Sửa điểm thi ở Sơn La: Vô lý khi 2,7 tỷ...'vô chủ'

Các bị can nộp lại 2,7 tỷ đồng vì đây là tiền đã nhận để sửa điểm thi, cơ quan điều tra không xác định được người đưa tiền.

Ngày 12/7/2019, trao đổi với Đất Việt về bản truy tố 6 bị can trong vụ sửa điểm thi kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại Sơn La, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng có nhiều điểm chưa được làm rõ, cơ quan công an cần phải tiếp tục điều tra để làm rõ.

Đáng lưu ý trong đó là tình tiết các bị can khai nhận sửa điểm thi là do vụ lợi cá nhân, hưởng lợi nhiều tỷ đồng từ người thân của thí sinh. Để khắc phục hành vi minh đã gây ra, các bị can đã nộp lại số tiền 2,7 tỷ đồng đã nhận từ người thân của thí sinh cho cơ quan điều tra.

Tuy nhiên, khi làm việc với người thân của thí sinh, không ai thừa nhận đã chi tiền để sửa điểm cho con, cháu mình.

Cáo trạng của VKSND tỉnh Sơn La khẳng định cơ quan chức năng không đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự các bị can về tội nhận hối lộ. Bên cạnh đó những trường hợp liên quan đến tội danh đưa hối lộ và môi giới hối lộ cũng không được chứng minh.

Ông Trần Xuân Yến (áo trắng) - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La là một trong những bị can liên quan đến vụ sửa điểm thi kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại Sơn La.

Ông Trần Xuân Yến (áo trắng) - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La là một trong những bị can liên quan đến vụ sửa điểm thi kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại Sơn La.

Ông Hùng cho rằng, đây chính là điểm mâu thuẫn. Bởi trong lời khai của các bị can có thừa nhận hành vi hối lộ thì phải có người hối lộ hoặc môi giới hối lộ.

"Các bị can không thể tự ý bịa ra lời khai để tự đưa mình vào tội danh với khung hình phạt nặng hơn với tội danh đã bị cơ quan chức năng truy tố. Như vậy lời khai của các bị can có nhiều điểm đáng tin cậy hơn" - ông Hùng bày tỏ.

Tuy nhiên, để kết tội thì cũng cần phải có bằng chứng cụ thể, không chỉ dựa vào lời khai của các bị can và những người liên quan. Chính vì thế, cơ quan điều tra phải đặt ra giả thiết lời khai của các bị can là giả nhằm đánh lạc hướng cơ quan chức năng.

Ông Hùng cho rằng: "Cơ quan chức năng phải tiếp tục điều tra làm rõ lời khai của các bị can. Khi có nhiều điểm mâu thuẫn thì chưa thể kết thúc vụ án. Cần phải làm rõ từng chi tiết để xử đúng tội danh, không bỏ lọt tội phạm".

Luật sư Nguyễn Minh Long - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cũng cho rằng, việc làm rõ mục đích lời khai của các bị can trong vụ sửa điểm thi kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại Sơn La về việc nhận tiền sửa điểm là rất cần thiết. Cần phải đặt ra câu hỏi, số tiền 2,7 tỷ đã nộp từ đâu ra và phục vụ mục đích gì?

Nếu không chứng minh được có người đưa hối lộ, môi giới hối lộ thì cũng không thể khởi tố các bị can tội môi giới nhận hối lộ - một tội danh có khung hình phạt cao hơn tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

"Nếu không chứng minh được động cơ, mục đích của các bị can và những người có liên quan đồng thời không chứng minh được nguồn gốc của số tiền 2,7 tỷ đó thì rất khó xác định chính xác bản chất của vụ án và tội danh đối với các bị can" - luật sư Long nói.

Theo luật sư Nguyễn Minh Long, nếu cơ quan điều tra không chứng minh được có hành vi đưa tiền trực tiếp của các phụ huynh như lời khai của các bị can hoặc không chứng minh được có hành vi đưa tiền qua trung gian (môi giới) và không có đủ cơ sở cấu thành tội nhận hối lộ thì số tiền 2,7 tỷ đồng mà các bị can đã nộp không phải là tang vật của vụ án, được hoàn trả lại cho người đã giao nộp.

Tuy nhiên trong vụ án này, số tiền các bị can giao nộp cho cơ quan cảnh sát điều tra đến nay được xác định là tiền do vụ lợi mà có do đó các bị can bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tội danh này được xác lập và tuyên án thì số tiền 2,7 tỷ đồng sẽ được xác định là tiền do vụ lợi mà có nên sẽ bị tịch thu chứ không trả lại cho các bị can.

Vân Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/sua-diem-thi-o-son-la-vo-ly-khi-27-tyvo-chu-3383694/