Sửa đổi, bổ sung các chính sách hiện hành cho quản lý rừng bền vững

Ngày 13-10, tại Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu và Tư vấn Quản lý Tài nguyên (CORENARM) và Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp tổ chức hội thảo 'Chính sách, đầu tư và quản lý bền vững hệ thống rừng phòng hộ Việt Nam', nhằm hỗ trợ quá trình hoạch định chính sách lâm nghiệp cấp quốc gia và cấp tính cho hệ thống rừng phòng hộ (RPH).

Tại hội thảo, TS Nguyễn Quốc Dựng, Viện Điều tra, Quy hoạch Rừng cho biết, RPH Việt Nam có diện tích 4,6 triệu ha, phòng hộ cho gần 4000 con sông, 385 công trình thủy điện cùng hàng trăm hồ tự nhiên khác. Tuy nhiên, diện tích và chất lượng RPH ở nhiều địa phương đang có xu hướng giảm sút, do chịu sự tác động của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, trong khi năng lực và đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ rừng còn nhiều bất cập. Ngoài ra, chính sách hưởng lợi từ việc quản lý bảo vệ rừng, đảm bảo đời sống kinh tế cho người dân sống gần rừng nhằm giảm áp lực lên diện tích RPH vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.

 Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Theo ông Đồng Anh Đài, chuyên viên Vụ quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Luật Lâm nghiệp 2017 quy định nhiệm vụ rừng phòng hộ gồm: Bảo vệ nguồn nước, đất, hạn chế thiên tai… và cung ứng các dịch vụ môi trường rừng. Tuy nhiên, một số địa phương ven biển đặt mục tiêu phát triển kinh tế nên đã chuyển đổi đai rừng phòng hộ thành khu nghỉ dưỡng, chế xuất… dẫn đến việc giảm diện tích rừng, gây hạn chế chức năng phòng hộ. Ông Đài nhấn mạnh, cần có những định hướng quản lý cụ thể về chính sách và quản lý rừng phòng hộ, như xây dựng nội dung chiến lược phát triển rừng phòng hộ giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn đến 2040, tích hợp chiến lược phát triển lâm nghiệp.

Phát biểu tại hội thảo, chuyên gia lâm nghiệp Đoàn Diễm cho rằng, các chính sách hiện hành cần sửa đổi bổ sung để hỗ trợ quản lý rừng bền vững. Theo đó, để xác định diện tích RPH ổn định, cần bổ sung các tiêu chí xác lập RPH và tiến hành rà soát lại quy hoạch RPH của các tỉnh theo các tiêu chí mới. Bên cạnh đó, cần thống nhất mức khoán bảo vệ rừng trung bình hằng năm là 400 nghìn đồng/ha cho tất cả các chương trình, dự án. Ông Diễm cũng nhấn mạnh, cần bổ sung chính sách tín dụng hỗ trợ sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp trên đất RPH cho các ban quản lý rừng và hộ gia đình vùng nông thôn miền núi và dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 – 2030.

Tin, ảnh: MAI THU HƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/sua-doi-bo-sung-cac-chinh-sach-hien-hanh-cho-quan-ly-rung-ben-vung-640689