Sự trỗi dậy của công ty chứng khoán tốp dưới

Các công ty chứng khoán nằm trong Top 30, dưới Top 10, đang có cơ hội trỗi dậy mạnh mẽ khi thị trường chứng khoán lớn nhanh như Phù Đổng.

Kết quả kinh doanh quý I/2021 của nhiều công ty chứng khoán dự kiến sẽ đạt mức cao.

Kết quả kinh doanh quý I/2021 của nhiều công ty chứng khoán dự kiến sẽ đạt mức cao.

Không còn chiêu trò và chạy theo tự doanh

Top 10 công ty chứng khoán hàng đầu đang nắm giữ 65% thị phần môi giới, các công ty có vị trí từ 11 đến 30 chiếm khoảng 30% thị phần.

Trong nửa đầu tháng 3/2021, khi chỉ số chung của thị trường chứng khoán có diễn biến đi ngang thì cổ phiếu VDS của Công ty Chứng khoán Rồng Việt tăng giá từ 12.000 đồng/cổ phiếu lên hơn 15.000 đồng/cổ phiếu. Nhà đầu tư kỳ vọng, VDS sẽ có kết quả kinh doanh quý I khả quan khi thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao, phổ biến từ 15.000 - 18.000 tỷ đồng mỗi phiên.

Khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, nhiều công ty chứng khoán trước đây đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2021, nhưng kế hoạch này hiện trở nên “lạc hậu” bởi kết quả thực tế quý I dự kiến đạt mức cao so với kế hoạch đặt ra.

Ngoài phí giao dịch, việc cung cấp các dịch vụ cho vay ký quỹ (margin), ứng trước tiền bán chiếm tỷ trọng không nhỏ trong nguồn thu, lợi nhuận của các công ty.

Trong bối cảnh hệ thống giao dịch của HOSE thường xuyên bị nghẽn lệnh và nhóm công ty chứng khoán lớn hết chỉ tiêu lệnh được phân bổ, không ít nhà đầu tư chuyển sang giao dịch ở nhóm công ty nhỏ.

Đặc biệt, trong bối cảnh hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) thường xuyên bị nghẽn lệnh như hiện nay, các công ty chứng khoán nhóm dưới có lợi thế là dư chỉ tiêu lệnh.

Chính vì thế, nhiều nhà đầu tư đã mở thêm tài khoản tại các công ty chứng khoán nhỏ để có thể đặt lệnh mua bán cổ phiếu khi các công ty lớn ở trong tình trạng nghẽn lệnh vì hết chỉ tiêu lệnh được phân bổ.

Đáng chú ý, trong quý đầu năm, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ thu hút dòng tiền, giá tăng mạnh. Nhiều cổ phiếu có các nhà đầu tư đóng vai trò tạo lập thực hiện giao dịch ở các công ty chứng khoán dưới Top 10.

Một số nhà tạo lập tác động đến giá cổ phiếu vào thời điểm nghẽn lệnh bằng các lệnh mua bán đơn lẻ từ công ty chứng khoán nhỏ. Cả hai yếu tố này khiến các công ty chứng khoán tốp dưới (thực ra là tốp giữa) thu hút thêm được một lượng khách hàng, có giá trị tài khoản đáng kể và giao dịch thường xuyên bên cạnh lượng khách hàng là nhà đầu tư mới (F0).

Sự khởi sắc của các công ty có vị trí nằm dưới Top 10 thể hiện rõ nét từ quý IV/2020. Trong quý cuối năm ngoái, VDS ghi nhận doanh thu hoạt động 203,4 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 130 tỷ đồng, lũy kế cả năm đạt lần lượt 454,4 tỷ đồng và 192,7 tỷ đồng (lợi nhuận cao nhất trong các năm hoạt động).

Tương tự, Công ty Chứng khoán Everest (EVS) ghi nhận 97,9 tỷ đồng doanh thu hoạt động và 56,1 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý IV/2020, lũy kế cả năm đạt lần lượt 351,5 tỷ đồng và 70,4 tỷ đồng (lãi gấp 7 lần năm 2019).

Chứng khoán Maybank Kim Eng đạt doanh thu hoạt động 376,3 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 131,4 tỷ đồng trong năm 2020, tăng lần lượt 29% và 52,8% so với năm 2019.

Theo báo cáo thường niên của Công ty Chứng khoán Trí Việt, doanh thu năm 2020 tăng 2,4 lần so với năm 2019 chủ yếu nhờ các nghiệp vụ đầu tư, giao dịch ký quỹ, ứng trước tiền bán và môi giới. Trong đó, doanh thu từ giao dịch ký quỹ và ứng trước tiền bán tăng 250,4%, chiếm 40% tổng doanh thu; doanh thu môi giới tăng 218,3%, chiếm 30,5% tổng doanh thu.

Ông Nguyễn Thành Chung, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc EVS nhìn nhận, trong bối cảnh thị trường chứng khoán tăng cả về điểm số và thanh khoản, các công ty chứng khoán trong Top 30 có chiến lược phát triển tốt, hoạt động bài bản đều có doanh số tăng vọt.

Trải qua cạnh tranh và sàng lọc, các công ty chứng khoán đều có định hướng chiến lược rõ ràng và tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi. Lãnh đạo các công ty chứng khoán sau thời gian sàng lọc đã hình thành đội ngũ am hiểu thị trường và quản trị theo tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn hệ thống, chứ không còn cạnh tranh bằng mọi cách, bằng chiêu trò như những năm trước.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (VNCS) cho biết, thị trường “nở ra” thì các công ty chứng khoán đều ít nhiều được hưởng lợi, các công ty nhỏ nhưng có chiến lược tốt, nguồn vốn tốt có thể phát triển dịch vụ, giao dịch và cung cấp margin cho khách hàng.

Bức thiết tăng vốn

Các công ty chứng khoán nhóm dưới cũng có nhu cầu bức thiết như các công ty trong Top 10 về tăng vốn.

Ông Ngọc đánh giá, dư địa gia tăng quy mô thị trường, số lượng nhà đầu tư tham gia trong các năm tới vẫn rất lớn vì mới chỉ có hơn 2% dân số tham gia đầu tư chứng khoán, trong khi mục tiêu hướng tới là 5%, 7% dân số. Chứng khoán là ngành kinh doanh có điều kiện, không cấp phép mới nên khi thị trường tăng trưởng qua các năm, các công ty chứng khoán đều có “phần” và các công ty cần lớn lên để tham gia sân chơi lớn hơn.

TVB vừa tăng vốn điều lệ thêm 30%, lên hơn 700 tỷ đồng trong quý đầu năm đã lên kế hoạch trình Đại hội đồng cổ đông tiếp tục tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu theo tỷ lệ 2:1 trong năm nay, qua đó nâng vốn lên hơn 1.000 tỷ đồng. Nguồn vốn tăng thêm sẽ phục vụ hoạt động cho vay và dịch vụ nói chung.

Trước đó, Công ty Chứng khoán Tiên Phong tăng vốn điều lệ từ hơn 400 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng trong quý IV/2020, thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ.

Với Công ty Chứng khoán Đại Nam, năm 2020 có chuyển biến đáng kể trong định hướng hoạt động kinh doanh và nâng cao năng lực tài chính, áp dụng công nghệ. Công ty đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 160 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng trong năm 2021, thực hiện qua 2 giai đoạn, để đáp ứng yêu cầu về vốn tham gia thị trường chứng khoán phái sinh cũng như các nghiệp vụ khác.

Ông Chung cho rằng, các công ty chứng khoán cần có tổng tài sản khoảng 2.000 tỷ đồng mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong giai đoạn phát triển tới.

Để cạnh tranh, mỗi công ty chứng khoán đều xây dựng và dựa vào lợi thế riêng: có công ty mạnh về phân tích, có công ty có hệ thống ngân hàng hỗ trợ, có công ty dựa vào dòng vốn giá rẻ của nhà đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, VNCS có lợi thế là khách hàng Trung Quốc đông đảo. Ở các công ty có vốn Hàn Quốc, lợi thế là vốn rẻ dồi dào…

Với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt trên 10% hiện nay và giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách khoảng 1 - 1,3 lần, nhóm công ty chứng khoán dưới Top 10 đang có cơ hội thuận lợi để huy động vốn. Tuy nhiên, cạnh tranh sẽ gia tăng sau khi hệ thống phần mềm giao dịch mới của HOSE được đưa vào hoạt động, các công ty chứng khoán Top 10 bỏ lại sau lưng rào cản nghẽn lệnh, sẽ gia tăng thị phần.

Thu Hương - Phan Hằng

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/su-troi-day-cua-cong-ty-chung-khoan-top-duoi-post265263.html