Sửa Bộ luật Lao động: Cần lắng nghe trái tim của nền kinh tế

Việc sửa đổi Bộ luật Lao động cần lắng nghe ý kiến từ thực tiễn, phải xem trái tim của nền kinh tế đang đập như thế nào...

 Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Ảnh - Internet.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Ảnh - Internet.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm như vậy tại Hội nghị người sử dụng lao động quốc gia năm 2019 đóng góp ý kiến dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), chiều 14/10.

Ngay mở đầu, ông Vũ Tiến Lộc đã nhấn mạnh rằng, việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này cần lắng nghe ý kiến thực tiễn, phải xem trái tim của nền kinh tế đang đập như thế nào, chứ không chỉ là khát vọng, phải đứng trên đôi chân của mình và đôi chân này phải đứng trên mặt đất chứ không phải ở trên trời.

Ông cũng bày tỏ quan ngại về những văn bản trước đây còn hơi nghiêng về phía người lao động. Tuy nhiên, bộ luật này không đứng thể đứng về phía ai cả mà cần đứng trên lợi ích của nền kinh tế quốc dân.

Theo ông, dù không được đưa vào dự thảo bộ luật sửa đổi lần này, song một vấn đề khiến doanh nghiệp vô cùng băn khoăn là đề xuất giảm thời gian lao động thường xuyên hằng tuần từ 48 giờ xuống còn 44 giờ. Vấn đề này theo ông là không phù hợp với điều kiện hiện nay của nền kinh tế.

Thậm chí, việc nghỉ 2 ngày cuối tuần là quá xa xỉ đối với nền kinh tế Việt Nam. Trên thực tế, người lao động đang cần việc làm, thu nhập, trong khi tiền lương của doanh nghiệp phải bắt nguồn từ sản phẩm, giảm giờ làm đương nhiên tiền lương giảm đi.

Bên cạnh đó, hiện nay nền kinh tế đang chuyển sang quá trình đổi mới sáng tạo, không có doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nào chỉ làm 5 ngày trong một tuần. Thậm chí, các doanh nghiệp này vượt rất nhiều thời giờ làm thêm so với quy định.

"Lực lượng trẻ hiện nay làm việc rất hăng say, thậm chí có thể mười mấy tiếng trong một ngày nhưng họ sẽ được trả công thỏa đáng. Chỉ có làm say mê như vậy thì đất nước này mới đứng lên được. Hầu hết các nền kinh tế có trình độ tương đương với chúng ta rất ít nước có thể giảm giờ làm việc xuống 44 giờ nên vấn đề này cần cân nhắc kỹ", ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Không thể "vì một người đau mà bắt cả làng uống thuốc"

Về giờ làm thêm đối với một số ngành nghề đặc biệt như thủy sản, giày da... có tính mùa vụ, Chủ tịch VCCI cho rằng không thể để nông sản, thủy sản "chờ" thời gian làm việc bình thường để làm mà bắt buộc phải chế biến ngay. Do đó, nếu không nới rộng giờ làm thêm, doanh nghiệp không tuyển được lao động thì sẽ vi phạm các hợp đồng. Đây là những câu chuyện thực tế đang đặt ra.

Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, những suy diễn doanh nghiệp muốn tăng giờ làm thêm do không muốn tuyển lao động là không đúng, mà thực tế doanh nghiệp đều trưng biển song không tuyển được.

Mặc dù vậy, Chủ tịch VCCI thừa nhận, không thể khẳng định 100% doanh nghiệp không lợi dụng quy định giờ làm thêm, nhưng ngay cả khi có những trường hợp như vậy thì cũng không thể vì một số cá nhân mà dùng quy định pháp luật "bó chân" doanh nghiệp, không thể "vì một người đau mà bắt cả làng uống thuốc".

"Chúng ta không thể vì một vài doanh nghiệp làm ăn không đúng đắn mà siết tất cả các doanh nghiệp còn lại. Đây là những triết lý rất thực tiễn của việc làm luật, chúng tôi ủng hộ phương án của Chính phủ, nhưng cộng đồng doanh nghiệp còn muốn tăng nhiều hơn, thậm chí là 500 giờ", ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh và lưu ý rằng phải đảm bảo tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, quyền có việc làm và được làm thêm của người lao động.

Mặt khác, thị trường lao động Việt Nam hiện nay cũng đang kết nối với thị trường lao động thế giới, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt về thu hút lao động. Doanh nghiệp nào không thực hiện đầy đủ chính sách về vấn đề lao động thì không thể giữ chân họ.

Ông Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, chính điều tiết của thị trường sẽ buộc các doanh nghiệp tạo ra các điều kiện lao động tốt nhất để thu hút lao động, điều này mang lại lợi ích thống nhất cho cả hai bên. Càng tạo điều kiện có thu nhập tốt cho người lao động thì doanh nghiệp càng phát triển, tạo ra một thị trường lao động cạnh tranh.

"Chúng ta có cả hệ thống công đoàn để bảo vệ người lao động cơ mà, hãy để thương lượng tập thể phát huy vai trò. Nhà nước phải trả quyền đó cho thị trường, đừng đưa ra khung quá cứng để can thiệp vào chuyện này", ông Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm.

Do đó, theo Chủ tịch VCCI, những vấn đề trên cần hết sức thận trọng cân nhắc, đảm bảo tôn trọng thị trường. "Chúng ta phải tính đến sự cạnh tranh và phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam, chứ không thể nói người sử dụng lao động và người lao động đấu tranh với nhau", Chủ tịch VCCI khẳng định và nhấn mạnh thêm, đây không phải là quan điểm riêng của VCCI hay doanh nghiệp, mà với mọi nền kinh tế thì quyền và lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động đều cần phải thống nhất với nhau.

Dương Nhật

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/sua-bo-luat-lao-dong-can-lang-nghe-trai-tim-cua-nen-kinh-te-201910141817109.htm