Sửa đổi căn bản, toàn diện Luật đất đai 2013

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung để làm cơ sở định hướng sửa đổi căn bản, toàn diện Luật đất đai 2013.

“Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung làm cơ sở để Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết mới làm định hướng sửa đổi căn bản, toàn diện Luật đất đai 2013”. Đây là chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020; triển khai nhiệm vụ năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ các năm tiếp theo ngành Tài nguyên và Môi trường tổ chức sáng 30/12, tại Hà Nội.

2020 là một năm hết sức đặc biệt với thế giới và Việt Nam. Thiên tai dưới tác động của biến đổi khí hậu, cộng thêm dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong bối cảnh đó, với tinh thần “kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân”, ngành Tài nguyên và Môi trường không chỉ hoàn thành nhiệm vụ đề ra trong năm 2020 mà còn hoàn thành sớm các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra trong kế hoạch 5 năm 2016 - 2021.

Nhiều điểm nghẽn về cơ chế chính sách trong quản lý tài nguyên đã được ngành tham mưu, trình Đảng, Quốc hội và Chính phủ xem xét, tháo gỡ, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn. Nhiều chủ trương, chính sách lớn mang tầm chiến lược dài hạn đã được ban hành, góp phần giải quyết hài giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên cho phát triển đất nước.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường vì đã có thành tích trong công tác năm 2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. (Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường)

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường vì đã có thành tích trong công tác năm 2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. (Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường)

Trong đó, nổi bật là Luật Bảo vệ môi trường 2020 với tư duy, cách tiếp cận đột phá trong công tác bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, điểm sáng năm 2020 là Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi được thông qua. Có thể nói, Quốc hội đã rất sáng suốt khi thông qua bộ luật này. Bởi vì bộ luật đã tiếp cận được với những tiêu chuẩn quốc tế, không chỉ ở trong khu vực ASEAN mà cả quốc tế về bảo vệ môi trường.

“Công tác cải cách thể chế của Bộ đã được cộng đồng doanh nghiệp, các Hiệp hội doanh nghiệp đánh giá rất cao. Điểm lớn nữa mà cộng đồng doanh nghiệp nhận thấy là Bộ Tài nguyên và Môi trường rất tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong phát triển bền vững”, ông Vinh chỉ rõ.

Năm 2020 với bối cảnh nguồn thu ngân sách khó khăn nhưng nguồn thu từ đất đai vẫn đạt 133% kế hoạch, khoảng sản đạt 112%. Cùng với đó, các quyết sách về ứng phó với biến đổi khí hậu được chủ động đề xuất, thúc đẩy triển khai có hệ thống với tầm nhìn chiến lược; công tác dự báo khí tượng thủy văn được tập trung hiện đại hóa, nâng cao chất lượng để các Bộ, ngành, địa phương chủ động phương án sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Chỉ tính riêng đợt hạn mặn năm 2019 – 2020, mức độ ảnh hưởng lớn gấp 2 - 2,5 lần năm 2016, nhưng mức độ thiệt hại giảm 9,6%.

“Chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường đã được tập trung hoàn thiện; phương thức quản lý được đổi mới, chuyển trọng tâm từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa các nguy cơ ô nhiễm từ giai đoạn đầu tư, giám sát chặt chẽ nguồn thải lớn. Kết quả công tác bảo vệ môi trường đã có sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động, chất lượng các thành phần môi trường được cải thiện, đóng góp cho tăng trưởng bền vững, đặc biệt sau sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung năm 2016”, Bộ trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chỉ rõ.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả nhưng ngành tài nguyên và môi trường cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, thách thức trong giải quyết những vấn đề phát sinh về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đối khí hậu như tình trạng: suy thoái, suy giảm tài nguyên đất đang diễn ra ở nhiều nơi do các động của biến đổi khí hậu và hoạt động phát triển thiếu bền vững của con người.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong năm 2021 cần thực hiện một số nhiệm vụ, như tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến lĩnh vực tài nguyên môi trường; đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung để làm cơ sở để Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết mới làm định hướng sửa đổi căn bản, toàn diện Luật đất đai 2013.

“Trong thời gian tới tôi đề nghị Bộ tập trung tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 19 của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai, trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. Trên cơ sở đó đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung để làm cơ sở cho Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết mới làm định hướng sửa đổi căn bản, toàn diện Luật đất đai 2013. Vấn đề này cũng đã được bàn trong Chính phủ, Quốc hội và là vấn đề rất khó yêu cầu phải tổng kết và đánh giá”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai có hiệu quả Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh. Tập trung rà soát xử lý tình trạng dự án chậm triển khai ở địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh việc cấp Giấy chứng nhận đối với diện tích còn lại cần phải cấp; nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai./.

Quang Huy/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/sua-doi-can-ban-toan-dien-luat-dat-dai-2013-827633.vov