Sự tự tin mới là quyến rũ nhất của người phụ nữ chứ không phải đường cong nóng bỏng

Sự tự tin là nét đẹp quyến rũ nhất của người phụ nữ. Nó quyến rũ hơn cả những đường cong nóng bỏng.

“Sự tự tin là nét đẹp quyến rũ nhất của người phụ nữ. Nó quyến rũ hơn cả những đường cong nóng bỏng. Thoải mái trên đôi chân giả cao lênh khênh như là đang bước trên đôi giày sneaker êm mượt, khoác trên mình lòng kiêu hãnh lấp lánh đẹp hơn tất thảy mọi trang phục đính kim sa. Hãy là người phụ nữ lúc nào cũng đẹp và quyến rũ nhất” - Đây là chia sẻ của vận động viên, diễn viên, người mẫu “khuyết tật” Aimee Mullins trên tạp chí Oprah.

Mất đôi chân không có nghĩa là mất tất cả

Sinh ngày 20/7/1976 tại thành phố Allentown, tiểu bang Pennsylvania, Mỹ. Cha là công nhân nhà máy, mẹ là nhân viên lễ tân tại một bệnh viện. Aimee Mullins có một tuổi thơ không êm đềm, khi cô phải ngồi xe lăn từ lúc lên 5 tuổi và đến năm 11 tuổi với chuỗi ngày dài tập đi trên đôi chân giả bằng sắt. Cô đã phải trải qua phẫu thuật cắt bỏ phần chi dưới do căn bệnh thiếu chi quái ác khi mới tròn một tuổi. Mọi thứ khi đó đều trở nên khó khăn với Aimee và cô luôn mặc cảm về bản thân mình.

“Bố mẹ và bác sĩ quyết định cắt bỏ chúng đi, tính cho tôi phương án có một đôi chân giả, có thể mang vào và gỡ ra bất cứ lúc nào. Nói nghe có vẻ đơn giản nhưng thực sự, mỗi lần vào bệnh viện kiểm tra, thay chân, với tôi là mỗi lần đau đớn và nỗi đau ấy bùng lên khiến tôi quyết tâm phải thích nghi với đôi chân mới, phải khuất phục bất cứ sự kháng cự nào từ cơ thể”, Aimee kể lại.

Thời điểm khó khăn nhất, nhưng bố mẹ và người thân không nhìn cô với ánh mắt xót xa, tội nghiệp, thay vào đó là những lời động viên, khuyến khích cô tập luyện. Aimee đã tự nhủ lòng phải chứng minh cơ thể mình có thể làm được nhiều điều có ích và phải tạo ra sự khác biệt. Cô lao vào bất cứ môn thể thao nào, miễn là đôi chân giả chịu “hợp tác”, từ bơi lội, đạp xe, trượt tuyết và điền kinh.

Nhưng không phải lúc nào xung quanh mình cũng là người thân yêu. Trở ngại lớn nhất là khi Aimee cảm thấy mình bị tổn thương bởi những lời nói, ánh nhìn. Với nhiều người, cô là dị biệt, là gánh nặng của xã hội. Bạn bè có người yêu thương, cũng có người ném cho Aimee ánh mắt xem thường, họ cố vượt qua cô trong những giờ rèn luyện thể chất, chỉ để nói với cô rằng, cô chẳng thể nào bằng họ.

Nhưng bằng nghị lực sống phi thường, sự kiên trì cùng với đôi chân giả của mình, Aimee Mullins đã tạo ra sự đột phá để trở thành một “hình tượng” như hôm nay. Aimee không những sử dụng thành thạo đôi chân giả, mà còn sử dụng chúng để tham gia những môn thể thao cô đặc biệt yêu thích.

“Tàn tật có nghĩa là bại liệt, bất lực, vô dụng, tàn phế, thương tật, khiếm khuyết, què quặt, mệt mỏi, yếu đuối. Tôi đã từng trải qua một quãng thời gian như thế, với những suy nghĩ như thế. Và đến một thời điểm tôi phải dừng lại để trấn tĩnh tinh thần, trấn an suy nghĩ và gạt bỏ những cụm từ như thế”, Aimee Mullins chia sẻ Trong suốt thời gian theo học tại trường trung học Parkland, cô thiếu nữ Aimee Mullins luôn được nhắc tới như một nữ sinh xinh đẹp, tài năng và đầy nghị lực.

Vẻ rạng rỡ, lạc quan luôn hiện hữu trong đôi mắt nâu trà sáng long lanh, khóe miệng cười duyên dáng và mái tóc vàng óng ả. Aimee còn khiến cha mẹ cô hạnh phúc gấp bội và là niềm tự hào của trường trung học khi tốt nghiệp phổ thông với tấm bằng danh dự và trở thành tân sinh viên, vượt qua 40.000 ứng viên, nhận học bổng của Bộ Quốc phòng để theo học tại trường Đại học Georgetown danh giá – nơi Bill Clinton từng theo học. Đặc biệt hơn, khi tốt nghiệp cô được mời làm việc như một nhà phân tích tình báo tại Lầu Năm Góc và trở thành người phụ nữ duy nhất làm việc trong cục tình báo cấp cao này.

Tuy nhiên, Aimee Mullins đã từ bỏ các suất học bổng có giá trị, từ bỏ 1 công việc mà nhiều người ao ước để chuyển sang lĩnh vực thể thao với mong muốn chứng minh cho cả thế giới rằng, đôi chân của cô có thể tạo nên điều phi thường. Aimee Mullins cho biết: “Tôi phải luôn vận động, dù lẽ ra như cách nghĩ tự nhiên của mọi người, tôi không thể. Càng bị bó buộc bởi định kiến, tôi càng cảm thấy cơ thể mình ngứa ngáy khi nghĩ đến các môn thể thao.

Tôi rèn luyện không biết mệt mỏi nhưng lại chưa bao giờ thử sức với điền kinh vì giới hạn từ đôi chân. Nhưng sau đó, nhờ sự động viên của huấn luyện viên Frank Gagliano, tôi đồng ý thử sức. Không thể tin nổi, không chỉ chạy được, mà tôi còn giành chiến thắng”.

Năm 1996 ở Atlanta, Aimee đã lập kỷ lục thế giới về bước chạy nước rút 100m, 200m và kỷ lục Paralympic cho bước nhảy dài chỉ với đôi chân giả bằng sắt nặng nề. “Còn nhớ lần ấy, chuẩn bị cho giải thể thao vô địch các trường học trên toàn nước Mỹ (NCAA), huấn luyện viên nổi tiếng Frank Gagliano tìm tôi và thuyết phục tôi tham gia chạy.

Tôi đã từ chối vì lúc ấy tưởng tượng có đến 5.000 khán giả sẽ thất vọng nếu tôi té ngã. Nhưng huấn luyện viên Gagliano đã nói rằng: Em hoàn toàn có thể té, rồi gắn chân lại, chạy tiếp. Hãy chạy vì tôi biết, đó là điều em mong muốn từ rất lâu rồi. Tôi đồng ý thử sức. Không thể tin nổi, không chỉ chạy được mà tôi còn giành chiến thắng, phá kỷ lục quốc gia ở đường chạy 100m”, Aimee xúc động nhớ lại.

Biểu tượng đẹp trong lòng mọi người

Không chỉ dừng lại tại đó, Aimee còn là một nữ diễn viên xuất sắc. Cô đã từng tham gia nhiều bộ phim, và nhận được sự yêu mến từ giới chuyên môn và khán giả. Đặc biệt phải kể đến là bộ phim “Marvelous” (Điều kỳ diệu), “World Trade Center” (Trung tâm Thương mại Thế giới) và bộ phim “Quid Pro Quo” của đạo diễn Calor Brooks.

Aimee chạm ngõ làng thời trang lần đầu vào năm 1998 khi sải bước tự tin trên sàn diễn của thương hiệu Alexander McQueen danh giá với một đôi giày gỗ được chạm trổ cầu kỳ – đôi giày McQueen thiết kế dành riêng cho “nàng thơ” của mình. Vẻ hấp dẫn của Aimee đã chiếm trọn cảm tình của những người có mặt, song, dư luận lại có người cáo buộc McQueen trình diễn “thời trang quái nhân”. Aimee Mullins bị gắn mác là “siêu mẫu khuyết tật”.

Trái lại với lời độc địa từ những kẻ ác ý, Aimee rất hãnh diện về điều này và còn coi đó là một lợi thế riêng – “Điều làm cho phụ nữ đẹp là sự khác biệt, tôi đã thầm cảm ơn chúa vì điều bất thường của mình, nó làm cho tôi trở nên đặc biệt hơn”.

Sự tự tin, vẻ đẹp bên ngoài và cả vẻ đẹp nội tâm đã giúp Aimee dần khẳng định danh hiệu “siêu mẫu” trong lòng công chúng. Hình ảnh nàng Aimee mạnh mẽ, khỏe khoắn với ba vòng quyến rũ xuất hiện dày đặc trên các tạp chí và thu hút sự chú ý của cả thế giới. Và không biết từ khi nào, cô đã trở thành một biểu tượng đẹp của giới người mẫu.

Aimee đã từng góp mặt trong rất nhiều tạp chí thời trang danh tiếng như tạp chí Vogue, W hay Glamour… và tên cô xuất hiện trong rất nhiều danh sách bình chọn người đẹp. Cô cũng từng lọt vào danh sách “50 người đẹp nhất thế giới” do tạp chí People bình chọn.

Không dừng lại ở đó, cô còn được biết đến như một người phụ nữ đặc biệt có trách nhiệm với xã hội. Mặc dù rất bận rộn với thể thao, thời trang, điện ảnh nhưng Aimee vẫn dành nhiều thời gian tham gia các hoạt động xã hội.

Cô là thành viên tích cực của nhiều tổ chức phi chính phủ, đặc biệt phải kể đến tổ chức Women’s Sport Foundation – tổ chức đóng góp cho sự tiến bộ trong cuộc sống của nữ giới thông qua các hoạt động thể chất. Aimee còn là Phó Chủ tịch của J.O.B, một tổ chức phi lợi nhuận lâu đời nhất của Mỹ, hoạt động với mục tiêu tìm kiếm việc làm cho những người khuyết tật…

An Yên

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/su-tu-tin-moi-la-quyen-ru-nhat-cua-nguoi-phu-nu-chu-khong-phai-duong-cong-nong-bong-d105452.html