa tránh sốc cho thị trường lao động, vừa đảm bảo không ảnh hưởng đến cơ hội việc làm cho những người kế cận”, ông Chính nói.

Cũng liên quan đến vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Tới (đoàn Bạc Liêu) đánh giá cao lộ trình tăng là rất khoa học. Các bộ ngành cũng nghiên cứu về thể trạng của người VN, tình hình hiện nay để tính lộ trình tăng này, tuy nhiên ông bày tỏ băn khoăn tuổi nghỉ hưu tăng cao, liệu có hạn chế cơ hội việc làm của lớp trẻ mới ra trường không?

Ông Hoàng Văn Trà (đoàn Phú Yên) nhấn mạnh, tăng tuổi nghỉ hưu là xu thể tất yếu, không thể khác được đâu. Vì tuổi thọ bình quân, kể cả tuổi thọ sức khỏe cũng cao lên, điều này là chung cho tất cả các quốc gia khác. Ông nhấn mạnh, trong tài liệu tham khảo thì nhiều nước tăng tuổi nam – nữ bằng nhau. Tuy nhiên, phải thuyết minh thêm là vì sao tuổi nghỉ hưu nam – nữ phải cách nhau 5 tuổi.

Ông Trà cũng lưu ý, trong dự luật có nói đến quyền được nghỉ hưu sớm, nhưng phải nói rõ hơn. “Thực tế, trong cơ quan nhà nước có người chỉ đi đi về về không làm thêm được gì, muốn nghỉ lắm nhưng chế độ chính sách không thực hiện được. Người này về mới giải quyết được việc làm cho người khác, thế nhưng lại... không về được. Trong khi có người muốn về thì lại không về được, vì lương thiếu, chưa đủ tháng, chưa đủ ngày”, đại biểu đoàn Phú Yên phân tích và nêu, những đối tượng này không làm được gì nhưng lại chiếm một vị trí, mà vị trí đó muốn bổ nhiệm người mới lên lại không có. Ông ví dụ, một Phó Giám đốc sở muốn về lắm mà không về được, trong khi một trưởng phòng muốn “lên” không lên được”. Cho nên, chỗ này phải quy định “mềm” hơn một chút về quyền nghỉ sớm hơn một chút, hoặc muộn hơn một chút.

Bài: Châu Giang- Thanh Nhung; Ảnh: Mạnh Dũng

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/sua-doi-co-ban-toan-dien-bo-luat-lao-dong-dap-ung-nhu-cau-thuc-tien-d98431.html