Sửa cơ chế đặc thù về tài chính, ngân sách đối với TP Đà Nẵng

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 144/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bộ Tài chính cho biết, để thành phố Đà Nẵng phát triển, trong thời gian qua Đảng, Chính phủ đã có nhiều Nghị quyết, cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, tổng kết 20 năm xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng và 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16 tháng 10 năm 2003 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã chỉ ra rằng trước bối cảnh thách thức của yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của quá trình hội nhập cạnh tranh quốc tế thì còn có một số hạn chế như cơ chế, chính sách đặc thù cho Đà Nẵng chậm được ban hành, một số rào cản, vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời; các thách thức về công tác quản lý như: quy hoạch đô thị và đất đai; nguồn vốn đầu tư phát triển chưa đáp ứng nhu cầu; thu hút đầu tư nước ngoài còn hạn chế; sự liên kết hợp tác chưa hiệu quả của thành phố với các địa phương trong vùng,…đã và đang ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của Thành phố.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 3710/VPCP-KTTH ngày 12/5/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc giao Bộ Tài chính chủ trì rà soát, sửa đổi bổ sung Nghị định số 144/2016/NĐ-CP quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định; sau khi tổng hợp ý kiến tham gia của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính trình Chính phủ dự thảo Nghị định của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 144/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng như sau:

Dự thảo đề xuất: Thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ quỹ dự trữ tài chính của thành phố, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho Thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách Thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Theo Bộ Tài chính, cơ chế này giúp Thành phố tăng tính chủ động, kịp thời bố trí vốn cho các dự án theo tiến độ. Thành phố có thêm dư địa được vay, phù hợp với bối cảnh thực hiện đẩy mạnh cơ chế cho chính quyền địa phương vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài, thay vì cấp phát như trước đây, vay từ quỹ dự trữ tài chính,... theo đó Thành phố đảm bảo có nguồn lực để đầu tư phát triển thành phố theo mục tiêu của Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị.

Đồng thời giúp Thành phố tăng nguồn lực, đảm bảo chủ động được nguồn lực để đầu tư phát triển, trong đó tập trung nguồn vốn để đầu tư các dự án xây dựng cơ bản, dân sinh bức xúc trong lĩnh vực môi trường, cấp thoát nước, giao thông đô thị, y tế, giáo dục,...thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội hướng tới xây dựng Thành phố trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên, của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất bãi bỏ khoản 3 Điều 5 Nghị định số 144/2016/NĐ-CP, do đã được điều chỉnh tại khoản 1 Điều 9 Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Mời bạn đọc xem toàn văn hồ sơ đề nghị và góp ý tại đây.

KL

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/chinh-sach-moi/sua-co-che-dac-thu-ve-tai-chinh-ngan-sach-doi-voi-tp-da-nang/408024.vgp