Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã tới ngưỡng?

Đối mặt với một loạt những thử thách phức tạp cả bên trong lẫn bên ngoài ở nhiều lĩnh vực, sự trỗi dậy của Trung Quốc có lẽ đã tới ngưỡng.

Trong một bài viết đăng trên tạp chí National Interest, tác giả Merrick "Mac" Carey chỉ ra rằng Trung Quốc đang bị cả thế giới quay lưng. Ông Carey từng là cựu trợ tá cấp cao ở Quốc hội Mỹ và hiện là giám đốc điều hành Viện Lexington, một tổ chức tư vấn chính sách công.

Ảnh: The Australian

Ảnh: The Australian

Theo Carey, dân số Trung Quốc đang già hóa với tốc độ và quy mô chưa từng có trong lịch sử. Cường quốc số 2 thế giới dự kiến sẽ mất đi 400 triệu người ở độ tuổi lao động trong thế kỷ này. Trong khi đó, mất cân bằng giới tính trong dân số Trung Quốc đang ở mức 18%, với tỷ lệ sinh chưa bao giờ hồi phục do áp dụng chính sách "một con" suốt nhiều thập niên.

Dù quan điểm chủ đạo của phương Tây hiện nay cho rằng Trung Quốc là một sức mạnh kinh tế và quân sự đang vượt lên trên Mỹ, nhưng thế giới dường như đang quay lưng lại với cường quốc châu Á. Vụ đụng độ biên giới mới đây với Ấn Độ ở dãy Himalaya và quyết sách với Hong Kong là những biểu hiện gần nhất.

Tốc độ trỗi dậy của Trung Quốc để trở thành một cường quốc kinh tế toàn cầu và một sức mạnh quân sự trong khu vực thuộc diện nhanh nhất trong lịch sử. Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn Mỹ trong 4 thập niên liên tiếp. Nước này đã xây dựng được các nền tảng công nghiệp và khoa học để nhanh chóng mở rộng quân đội, bao gồm những năng lực tầm cỡ thế giới trong phóng tàu vũ trụ, và phiên bản GPS của riêng mình.

Kinh tế trọng thương của Trung Quốc đã tiếp quản toàn bộ các lĩnh vực của các nền kinh tế khác, trong đó có của Mỹ.

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi theo thời gian. Giờ đây, Ấn Độ nhiều khả năng sẽ vượt qua Trung Quốc trở thành nước đông dân nhất thế giới trong thập niên này. Và lần đầu tiên sau nhiều năm, Trung Quốc đã phải thu bớt mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Các tập đoàn quốc tế lớn như Samsung và Sony bắt đầu thu hẹp hoạt động của họ ở Trung Quốc. Apple cũng đang lên kế hoạch chuyển 20% chuỗi cung ứng tại Trung Quốc sang Ấn Độ. Ấn Độ đã cấm 59 ứng dụng di động sau vụ đụng độ biên giới kể trên.

Trong khi đó, tập đoàn công nghệ viễn thông Trung Quốc Huawei xuất hiện trong danh sách đen của chính quyền Tổng thống Donald Trump, và mất đi Google trên các điện thoại thông minh của mình - khiến doanh số bán hàng bên ngoài Trung Quốc bị thiệt hại. Anh đã thông báo các kế hoạch loại bỏ Huawei hoàn toàn khỏi hạ tầng viễn thông vào năm 2023.

Các thị trường xuất khẩu của Trung Quốc không còn sức sống và họ tức giận với Trung Quốc về đại dịch Covid-19. Châu Âu chiếm tới 16% xuất khẩu của Trung Quốc nhưng đang loay hoay ứng phó với sụt giảm kinh tế và tài chính. Mỹ chiếm 19% nhưng thái độ của Tổng thống Trump đối với Bắc Kinh rất rõ ràng, và những quan điểm đó đang nhận được sự ủng hộ ở cả hai đảng trên Đồi Capitol.

Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đang lao dốc nhanh, tụt 17% từ mùa hè 2018 đến tháng 1/2020. Tình hình càng xấu hơn vì đại dịch Covid-19. Và không ai nghĩ rằng "sự li hôn kinh tế" này lại có thể diễn ra nhanh chóng đến vậy. Đầu tư nước ngoài trực tiếp toàn cầu của Trung Quốc cũng giảm từ 260 tỷ USD năm 2017 xuống còn 125 tỷ USD năm 2019.

Chưa hết, yêu sách "Đường 9 đoạn" của Trung Quốc đã xâm phạm trắng trợn biên giới biển của tất cả các nước ở Biển Đông. Và theo tác giả Carey, đó không phải là cách kết bạn.

Thanh Hảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/binh-luan-quoc-te/su-troi-day-cua-trung-quoc-da-toi-nguong-657535.html