Sửa điểm thi ở Hòa Bình: Công khai có chọn lọc!

ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng thí sinh có bài thi bị sửa quan hệ họ hàng, người thân của cán bộ đương chức thì cần phải công khai.

Ngày 16/3/2019, trao đổi với Đất Việt, ĐBQH Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc công khai danh tính thí sinh liên quan đến vụ việc sửa điểm thi ở Hòa Bình cần phải được cân nhắc. Bởi, không phải thí sinh nào cũng biết bài thi của mình bị sửa khiến điểm cao bất thường.

"Trong số những bài thi bị sửa, số điểm chênh lệch khoảng 1 - 2 điểm. Với số điểm này, thí sinh cũng rất khó nhận thấy sự bất thường về điểm số bài thi của mình nên khó có thể kết luận được, thí sinh đó có biết việc sửa điểm nhưng không có tố cáo hay che giấu sự việc hay không.

Chính vì thế, tùy vào trường hợp của từng thí sinh mà cơ quan chức năng nên cân nhắc có nên công khai danh tính hay không" - ĐBQH Phạm Văn Hòa nói.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hòa Bình cho rằng, việc không công bố danh tính các em thí sinh có bài thi bị sửa điểm là vì vấn đề nhân đạo, sợ các em bị tổn thương.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hòa Bình cho rằng, việc không công bố danh tính các em thí sinh có bài thi bị sửa điểm là vì vấn đề nhân đạo, sợ các em bị tổn thương.

Trong vụ việc này có nhiều ý kiến dư luận cho rằng việc sửa điểm thi ở Hòa Bình liên quan đến tình trạng "con ông cháu cha", có nhiều cán bộ lãnh đạo đương chức tác động tới công tác chấm thi. ĐBQH Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, ý kiến này không phải không có cơ sở.

Ông Hòa cho biết: "Không phải tự nhiên mà người ta sửa diểm thi cho con, cháu mình. Phải có tiền, có quan hệ hay có thứ gì đó tác động thì các đối tượng mới mạo hiểm để sửa bài thi như vậy.

Có nhiều tác động dưới các dạng khác nhau như tiền bạc, tình cảm và sự nể nang của cấp dưới dành cho cấp trên... Chính vì thế cần làm rõ vấn đề này".

Để làm rõ được, theo ông Hòa, cơ quan chức năng cần công khai danh tính những thí sinh mà có quan hệ thân thiết với các cán bộ, lãnh đạo đương chức trong các cơ quan Nhà nước hiện nay. Có như thế thì việc xử lý mới diễn ra được khách quan, dư luận cũng không phải nghi ngờ, đồn đoán làm nhiễu loạn thông tin.

Ông Hòa tin rằng: "Với nghiệp vụ của cơ quan cảnh sát điều tra thì việc xác định thí sinh có bài thi sửa điểm là con, cháu của cán bộ nào là điều không phải không làm được. Hơn nữa, các bị cáo cũng sẽ khai thành khẩn để giảm nhẹ tội thì sẽ ra ngay những trường hợp ai chạy chọt, tác động để sửa bài thi".

Nói về vấn đề này, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng thì bày tỏ, việc không công bố danh tính các thí sinh có bài thi sửa điểm ở kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại Hòa Bình là nhân đạo với vi phạm.

"Tôi không đồng tình với quan điểm không công bố danh tính các thí sinh gian lận thi cử vì mục đích nhân đạo. Xin được hỏi, anh nhân đạo với ai? Anh nhân đạo với vi phạm à? Giấu đi vì nhân đạo, vậy những người khác là nạn nhân của họ thì sao? Xã hội trở thành “con tin” của những hành vi sai phạm thì tính sao?" - ông Nhưỡng đặt ra hàng loạt câu hỏi.

Ông Nhưỡng cho biết, có bao nhiêu trường hợp vào đại học bằng con đường gian lận thì cũng có bấy nhiêu người trở thành nạn nhân của hành vi vi phạm này.

Vị ĐBQH này tin rằng, việc công bố danh tính sẽ không làm cho các em học sinh bị ảnh hưởng gì. Bởi, các em đã trên 18 tuổi, không còn trẻ nữa, đã có bản lĩnh rồi. Vả lại trong trường hợp này hoàn toàn mang yếu tố hành chính, họ có phải tội phạm đâu mà sợ ảnh hưởng tới tương lai?

Vân Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/sua-diem-thi-o-hoa-binh-cong-khai-co-chon-loc-3376439/