Sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật về quốc phòng, đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tổ chức bộ máy

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại chiều ngày 28/5, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đồng tình với việc cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật về lĩnh vực quốc phòng theo quy trình một kỳ họp, tại Kỳ họp thứ 9. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị rà soát lại toàn bộ các luật về lĩnh vực quốc phòng, an ninh để sửa đổi, phục vụ cho việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy.

Toàn cảnh Phiên họp toàn thể lần thứ 2 Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại

Toàn cảnh Phiên họp toàn thể lần thứ 2 Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự, phát biểu chỉ đạo Phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự, phát biểu chỉ đạo Phiên họp

Chiều ngày 28/5 tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự, phát biểu chỉ đạo Phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại, thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc phòng; Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; Luật Nghĩa vụ quân sự; Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Phòng không nhân dân; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Phòng thủ dân sự; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Dân quân tự vệ; Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh (sau đây viết gọn là dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của 11 luật).

Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có đồng chỉ Trung tướng Thái Đại Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ Quốc phòng; đồng chí Vũ Hải Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Quốc hội, đồng chí Giàng Páo Mỉ, Bí thư Lai Châu, thành viên Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại.

Tham dự Phiên họp còn có các đồng chí là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại, Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban, đại diện Hội đồng dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan soạn thảo, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Văn phòng Trung ương Đảng, Tổ biên tập dự án luật và các cơ quan có liên quan.

Khắc phục sự chồng chéo, vướng mắc, bất cập, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự

Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại phát biểu khai mạc Phiên họp

Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại phát biểu khai mạc Phiên họp

Phát biểu khai mạc phiên họp, Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại cho biết, đây là dự án Luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã chỉ đạo Cơ quan soạn thảo khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo đúng quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025.

“Việc ban hành Luật là nhằm thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về tiếp tục sắp xếp tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang địa phương, quân sự, biên phòng, khắc phục sự chồng chéo, vướng mắc, bất cập trong tổ chức và thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc từ cơ sở, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, biên phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới nhấn mạnh.

Với tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới mong muốn, các đồng chí thành viên Ủy ban, đại diện các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và khách mời tham dự phiên họp tích cực tham gia ý kiến thẳng thắn đối với Tờ trình, nội dung dự thảo Luật để Ủy ban hoàn thiện Báo cáo thẩm tra.

Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với việc xem xét, thông qua dự án Luật

Trung tướng Thái Đại Ngọc, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, đại diện cơ quan soạn thảo

Trung tướng Thái Đại Ngọc, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, đại diện cơ quan soạn thảo

Trình bày Tờ trình tóm tắt của Chính phủ về dự án Luật, Trung tướng Thái Đại Ngọc, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, từ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn, để bảo đảm tính hợp hiến, đồng bộ của hệ thống pháp luật, việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung 11 Luật liên quan về quân sự, quốc phòng là hết sức cần thiết. Trong đó, về cơ sở thực tiễn, Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, việc kịp thời sửa đổi, bổ sung các Luật để bảo đảm thống nhất là cần thiết. Mặt khác, tổ chức Quân đội đã được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, hiệu lực bảo đảm phù hợp với chính quyền địa phương 02 cấp. Thứ hai, việc sáp nhập một số ban, bộ, ngành trung ương đã thay đổi về tên gọi và trách nhiệm trong việc thực hiện các luật về quân sự, quốc phòng. Thứ ba, thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2020 của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Do vậy, một số nội dung cần được sửa đổi, luật hóa để triển khai thực hiện thống nhất, thuận lợi.

“Mục đích ban hành Luật nhằm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, định hướng trong các Văn kiện, Nghị quyết của Đảng, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) liên quan đến việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp”, Trung tướng Thái Đại Ngọc nhấn mạnh.

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Dự án Luật tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều về vị trí, vai trò, thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quân sự, quốc phòng liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp để bảo đảm thống nhất với quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và các quy định của pháp luật có liên quan. Dự thảo Luật gồm 12 điều, trong đó có 11 điều sửa đổi, bổ sung 11 Luật và 01 điều về hiệu lực thi hành. Căn cứ quy định tại khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 50 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025, Chính phủ trân trọng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với việc xem xét, thông qua dự án Luật.

Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9

Theo Báo cáo tóm tắt Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật với những cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về tiếp tục sắp xếp tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, bảo đảm phù hợp, thống nhất trong hệ thống pháp luật khi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 và các luật liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước.

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Thường trực Ủy ban nhận thấy, hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành VBQPPL năm 2025; đồng thời, nhất trí trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Luật tại Kỳ họp thứ 9 theo quy trình, thủ tục rút gọn. Các chính sách quy định tại dự thảo Luật nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; sắp xếp, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 02 cấp. Tuy nhiên, có ý kiến để nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng phạm vi và các nội dung sửa đổi, bổ sung đối với 11 luật, các luật trong lĩnh vực quốc phòng, quân sự (17 luật) và pháp luật có liên quan để báo cáo Chính phủ có chỉ đạo để kịp thời sửa đổi, bổ sung luật đó để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Rà soát các luật về lĩnh vực quốc phòng, an ninh để sửa đổi, phục vụ việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo Phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo Phiên họp

Phát biểu chỉ đạo Phiên họp, thay mặt UBTVQH, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đánh giá cao Chính phủ đã khẩn trương chỉ đạo xây dựng, trình Quốc hội đề nghị xem xét thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật về lĩnh vực quốc phòng. Cho rằng, việc trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật tại 1 Kỳ họp với quy trình rút gọn là phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong điều kiện cấp bách, giải quyết những vướng mắc, phù hợp với các kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về sắp xếp tổ chức bộ máy. Về cơ bản, Phó Chủ tịch Quốc hội nhất trí với Tờ trình, dự thảo luật Chính phủ trình và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng, An ninh, Đối ngoại.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của dự án Luật chủ yếu phục vụ sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy. Ngoài những nội dung liên quan đến hệ thống tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trong dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại toàn bộ các luật về lĩnh vực quốc phòng, an ninh để sửa đổi, phục vụ cho việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, chứ không chỉ cho việc thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, đảm bảo thống nhất với các dự án Luật đang trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo Phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo Phiên họp

Ngoài dự án Luật này, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật rà soát các luật có liên quan đến đến lĩnh vực quân sự, quốc phòng thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành khác để đề xuất với các bộ, ngành rà soát, sửa đổi vào thời điểm hợp lý. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao dự thảo Luật đã quy định cụ thể việc chuyển giao nhiệm vụ phục vụ sắp xếp, kiện toàn bộ máy; đề nghị nghiên cứu kỹ, rà soát, thống kê các nhiệm vụ trong các luật, bảo đảm rõ ràng, minh bạch hơn.

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại tiếp thu, tổng hợp các ý kiến; phối hợp với cơ quan soạn thảo rà soát, bổ sung những nội dung còn thiếu, phát huy truyền thống gắn bó đoàn kết “từ sớm, từ xa”, hoàn thiện Báo cáo tiếp thu, giải trình. Nhấn mạnh, sau thảo luận tại Tổ, phải có dự kiến Báo cáo tiếp thu, giải trình ngay để cho các đại biểu Quốc hội nghiên cứu./.

Khắc Phục - Vũ Hiếu

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=94353