Sửa 37 luật cùng lúc là rất khó

Cho ý kiến về dự Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có qui định liên quan đến quy hoạch tại buổi thảo luận ở tổ chiều 24.10, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) cho rằng, sửa 37 luật cùng lúc là rất khó.

ĐBQH Trần Anh Tuấn (TPHCM) tham gia thảo luận ở tổ chiều 24.10.

Cho ý kiến về dự Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có qui định liên quan đến quy hoạch, đại biểu (ĐB) Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cho rằng, nếu không cần thiết thì chưa nên thông qua trong kỳ họp lần này.

Vì theo bà Lan, nếu chỉ sửa cơ học như trong Dự thảo thì chỉ là vấn đề chính tả, không có ảnh hưởng gì nhiều.

Bà Lan đã bày tỏ lo ngại về chất lượng luật và làm luật thời gian vừa qua. Vì theo bà Lan, thời gian qua số lượng luật được đưa ra quá nhiều, “cứ đẻ sòn sòn thế này, xong rồi sửa, đẻ rồi sửa, thấy khổ ghê” - bà Lan nói.

Riêng về dự Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến Luật Quy hoạch, bà Lan cho rằng Dự thảo vẫn còn rất mù mờ, cần xem xét thêm.

Trong khi đó, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) cho rằng, sửa 37 luật cùng lúc là rất khó.

ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết trình bày ý kiến tại phiên họp tổ chiều nay 24.10.

Vì theo bà Tuyết, mỗi luật lại tách riêng ra các điều, sẽ phá vỡ tính hệ thống của các luật đã ban hành trước.

“Do đó, đề nghị ban hành luật chỉ gói gọn trong hai điều: Tất cả những điều trong luật hiện hành mà trái thì cần sửa đổi, ban hành liền để thực hiện ngay Luật Quy hoạch. Quốc hội giao cho Chính phủ rà soát lại và tham mưu để điều chỉnh các luật khác”, bà Tuyết nói.

Tham gia ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến Luật Quy hoạch, ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM) cho rằng, trong quy hoạch đã tích hợp hầu hết các ngành kinh tế - xã hội của một địa phương trong quy hoạch chung.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan nêu ý kiến tại phiên họp tổ chiều 24.10. Ảnh: Thành Trung.

Tuy nhiên, hiện nay rất khó khăn vì nếu tích hợp vào trong quy hoạch chung thì chỉ mang tính định hướng.

“Vì vậy, cần phải có quy hoạch cụ thể dựa trên đòi hỏi của thực tế và phải được cụ thể hóa bằng các phương án ngắn hạn, trung hạn”, ông Tuấn nói.

Trước đó, sáng 23.10, Quốc hội đã nghe Tờ trình và thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch.

Việc ban hành Dự án Luật này được lý giải để đồng bộ với Luật Quy hoạch là cần thiết, tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, các xung đột, vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch, góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh.

Theo đó, Dự Luật này sửa đổi, bổ sung 37 luật có liên quan nhằm bảo đảm thống nhất với Luật Quy hoạch, liên quan đến nhiều lĩnh vực giao thông vận tải, tài nguyên môi trường, khoa học công nghệ...

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành về sự cần thiết ban hành Dự Luật.

Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung các luật cần thực hiện theo nguyên tắc: Lấy Luật Quy hoạch làm gốc. Bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ.

Bảo đảm thứ bậc của các loại quy hoạch, không quy định cùng một cấp có hai quy hoạch với nội dung và giá trị pháp lý như nhau…

Nguyên - Hùng - Trung

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/sua-37-luat-cung-luc-la-rat-kho-637853.ldo