Sửa bài, nâng điểm thi chỉ bị phạt từ 10 triệu khác nào 'mở đường' cho gian lận thi cử

Các chuyên gia cho rằng, với các hành vi như sửa bài, nâng điểm thi, nếu chỉ xử phạt hành chính từ 10-15 triệu đồng là quá nhẹ, không thể ngăn chặn triệt để tình trạng gian lận thi cử.

 TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ giáo dục Đại học (Bộ GDĐT). Ảnh: N. Khánh

TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ giáo dục Đại học (Bộ GDĐT). Ảnh: N. Khánh

Sửa điểm thi là hành vi gây hậu quả nghiêm trọng

Những ngày qua, nhiều chuyên gia đã thẳng thắn góp ý về các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục mà Bộ GDĐT đưa ra để lấy ý kiến.

Bên cạnh nhóm hành vi xúc phạm danh dự, xâm phạm thân thể người học bị phản ứng, một số nội dung liên quan đến việc xử phạt hành vi vi phạm về thi cử cũng gây tranh cãi.

Nhiều vụ gian lận thi cử xảy ra thời gian qua gây bức xúc dư luận.

Theo TS Văn Đình Ưng - Trưởng ban Thông tin Truyền thông, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, việc Bộ GDĐT thấy các hiện tượng gian lận, không lành mạnh trong giáo dục và đưa ra các biện pháp ngăn chặn là việc làm tích cực.

“Nhiều năm công tác trong lĩnh vực giáo dục, tôi thấy có nhiều hiện tượng tiêu cực liên quan đến vấn đề thi cử. Ví dụ, trong các trường đại học có xảy ra chuyện nâng điểm cho những sinh viên là “người quen” của các thầy cô.

Tôi cũng nghe thấy có chuyện thầy nọ, hay thầy kia khoe rằng được mời chấm điểm bài thi cuối kỳ, hay tốt nghiệp cho sinh viên của trường nọ, trường kia và kiếm được kha khá. Vì họ đã sửa bài, nâng điểm cho em này, em kia sau khi được nhờ.

Khoản 4, Điều 21 Dự thảo nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục nêu: Phạt từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi viết thêm hoặc sửa chữa nội dung bài thi hoặc sửa điểm bài thi trái quy định, nhập điểm vào máy vi tính không đúng với điểm thực tế của bài thi...

Thời gian qua dư luận đã lên án mạnh mẽ các hành vi gian lận thi cử. Nhiều đối tượng đã bị khởi tố hình sự vì cơ quan chức năng xác định mức độ của hành vi này là đặc biệt nghiêm trọng.

Quan điểm của tôi là đối với hành vi làm sai lệch kết quả thi, gây nên sự mất công bằng đối với học sinh, sinh viên thì nên xử lý hình sự” - TS Văn Đình Ưng chia sẻ.

Đồng quan điểm, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) cho rằng mức độ của hành vi sửa bài, nâng điểm thi là nghiêm trọng.

“Không nên đưa nhóm hành vi này vào nghị định xử phạt hành chính, nhất là mức xử phạt chỉ từ 10 -15 triệu đồng như thế là quá nhẹ. Nếu chỉ bị xử phạt hành chính thì khác nào mở đường cho gian lận thi cử”- TS Khuyến nhấn mạnh.

Nơi nào xảy ra gian lận thi cử, cần xử lý nghiêm lãnh đạo

Cũng theo các chuyên gia, để ngăn chặn tận gốc được các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục, cách tốt nhất là tìm biện pháp ngăn chặn.

“Nếu phạt cao quá thì giáo viên lấy đâu ra tiền nộp phạt, mà phạt thấp thì không đủ sức răn đe. Vì vậy nên chuyển sang những hình thức khác, cách tốt nhất là tìm biện pháp để phòng chống.

Ví dụ, với các hành vi như xúc phạm hay đánh học sinh, Bộ GDĐT nên đưa ra các bộ tiêu chí về phẩm chất đạo đức thầy cô trong nhà trường. Nếu ai không đảm bảo thì xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, từ mức nhắc nhở đến cảnh cáo, thậm chí cao nhất là loại khỏi ngành.

Còn đối với việc kiểm tra, thi cử trong giáo dục, thì cố gắng càng công khai, minh bạch bao nhiêu càng tốt”- TS Văn Đình Ưng chia sẻ.

TS Lê Viết Khuyến “hiến kế”: Đối với nhóm hành vi vi phạm về thi, tốt nhất nên xử lý thật nghiêm người đứng đầu.

Ví dụ cơ sở giáo dục xảy ra hiện tượng nâng bài, sửa điểm, thì lãnh đạo nhà trường phải chịu trách nhiệm cao nhất. Nếu xảy ra ở địa phương như với kỳ thi THPT quốc gia vừa qua thì lãnh đạo địa phương, lãnh đạo các Sở GDĐT phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Nếu làm được như thế thì việc thi cử mới nghiêm túc”.

Đặng Chung

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/sua-bai-nang-diem-thi-chi-bi-phat-tu-10-trieu-khac-nao-mo-duong-cho-gian-lan-thi-cu-634893.ldo