Sửa đổi bộ luật không được làm mất đi các quyền lợi người lao động

Ngày 21.3, tại Hà Nội, Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2012 (sửa đổi).

 Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Xuân Trường

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Xuân Trường

Các đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch LĐLĐ TP. Hà Nội và Lê Đình Hùng - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP. Hà Nội chủ trì hội nghị.

Các đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN và Lê Đình Hùng - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP. Hà Nội chủ trì hội nghị. Ảnh: Xuân Trường

Dự hội nghị còn có các đồng chí Phạm Bá Vĩnh - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP. Hà Nội; Nguyễn Quốc Khánh - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH; Đàm Thị Hòa - Phó Giám đốc BHXH TP. Hà Nội; lãnh đạo và cán bộ phụ trách công tác chính sách pháp luật LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, CĐ ngành trực thuộc LĐLĐ TP. Hà Nội…

Đồng chí Tạ Văn Dưỡng phát biểu đề dẫn tại hội nghị. Ảnh: Xuân Trường

Phát biểu đề dẫn tại hội nghị, đồng chí Tạ Văn Dưỡng - Trưởng ban Chính sách Pháp luật LĐLĐ TP. Hà Nội cho biết, quan điểm của LĐLĐ TP. Hà Nội là khi tham gia sửa đổi BLLĐ 2012, phải kiên trì và quán triệt 3 nguyên tắc: Thứ nhất, khi sửa đổi BLLĐ không làm suy giảm và mất đi các quyền lợi của người lao động (NLĐ) đã được pháp luật khẳng định trong thực tiễn thi hành.

Thứ hai, tạo khung pháp lý thuận lợi hơn nữa cho hoạt động của tổ chức CĐ trong quan hệ lao động. Thứ ba, khi xây dựng luật phải xác định NLĐ là thế “yếu” để có những quy định cho phù hợp, thể hiện bản chất nhân văn tốt đẹp của chế độ XHCN của nước ta.

Chủ tịch LĐLĐ huyện Hoài Đức Đồng Thị Nga phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Trường

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đồng Thị Nga - Chủ tịch LĐLĐ huyện Hoài Đức và một số đại biểu cho rằng, NLĐ có quyền chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần nêu lý do; tuy nhiên, phải báo trước để người sử dụng lao động bố trí người thay thế. Về giờ làm thêm cần để doanh nghiệp chủ động nếu được NLĐ đồng ý... Các tranh chấp lao động cần phải qua hòa giải...

Tuy nhiên, Chủ tịch CĐ Cty CP Dệt May Pacific Nguyễn Tràng Huy cũng cho rằng, thu nhập NLĐ thấp, nên khi có đơn hàng, muốn làm thêm tới 400 giờ cũng là cần thiết...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu đánh giá cao hội nghị và cho rằng việc lấy ý kiến của cán bộ CĐ là cần thiết; đồng thời mong các đại biểu quan tâm tới cả những vấn đề nhỏ mà NLĐ quan tâm; các CĐCS cần lấy ý kiến của NLĐ về dự thảo BLLĐ năm 2012 (sửa đổi).

Xuân Trường

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/sua-doi-bo-luat-khong-duoc-lam-mat-di-cac-quyen-loi-nguoi-lao-dong-663670.ldo