Sự vắng mặt của học sinh kém và 'vở diễn' của giáo viên giỏi

Vài ngày qua, dư luận xôn xao với thông tin tại trường Tiểu học Lê Hồng Phong và Chu Văn An (quận Ngô Quyền, Hải Phòng), các giáo viên đã cho những học sinh có học lực yếu phải nghỉ học trong ngày trường tổ chức thi giáo viên dạy giỏi.

Ngay sau đó, Bộ GD&ĐT đã vào cuộc. Ngày 15/1, TS Thái Văn Tài, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học khẳng định, mặc dù có nhiều sai sót cần chấn chỉnh nhưng không có cơ sở để khẳng định Ban giám hiệu ép các học sinh có học lực yếu nghỉ để tổ chức thi giáo viên dạy giỏi.

Câu chuyện nghi vấn về tình trạng cho học sinh yếu kém nghỉ để tổ chức thi giáo viên dạy giỏi mới xuất hiện trên truyền thông, tuy nhiên với những cha mẹ có con đang theo học ở các bậc học cơ sở, điều này không còn quá mới mẻ, nhất là với các cháu có học lực yếu.

Giáo viên giỏi là người dành năng lực và tâm huyết với việc dạy học sinh mỗi ngày

Giáo viên giỏi là người dành năng lực và tâm huyết với việc dạy học sinh mỗi ngày

Hàng năm, cứ đến dịp thi giáo viên dạy giỏi, sẽ có rất nhiều lý do để các học sinh này “vắng mặt” ở lớp học.

Cách thức “chuyên nghiệp” nhất mà nhiều trường sử dụng đó là “sắp xếp lại” lớp học mà thực tế là những học sinh có học lực yếu được dồn vào một lớp riêng chỉ những học sinh khá giỏi ở lại lớp để thày cô thi giáo viên dạy giỏi.

Cá biệt có một phụ huynh kể lại câu chuyện con mình sau buổi học về khoe với bố là hôm nay con không phải học và được cô giáo cho lên phòng y tế ngồi chơi. Vị phụ huynh giật mình, sau khi hỏi kỹ mới biết đó là hôm nhà trường tổ chức thi giáo viên giỏi và con anh, học sinh “cá biệt” của lớp được cô giáo ưu ái cho lên ngồi trong phòng y tế.

Khi anh có ý kiến thì giáo viên giải thích: không phải vì lý do thi cử mà hôm đó thấy cháu không được khỏe nên giáo viên cẩn thận đưa cháu vào phòng y tế đề phòng bất trắc.

Người ta thường so sánh sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp trồng người, có nhiều điểm tương đồng với trồng cây. Tuy nhiên về bản chất giác dục đi ngược với trồng cây. Người làm vườn, khi gieo hạt thường gieo nhiều hơn số lượng cây cần thiết. Trong quá trình sinh trưởng họ sẽ tỉa bỏ những cây còi, cây yếu và tập trung chăm sóc những cây khỏe đẹp phát triển tốt. Nhưng với giáo dục, để bất cứ một thành viên nào bỏ dở quá trình học tập thì đó chính là sự thất bại của người thày. Người thầy giỏi có tâm thường quan tâm nhiều hơn đến các em yếu kém, tìm hiểu và đánh thức ở mỗi em những khả năng riêng mà vì lý do nào đó các em chưa phát huy hết.

Thực tế cũng đã chứng minh, trong rất nhiều trường hợp, những học sinh “cá biệt” không nổi trội thậm chí yếu kém lại thể hiện được khả năng của mình trong cuộc sống và có những đóng góp không nhỏ cho cộng đồng.

Thật nghịch lý và cay đắng khi giáo viên thi thố tài năng để khẳng định năng lực sư phạm của mình nhưng lại loại bớt khỏi lớp những học sinh có học lực yếu kém.

Tình trạng này khiến các bậc cha mẹ cũng như dư luận xã hội phải đặt câu hỏi: thế nào là giáo viên giỏi. Đó thực sự là những người có năng lực, có tâm huyết với các học sinh của mình mỗi ngày hay là người “biểu diễn” giỏi trong cuộc thi với những cách “bài binh bố trận” hoàn hảo của mình, thậm chí sử dụng cả những cách đi ngược lại với triết lý giáo dục.

Việc giáo viên cũng như nhà trường loại bỏ những học sinh yếu kém để giờ dạy của mình trở nên hoàn hảo thực chất chỉ là một vở diễn không hơn không kém.

Không phải ngẫu nhiên mà Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cách đây ít lâu đã phát biểu: “Việc thi giáo viên dạy giỏi hiện nay chỉ là diễn nên tôi không đồng ý”.

Tiểu Di

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/su-vang-mat-cua-hoc-sinh-kem-va-vo-dien-cua-giao-vien-gioi-post54571.html