'Sự trường tồn của doanh nghiệp gắn với thương hiệu công ty'

Đó là khẳng định của chuyên gia tư vấn chiến lược truyền thông và thương hiệu Hoàng Hải Âu, Tổng giám đốc Hoàng Gia Media Group trước bài toán nên lựa chọn xây dựng chiến lược truyền thông cho thương hiệu cá nhân hay thương hiệu công ty của doanh nghiệp.

Chuyên gia tư vấn chiến lược truyền thông và thương hiệu Hoàng Hải Âu.

Rủi ro nếu chỉ xây dựng thương hiệu CEO

Như thông tin TheLEADER đã đăng tải trong số trước, lựa chọn xây dựng chiến lược truyền thông cho thương hiệu cá nhân hay thương hiệu công ty luôn là câu hỏi lớn đặt ra đối với không ít doanh nghiệp, nhất là khi những doanh nghiệp này đã phát triển đến một quy mô nhất định và muốn mở rộng kinh doanh.

Một trường hợp cụ thể được đặt ra tại chương trình CEO - Chìa khóa thành công số 43 của VTV1 với chủ đề "Doanh nghiệp gia đình – Thương hiệu cá nhân hay công ty" là một doanh nghiệp gia đình có thâm niên 20 năm hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ y tế, chuyên khoa mắt đang kinh doanh phát đạt.

Cùng với sự phát triển của doanh nghiệp, bài toán đặt ra với doanh nghiệp này là tiếp tục tập trung chi phí truyền thông cho thương hiệu CEO hay chuyển hướng đầu tư cho thương hiệu công ty bởi tên tuổi CEO nay đã được nhiều người biết đến, nhưng thương hiệu của doanh nghiệp còn rất mờ nhạt.

Về vấn đề này, tại tại Chương trình Chìa khóa thành công số 44 được phát sóng vào lúc 10h sáng Chủ nhật (25/2) và phát lại vào 8h sáng thứ Hai (26/2) trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam, ông Thái Quốc Minh, thành viên HĐQT Ngân hàng SHB cho rằng, nếu chỉ chú trọng xây dựng thương hiệu CEO, một ngày nào đó, CEO không còn hiện diện, rủi ro đối với doanh nghiệp sẽ rất lớn.

Hơn nữa, mục tiêu của công ty là tiếp tục mở rộng kinh doanh, việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp sẽ giúp công ty phát triển hơn, thay vì khách hàng chỉ biết đến tên tuổi CEO.

Trong khi đó, nếu doanh nghiệp có chất lượng, tập trung xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp mạnh thì dù không còn CEO, doanh nghiệp sẽ vẫn phát triển.

Theo vị chuyên gia này, thay vì chọn một trong hai, doanh nghiệp nên có cách dung hòa lợi ích của cả hai thương hiệu. “Tại sao phải triệt tiêu nhau trong khi tồn tại cùng nhau”?

Ông Thái Quốc Minh, thành viên HĐQT Ngân hàng SHB

Ông Quốc Minh đưa ra giải pháp: “Hiện tại nhân hiệu đang nổi hơn, có thể đưa thương hiệu cá nhân gắn với thương hiệu công ty. Tất cả cộng hưởng với nhau sẽ đưa đến thương hiệu lên giá trị cao hơn, trở thành một tài sản vô giá đối với doanh nghiệp”.

Điều này là rất có lợi cho các thế hệ nhà đầu tư sau này. Sự tồn tại vĩnh viễn của doanh nghiệp tốt hơn nhiều so với việc việc sở hữu một tên tuổi cá nhân trong giai đoạn lịch sử nhất định, thành viên HĐQT Ngân hàng SHB nhận định.

Đồng quan điểm, chuyên gia tư vấn chiến lược truyền thông và thương hiệu Hoàng Hải Âu, Tổng Giám đốc Hoàng Gia Media Group cũng cho rằng, nhân hiệu gắn với một cá nhân. Doanh nghiệp sử dụng nhân hiệu về lâu dài có thể dẫn tới sự lệ thuộc vào một con người, từ đó dẫn tới hạn chế sự phát triển và thâm chí giới hạn cả thời gian tồn tại của doanh nghiệp đó.

Theo vị chuyên gia này, với các doanh nghiệp lớn, họ luôn ý thức được việc xây dựng thương hiệu cá nhân để hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, trong quá trình phát triển luôn chuyển hóa qua lại, gắn kết với nhau, càng về sau càng đẩy thương hiệu công ty lên cao và đưa thương hiệu cá nhân là một đặc tính trong đó. Đây là con con đường tốt nhất để xây dựng thương hiệu thành công.

Nếu phát triển thương hiệu công ty mạnh lên, điều này không những không mâu thuẫn về lợi ích với thương hiệu của CEO, ngược lại nó còn làm cho lợi ích của CEO được tăng thêm rất nhiều, Tổng Giám đốc Hoàng Gia Media Group nhấn mạnh.

Thương hiệu và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp

Phân tích thêm về tầm quan trọng của thương hiệu đối với sự phát triển của doanh nghiệp, chuyên gia tư vấn chiến lược truyền thông và thương hiệu Hoàng Hải Âu cho rằng, việc xây dựng thương hiệu được coi là quan trọng hơn việc tiếp thị, marketing bán sản phẩm.

Marketing là quá trình giới thiệu sản phẩm, bán hàng thông qua việc khách hàng biết đến sự tồn tại của sản phẩm, nảy sinh từ sự thích thú và am hiểu về sản phẩm của khách hàng

Còn xây dựng thương hiệu là “quyền lực mềm” tạo ra sự nhận biết thương hiệu dựa trên cảm xúc, thậm chí là tiềm thức về thương hiệu đó nơi khách hàng. Việc xây dựng thương hiệu thậm chí phải thực hiện trước việc marketing bán sản phẩm. Nếu thương hiệu mạnh, việc tiếp thị bán hàng sẽ hiệu quả hơn và ngược lại.

Cũng theo ông Hoàng Hải Âu, hầu hết người tiêu dùng khi mua sản phẩm đều dựa trên sự tín nhiệm, tin cậy, cảm giác quen thuộc về sản phẩm, doanh nghiệp cần dựa vào yếu tố cốt lõi này để giải quyết bài toán lựa chọn chiến lược truyền thông cho thương hiệu cá nhân hay thương hiệu công ty.

Tổng Giám đốc Hoàng Gia Media Group cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp trong giai đoạn đầu thường lựa chọn việc xây dựng thương hiệu cá nhân trước để hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Đây là điều cần thiết, bởi đối với doanh nghiệp mới thành lập, chất lượng sản phẩm, dịch vụ không thể ngày một ngày hai mà có được. Trong khi đó, cá nhân đại diện cho doanh nghiệp lại dễ dàng tạo ra hiệu ứng truyền thông.

Cách làm này vừa giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí truyền thông, vừa dễ dàng hơn trong việc thực hiện. Thương hiệu cá nhân sẽ là sự bảo chứng, tăng giá trị cho sản phẩm, giúp sản phẩm dễ dàng tiếp cận khách hàng.

Tuy nhiên, khi doanh nghiệp đã phát triển đến một mức độ nhất định, muốn mở rộng quy mô và phát triển lớn mạnh thì thương hiệu doanh nghiệp mới là yếu tố quyết định đến tính bền vững và sự phát triển trường tồn của doanh nghiệp.

Thương hiệu doanh nghiệp là sự bao trùm các yếu tố từ nhân sự, văn hóa, chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Xây dựng thương hiệu công ty mạnh sẽ giúp doanh nghiệp tồn tại và ngày càng gia tăng giá trị cũng như phát triển bền vững, ông Âu cho hay.

Theo ông Thái Quốc Minh, tùy theo đặc thù kinh doanh và giai đoạn phát triển của mỗi doanh nghiệp, mỗi công ty có thể lựa chọn xây dựng thương hiệu cá nhân hay công ty.

Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp, nên đặt thương hiệu công ty lên hàng đầu nhằm đảm bảo mục đích cuối cùng là mang lại lợi ích tốt nhất cho doanh nghiệp và sự gia tăng giá trị cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, dù doanh nghiệp xây thương hiệu cá nhân hay công ty vẫn phải là cung cấp sản phẩm có chất lượng tốt cho khách hàng. Đây mới là yếu tố quan trọng nhất mà doanh nghiệp cần hướng đến.

Thu Phương

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/su-truong-ton-cua-doanh-nghiep-gan-voi-thuong-hieu-cong-ty-20180225120829266.htm