Sửa cầu Thăng Long: Nhà thầu nói chuyện chuyên gia Trung Quốc

Đơn vị thi công sửa mặt cầu Thăng Long cho biết, 2 người Trung Quốc tham gia vào dự án chỉ là công nhân vận hành máy.

Ngày 4/9/220, trao đổi với báo chí trước thông tin sửa mặt cầu Thăng Long bằng công nghệ Mỹ nhưng lại phải nhờ tới chuyên gia Trung Quốc, ông Lê Cảnh Hiền - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư & Xây dựng Thành Hưng, đơn vị thi công lên tiếng phủ nhận.

Theo ông Hiền, để thi công sửa mặt cầu Thăng Long theo công nghệ Mỹ, đơn vị đã phải mua máy rải bê tông siêu tính năng. Qua tham khảo thì phía đơn vị đến từ Trung Quốc có giá rẻ nhất nên đặt hàng mua.

"Theo hợp đồng, đối tác từ Trung Quốc phải đưa máy sang lắp đặt và cử nhân viên kỹ thuật sang vận hành chuyển giao cho công nhân Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay 2 công nhân kỹ thuật vận hành máy chưa thể sang Việt Nam do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Đây chỉ là 2 nhân viên kỹ thuật vận hành máy rải thảm, không liên quan đến công nghệ sửa mặt cầu Thăng Long”, ông Hiền nói rõ.

Mặt cầu Thăng Long sẽ được bóc lên để rải lớp thảm mới.

Mặt cầu Thăng Long sẽ được bóc lên để rải lớp thảm mới.

Ông Hiền cho biết thêm, tại dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long, nguyên liệu phụ gia nhập của Đức, sử dụng xi măng Nghi Sơn (Thanh Hóa), cát lấy từ Cam Ranh (Khánh Hòa).

“Tất cả các công đoạn sửa mặt cầu Thăng Long Việt Nam đã làm được hết. Có 5 chuyên gia người Việt Nam tham gia đánh giá công nghệ sửa mặt cầu Thăng Long. Hiện chúng tôi đang làm thủ tục để đón 2 kỹ thuật viên sang lắp đặt thiết bị vận hành chuyển giao.

Sau khi tiếp nhận công nghệ máy thảm, việc sửa mặt cầu Thăng Long sẽ do người Việt Nam thực hiện 100%”, ông Hiền nói.

Liên quan đến vấn đề này, GS.TS Trần Đức Nhiệm - tư vấn dự án sửa mặt cầu Thăng Long cho biết, công tác thiết kế dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long được tiến hành theo hai bước: bước lập dự án và bước thiết kế bản vẽ thi công.

Trong đó, bước lập dự án do các đơn vị của Trường Đại học GTVT và Công ty TECCO 2 đảm nhiệm, còn bước thiết kế bản vẽ thi công do liên danh Công ty TNHH GTVT (Đại học GTVT) và Công ty CP Tư vấn thiết kế Cầu Lớn - Hầm triển khai.

Để tiếp cận công nghệ này, từ thời điểm trước khi được giao nhiệm vụ làm tư vấn dự án, đầu năm 2018, Trường Đại học GTVT đã thành lập nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học của trường và có mời thêm các chuyên gia đầu ngành, trong đó có GS Nguyễn Viết Tuệ cùng tham gia.

"Tôi khẳng định, toàn bộ giải pháp thiết kế từ tính toán, kiểm nghiệm trong phòng thí nghiệm đều do các chuyên gia của Việt Nam làm, không có liên quan hay phụ thuộc gì vào công nghệ của Trung Quốc" - ông Nhiệm nói.

Trước đó, chiều ngày 31/8/2020, báo cáo với Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể về tiến độ sửa chữa mặt cầu Thăng Long (Hà Nội), đơn vị thực hiện dự án cho biết đang gặp hai khó khăn khiến dự án bị chậm.

Hai vấn đề vướng mắc lớn gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án là đinh neo đưa về dự án chậm và chuyên gia nước ngoài.

Theo thông tin cho biết, dự án sửa chữa cầu Thăng Long sẽ sử dụng công nghệ thảm lớp bê tông tính năng siêu cao (UHPC) đang được sử dụng nhiều ở Mỹ và Trung Quốc nhưng là lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam.

Dự án được chuyển giao công nghệ từ Trung Quốc. Hiện, đoàn chuyên gia tới chuyển giao công nghệ đã làm visa nhưng nay chưa có mặt tại Việt Nam do dịch Covid-19, hiện nay hàng ngày vẫn phải họp trực tuyến.

Đáng nói, việc thi công thảm bê tông mặt cầu Thăng Long phải có sự có mặt của đoàn chuyên gia Trung Quốc mới có thể triển khai trên thực tế.

Đại diện đơn vị thực hiện dự án cho biết, theo kế hoạch, ngày 5/9, một số chuyên gia bắt đầu tới Việt Nam, sau đó phải cách ly 14 ngày theo quy định. Dự kiến ngày 20/9, chuyên gia mới có mặt trực tiếp tại hiện trường để triển khai công việc.

Ngọc Mai (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/sua-cau-thang-long-nha-thau-noi-chuyen-chuyen-gia-trung-quoc-3418400/