Sự vô hình của anh em nhà Glazer đã đẩy M.U xuống vực sâu

Khi bạn bỏ ra 790 triệu bảng để mua một CLB, bạn muốn nhúng tay vào mọi thứ có thể để kiểm soát. Ồ, đó là cách nghĩ của đại chúng, chứ không phải của nhà Glazer, cụ thể hơn là 3 cậu con trai của ông Malcom. Trên thực tế, Joel , Avram và Bryan Glazer giống những người vô hình ở Old Trafford hơn.

Trong 8 năm đầu tiếp quản, nhà Glazer thực sự có lý do để "bỏ bê" M.U vì Gill và Sir Alex Ferguson là bộ đôi đầu não lo toan mọi việc. Khi đó, tiến trình ra quyết định được thực hiện vô cùng chặt chẽ. Cứ vào 8h sáng mỗi thứ Sáu, Gill sẽ gặp Sir Alex ở trung tâm Carrington để nói về những lỗ hổng trong đội hình và các mục tiêu cần đàm phán. Thành công trong bóng đá rõ ràng là một vấn đề về quan niệm và ở điểm này, Gill và Sir Alex tin nhau tuyệt đối.

Sir Alex và David Gill - bộ não một thời của M.U.

Một ngày nọ, đầu não trinh sát Jim Lawlor đến văn phòng của Sir Alex để thông báo rằng Henrik Larsson đã kết thúc mùa giải ở Helsingborg và tiền đạo người Thụy Điển là giải pháp hàng đầu để thay thế Louis Saha đang chấn thương. "Chúng ta sẽ tiến hành", Sir Alex quyết định, Gill đồng tình nhanh chóng.

Cái cách nhà Glazer cho phép cả Sir Alex và Gill ra đi vào mùa Hè 2013 đã nói lên phần nào việc các ông chủ bị tách ra khỏi những nhân vật chủ chốt. Nếu người kế nhiệm của Gill là Ed Woodward được hợp tác với Sir Alex trong vài năm đầu, số phận của M.U có lẽ đã khác đi rất nhiều. Sir Alex và Gill đã lên kế hoạch vô cùng tỉ mỉ theo cách đội bóng chỉ cần thực hiện 1-2 thay đổi mỗi mùa giải.

Nhưng khi Sir Alex nghỉ hưu, các HLV sau đó, điển hình là Jose Mourinho, không có thời gian để tìm hiểu đội hình mà mình "thừa kế" và buộc Woodward vào thế phải liên tục mua sắm trong khi có hiểu biết hạn chế về bóng đá. Không lạ khi trong 5 năm qua, M.U bỏ tiền mua sắm còn nhiều hơn PSG dù đại gia Ligue 1 sở hữu tới 2 cầu thủ đắt giá nhất thế giới là Neymar và Kylian Mbappe.

Woodward, xuất thân là một cử nhân vật lý của đại học Bristol, có niềm tin mãnh liệt vào thông số. Nói một cách dễ hiễu hơn, GĐĐH hiện tại của Quỷ đỏ mua cầu thủ dựa vào dữ liệu, chứ không phải kinh nghiệm. Đương nhiên, luôn có rủi ro trong mọi thương vụ nhưng hãy nhìn vào một ví dụ.

Cả Radamel Falcao dưới thời Woodward và Bebe - cầu thủ vô danh và kỳ lạ bậc nhất dưới thời Gill cùng Sir Alex đều là 2 hợp đồng thất bại, đều được cho là được thực hiện chỉ sau một cuộc gọi của Jorge Mendes. Sự khác biệt nằm ở việc Bebe chỉ có giá 7,4 triệu bảng, trong khi Falcao là 43,5 triệu (chưa tính phụ phí).

Vai trò của nhà Glazer vẫn mất hút dù rõ ràng họ nhận ra sự thiếu điều hướng trong mua sắm của M.U. Trong khi đó, tập đoàn FSG mang về Liverpool 2 chuyên gia đầu ngành chuyển nhượng là Mike Gordon và Peter Moore.

M.U bây giờ đang bị xé nát giữa việc muốn gửi thông điệp tới TTCN rằng họ sẽ không "vung tay quá trán" và việc họ cần... chi tiền. Hãy nhìn vài kỳ mua sắm gần đây, tại sao M.U phải đợi tới gần hết tháng 1 mới mua được Bruno Fernandes từ Sporting Lisbon, trong khi vẫn trả cái giá tương đương như lúc đầu phải trả. Trường hợp tương tự là với Harry Maguire.

Đối với các ông chủ có một chút tò mò, thành tích mua sắm của Woodward lẽ ra rất bất thường và cần xem xét kỹ lưỡng. GĐĐH của họ có công trong việc mở rộng thương mại (dù nhiều người nói đó là công của giám đốc quản lý Richard Arnold) nhưng chuyện nào ra chuyện nấy, đâu thể đánh đồng.

Nếu có một tầm nhìn rộng hơn, chiến lược hơn, nhà Glazer chắc cũng không khó để nhận ra Woodward đang biến Old Trafford thành một nơi lạc hậu, đầy lo lắng và tuyệt vọng cần nâng cấp.

Hay như việc thiết lập chức vụ GĐKT, một HLV thiếu cá tính như Ole Gunnar Solskjaer sẽ không phản đối việc trì hoãn một thứ lẽ ra phải có từ lâu nhưng hãy thử hình dung nếu là Mauricio Pochettino, ông sẽ không chấp nhận làm việc với những người không cùng chuyên môn. Nhưng ai mang Pochettino về bây giờ? Woodward chăng? Hay anh em nhà Glazer?

Sau cuộc mua sắm chớp nhoáng trong shop đồ lưu niệm năm 2005, 3 người con của ông Malcom thoái lui theo cửa bắc khán đài Old Trafford, theo đường Sir Matt Busby mà mất dạng. Trong khi đó, ở cửa chính, Sir Bobby Charlton, dưới ánh nắng mặt trời, vẫn trầm ngâm trước các câu hỏi của fan về tương lai của M.U dưới thời nhà Glazer: "Tôi không mong đợi chuyện gặp họ thường xuyên đâu".

Theo Hà Trang/Bongdaplus

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/the-thao/su-vo-hinh-cua-anh-em-nha-glazer-da-day-m-u-xuong-vuc-sau/20200213014127563