Sửa chữa những ngôi trường trăm tuổi: Vướng quy định về bảo tồn?

TPHCM và miền Tây có nhiều ngôi trường trăm tuổi, trong số đó có trường đã xuống cấp. Việc trùng tu, sửa chữa những ngôi trường này đang là bài toán khó cho ngành Giáo dục và chính quyền địa phương…

Trường THPT Châu Văn Liêm (TP Cần Thơ) được xây mới và giữ nguyên kiến trúc cũ.

Trường THPT Châu Văn Liêm (TP Cần Thơ) được xây mới và giữ nguyên kiến trúc cũ.

Âu lo từ những ngôi trường trăm tuổi

Tại TPHCM có nhiều ngôi trường tuổi đời hơn 100 năm đã và đang xuống cấp nghiêm trọng vì thiếu kinh phí, vướng khâu trùng tu, bảo tồn. Điển hình như Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TPHCM), dù chưa phải là di tích lịch sử cấp thành phố (mới chỉ nằm trong danh sách kiểm kê di tích lịch sử) nhưng việc tôn tạo, sửa chữa một phần mái ngói, phòng thí nghiệm bị hư hại do cây ngã đổ từ tháng 8/2020 đến nay vẫn chưa xong.

Vướng Luật Di sản văn hóa trong việc sửa chữa, trùng tu là nguyên nhân chính khiến các ban, ngành liên quan chưa thể tiến hành sửa chữa khu vực bị hư hại tại Trường THPT Trưng Vương. Theo ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TPHCM, việc tu bổ các di tích phải bảo đảm giữ đúng nguyên trạng di tích, các giá trị nghệ thuật, văn hóa như ban đầu. Ông Nam thông tin: Toàn thành phố có 178 di tích đã xếp hạng, trong đó 2 di tích quốc gia đặc biệt, 57 di tích quốc gia (vừa thêm trụ Sở UBND TP), 119 di tích cấp thành phố.

Về phía các trường học thuộc danh mục di tích cấp thành phố phải bảo vệ và duy tu hàng năm có 7 trường: THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT Marie Curie, THPT Lê Quý Đôn (quận 3), THCS Võ Trường Toản và THPT Trần Đại Nghĩa (quận 1), THCS Hồng Bàng, THPT Lê Hồng Phong (quận 5). Ngoài ra, thành phố còn hơn 110 công trình, địa điểm thuộc danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh giai đoạn 2016 - 2020 (Trường THPT Trưng Vương có trong danh sách này). Những di tích này theo ông Võ Trọng Nam đều được bảo vệ, phân bổ ngân sách sửa chữa, trùng tu nếu phải đối mặt với sự xuống cấp, hư hại như 119 di tích lịch sử cấp thành phố khác.

Đối với Trường THPT Trưng Vương, dù chưa được xếp hạng nhưng vẫn được ứng xử bảo tồn như di tích vì đã nằm trong danh mục kiểm kê, bảo tồn. Tuy nhiên, công tác sửa chữa ra sao vẫn cần có sự phối hợp, thẩm định của nhiều sở, ngành liên quan theo đúng quy định…

Nói về công tác bảo tồn, trùng tu và bảo vệ di sản, bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa TPHCM nhìn nhận: Đây là công tác đầy khó khăn với rất nhiều ràng buộc và quy định. Bởi việc sửa chữa, trùng tu di sản chịu sự chi phối và quản lý bởi các điều luật trong Luật Di sản Văn hóa thì công tác bảo tồn, trùng tu di sản còn phải đối mặt nhiều lý do khách quan, lẫn chủ quan. “TPHCM quan tâm công tác lập hồ sơ, xếp hạng, trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích. Tuy nhiên, việc tu bổ, sửa chữa di tích không chỉ đơn giản là khôi phục lại như mới một công trình kiến trúc cổ truyền, mà là sự tổng hợp của nhiều mặt hoạt động phức tạp có quan hệ qua lại rất chặt chẽ như: Nghiên cứu, sáng tạo nghệ thuật và quá trình thi công, sản xuất”, bà Cẩm chia sẻ.

Bỏ thì thương, vương thì tội!

Nhìn nhận và đánh giá sự chậm trễ trong công tác sửa chữa, tu bổ, Trường THPT Trưng Vương, bà Lê Tú Cẩm cho rằng: Đó là điều bình thường theo nguyên tắc bảo tồn di sản (phải có sự thẩm định của Sở VH-TT&DL, Hội đồng nghệ thuật chuyên môn ý kiến, kế hoạch và phương án sửa chữa, trùng tu...). Công tác tu bổ di tích phải đáp ứng được các nhu cầu cụ thể: Giải phóng, tước bỏ khỏi di tích tất cả các lớp bổ sung xa lạ, gây ảnh hưởng xấu tới các mặt giá trị của di tích. Đặc biệt, việc sửa chữa phải luôn theo nguyên tắc giữ lại tối đa những yếu tố nguyên gốc của di tích, dựa trên cơ sở khoa học đáng tin cậy để khôi phục lại một cách chính xác những yếu tố đã bị thiếu hụt, mất mát trong quá trình tồn tại của di tích.

Tại miền Tây, có 2 trường học trên 100 năm tuổi là Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP Mỹ Tho, Tiền Giang, xây dựng từ năm 1879) và Trường THPT Châu Văn Liêm (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, xây dựng từ năm 1917). Đến nay, 2 ngôi trường này đã được trùng tu, xây dựng khang trang, vừa bảo đảm kiến trúc nguyên bản vừa an toàn.

Trước đây, việc xây dựng, trùng tu ở hai ngôi trường này vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương và giới kiến trúc. Việc đập bỏ trường cũ, xây mới theo kiến trúc vốn có hay trùng tu lại trường cũ đã gây nên làn sóng tranh luận. Sau nhiều lần cân nhắc, hai ngôi trường trăm tuổi đã được triển khai xây mới trên nền kiến trúc cũ. Song song đó, khu vực hiệu bộ, phòng truyền thống giữ khối kiến trúc của trường xưa, lớp cũ.

Như Trường THPT Châu Văn Liêm (TP Cần Thơ), phía Pháp đã 2 lần gửi Công hàm thông báo công trình đã hết niên hạn sử dụng. Sở Xây dựng Cần Thơ cũng có công văn đánh giá đánh giá hiện trạng công trình đã quá niên hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn. Sau khi lấy ý kiến từ nhiều phía, UBND TP Cần Thơ quyết định xây mới Trường THPT Châu Văn Liêm dựa hoàn toàn trên nền kiến trúc cũ, tổng mức đầu tư trên 106,8 tỉ đồng. Cuối năm 2019, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, được người dân TP Cần Thơ nhận định giữ được nét xưa của trường.

Theo ông Lê Nam Giới, nguyên Bí thư Thành ủy Cần Thơ, Trường THPT Châu Văn Liêm là một trong những công trình kiến trúc đẹp và còn tồn tại rất ít tại Việt . Do vậy, xây dựng mới ngôi trường nhưng có thể chọn giữ lại một phần của ngôi trường… Còn thầy Lê Phước Nghiệp, cựu GV Trường THPT Châu Văn Liêm cho rằng: “Cần đối xử tử tế hơn với công trình mang dấu ấn lịch sử, xây dựng mới nhưng vẫn lưu lại nét xưa là điều nên làm”.

Theo cô Trần Thị Lụa, Hiệu trưởng Trường THPT Châu Văn Liêm, do xuống cấp, trường đã phải rào chắn, không sử dụng dãy phòng ở khu A (phía đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và Trương Định), chỉ tận dụng các dãy phòng còn lại nên quy mô tuyển sinh hằng năm của trường rất hạn chế. Cơ sở vật chất không bảo đảm khiến việc nhận các thiết bị giảng dạy mới gặp khó khăn. Để nâng cao hiệu quả hoạt động dạy học, trường xây dựng lại cơ sở vật chất theo hướng đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng yêu cầu an toàn và giáo dục toàn diện cho học sinh…

Việc sửa chữa, trùng tu và bảo tồn di tích chưa bao giờ là việc dễ dàng. Bởi ngoài việc trả lại cho di tích hình dáng vốn có của nó sau khi sửa chữa thì việc sửa chữa, trùng tu phải giữ lại nguyên bản các hồn cốt về giá trị văn hóa, nghệ thuật của công trình. - Bà Lê Tú Cẩm

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/sua-chua-nhung-ngoi-truong-tram-tuoi-vuong-quy-dinh-ve-bao-ton-8PAbZRTMR.html