Sự trở lại của phim truyền hình đề tài nông thôn

Sau thời gian vắng bóng, thời gian gần đây, một số bộ phim về đề tài nông thôn xuất hiện trở lại trên sóng truyền hình.

Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là những bộ phim này mang nhiều tính giải trí hơn là chính luận, đào sâu những vấn đề nổi cộm của nông thôn như phim "Đất và người", "Gió làng Kình", "Ma làng"… những bộ phim đình đám của trung tâm sản xuất phim Đài Truyền hình Việt Nam trước kia.

Sự trở lại của phim truyền hình đề tài nông thôn.

Sự trở lại của phim truyền hình đề tài nông thôn.

Làm sao để có nhiều hơn nữa những bộ phim về cuộc sống nông thôn với những yếu tố mới mẻ, hội nhập để tạo nên một diện mạo mới về nông thôn trên màn ảnh nhỏ và tạo sự hấp dẫn cho phim. PV VOV6 đối thoại với đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần xung quanh chủ đề này.

PV: Thưa đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, cách đây khoảng 10 năm thì cuộc sống nông thôn là một đề tài mà nhiều nhà làm phim truyền hình Việt khai thác, rồi có một thời gian dài đề tài này lại bị lãng quên. Ông có thể lý giải về thực tiễn này như nào?

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Nhiều người thường quan niệm phim truyền hình là mang tính chất giải trí, nhưng tôi nghĩ đó là một chương trình văn nghệ của một tờ báo hình lớn. Cho nên ngoài việc giải trí thì nó phải có nội dung xã hội, chính trị. Phim đề tài nông thôn là một loại phim mang nhiệm vụ giáo dục chính trị.

Thế nhưng gần đây, họ chạy theo việc quảng cáo hoặc là thậm chí chạy theo sự dễ dãi làm phim về những đề tài khác như yêu đương thanh niên. Nó dễ hơn làm phim nông thôn cho nên đề tài nông thôn bị lãng quên một thời gian dài, và bây giờ thì xu hướng đó đang trở lại.

PV: Đầu năm nay, có một bộ phim về đề tài nông thôn xuất hiện trở lại trên sóng truyền hình của Đài truyền hình Việt Nam là bộ phim “Cô gái nhà người ta”. Ông có ấn tượng gì về bộ phim này của đạo diễn Trịnh Lê Phong ?

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Những đạo diễn như Trịnh Lê Phong, Nguyễn Danh Dũng… đang còn rất trẻ nhưng họ đã bắt đầu quan tâm về đề tài nông thôn và có những bộ phim như là “Cô gái nhà người ta”. Bộ phim đó nói về người thanh niên trong cuộc đấu tranh ở nông thôn để mà khẳng định định hướng nghề nghiệp vào trong cuộc sống cũng như là tình yêu.

Và có những bộ phim như là “Mùa xuân ở lại” của đạo diễn Danh Dũng tuy là một đề tài rất khó về nông thôn miền núi và vấn đề giáo dục của những người miền xuôi lên miền núi dạy học nhưng đạo diễn Danh Dũng cũng đã rất khéo khiến người xem hiểu được những vấn đề có tính xã hội.

PV: Vậy thì cách làm phim về đề tài nông thôn hiện nay có gì khác trước?

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Ngày trước khi chúng tôi làm phim về đề tài nông thôn thì có một cái lợi là có cả một bề dày quá khứ về trước như thời bao cấp, quá trình chuyển đổi giữa bao cấp sang đổi mới thành ra những mẫu thuẫn trong xã hội nhìn thấy rõ hơn.

Nhưng bây giờ nông thôn thay đổi khác, nông thôn bây giờ là cuộc sống của phát triển nông thôn mới mà nông thôn mới này hình thành chưa lâu vì thế nhận thức về nông thôn mới đã khó rồi chứ không phải như trước đây là đã được xác định. Chính vì vậy, việc làm phim về đề tài nông thôn hiện nay có cái khó riêng và phải tìm hiểu rất kỹ.

Những bối cảnh nông thôn trước đây thì vẫn còn theo quan niệm cũ tức là thơ mộng, cây đa bến nước sân đình, lũy tre…nhưng bây giờ thì nông thôn thành phố. Chính vì vậy, giờ để dựng lại một cái quá khứ nào đó thì rất khó, thế nên các đạo diễn làm phim về đề tài nông thôn hiện nay cũng sẽ bị hạn chế.

PV: Trước đây, các bộ phim về đề tài nông thôn khai thác được nhiều câu chuyện về làn sóng đô thị, sự quan liêu, tha hóa và các tệ nạn mới trong xã hội. Có thể thấy, nông thôn là mảnh đất màu mỡ để các nhà đạo diễn khai thác làm phim?

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Tôi trước đây cũng không phải người làm phim chuyên về nông thôn, nhưng sau khi làm xong phim “Đất và người” thì tôi rất kinh ngạc rằng khán giả từ khắp nơi gửi thư, gọi điện hỏi về phim thì từ đó tôi thấy được rằng hiệu quả xã hội của phim nông thôn rất lớn bởi vì chúng ta vẫn có 75% là người nửa sống ở nông thôn.

Vì vậy, người ta quan tâm đến phim nói gì về người ta, phim có hình ảnh về người ta không…đấy chính là cái rất quan trọng. Thậm chí, khi tôi hỏi cả những người trong thành phố tại sao lại thích “Đất và người” thì người ta trả lời rằng ai trả bắt đầu từ nông thôn mặc dù sống ở thành phố nhưng vẫn đầy máu nông thôn. Và cũng như là muốn giáo dục cho con cháu mình biết nông thôn nó như thế nào.

Ngoài việc cảnh sắc, những bộ phim về đề tài nông thôn còn con người, họ thấy những hình dung về cuộc sống họ đã từng sống thì nó làm cho người ta thấy thú vị và người ta quan tâm đến. Ngoài ra những vấn đề nông thôn tôi cho rằng không bao giờ bị cũ, nông thôn là một nơi tập trung tất cả những vấn đề lớn nhất của sự chuyển đổi phát triển đất nước. Ví dụ: ngày xưa là bao cấp sau đó là quá trình đổi mới và bây giờ là thành phố, tất cả mọi cái đang phát triển nên tôi nghĩ rằng đề tài nông thôn không thể thiếu mà rất là cần thiết trong đời sống văn nghệ.

PV: Từ những bộ phim thì có thể thấy rằng sự mộc mạc trong từng cảnh quay cộng với những cốt chuyện thực tế đầy tính thời sự, nhiều bộ phim về làng quê Việt đã thu hút khách không thua kém gì những bộ phim bom tấn khi lên sóng. Điều đó đã được minh chứng bằng chính những bộ phim như “Đất và người”, “Ma làng”…

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Khi làm phim về đề tài nông thôn thì những người quản lý, những người làm phim đều lo rằng làm phim đề tài nông thôn chưa chắc đã có khách, như vậy là chưa chắc đã có khả năng quảng cáo.

Bởi bây giờ chúng ta phải tính giá trị của bộ phim bằng cái sự có nhiều quảng cáo hay không. Nhưng trong thực tế như bộ phim “Đất và người” cũng như là “Ma làng” thì đã có số lượng quảng cáo rất lớn, chứng tỏ là các doanh nghiệp họ cũng thấy được tiềm năng khi lượng xem nhiều.

Vì vậy không phải cứ đề tài về yêu đương hay đề tài về thành phố mới có quảng cáo mà đề tài nông thôn cũng rất nhiều người xem. Vì thế những đề tài về nông thôn vẫn có thể thành phim bom tấn được nếu chúng ta quan tâm đến việc làm cho nó hay và làm cho người ta thấy được số phận người nông dân bởi vì tất cả mọi người xem phim đều muốn xem mình, muốn xem những người xung quanh mình ở trong đó.

Bây giờ có rất nhiều phim thành phố chúng ta học tập kiểu phim Hàn Quốc, phim nước ngoài thì chúng ta xem như là chúng ta xem phim nước ngoài, nó không có cảm giác đang xem phim của mình. Đấy là cái hạn chế và phải thay đổi quan niệm đừng vì những thứ hào nhoáng không có mà tưởng rằng có thể thu hút được khán giả mà hãy bằng những cuộc sống thực tế thì chúng ta có khả năng thu hút khán giả nhiều hơn.

PV: Từng trở thành các tác phẩm ăn khách nhất trên sóng truyền hình với hàng loạt tác phẩm như “Đất Phương Nam”, “Đất và người”, “Ma làng” hay “Gió làng Kình” thì có thể khẳng định phim về đề tài nông thôn luôn là một phần không thể thiếu của truyền hình Việt, ông có nghĩ như vậy không?

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Tôi cũng nghĩ như vậy và tôi luôn nhắc nhở những người làm quản lý, các đạo diễn trẻ rằng các bạn phải chú ý đến đề tài nông thôn bởi vì chúng ta vẫn có đến 70% là người sống ở nông thôn. Những vấn đề nông thôn là những vấn đề lớn nhất trong cuộc sống phát triển của chúng ta và vì thế chúng ta nên có một cái chia tách là phân chia kế hoạch ra năm nay chúng ta làm bao nhiêu phần trăm phim về nông thôn, chứ chúng ta cứ nhằm vào phim giải trí suốt thì chúng ta sẽ bị không cân đối và làm cho tính giáo dục tính thẩm mỹ, tính định hướng của phim truyền hình bị mất đi.

PV: Nguyên nhân tại sao hiện nay lại có ít bộ phim về bối cảnh về làng quê ở nước ta như vậy? Vậy cái vấn đề ở đây có phải ở sở thích của khán giả?

Tôi nghĩ rằng không phải do sở thích khán giả mà ngay cả sở thích thì nếu chúng ta biết định hướng thì chúng ta sẽ làm cho sở thích nó theo định hướng chúng ta muốn.

Thế nhưng mà sở thích người ta cứ tưởng rằng là tất cả những người xem phim chỉ thích những cô chân dài, những cuộc sống xa hoa…nhưng không phải như vậy. Người xem phim nào cũng muốn xem cuộc sống bên cạnh người ta nên đôi khi có người bảo là qua phim Việt Nam thấy cuộc sống Việt Nam giàu có nhưng đấy không phải, chúng ta còn nhiều cuộc sống nghèo khổ, nhiều cuộc sống lạc hậu và đáng thương. Nếu như chúng ta quan tâm đến xã hội nói chung thì chúng ta sẽ bớt đi những đề tài tính giải trí và đề tài không thực tế để mà tập trung vào những đề tài gần gũi với cuộc sống hơn, đấy cũng là một yêu cầu với những nhà làm phim.

PV: Phim về đề tài nông thôn nếu làm hay và hấp dẫn thì vẫn có sức hút rất lớn với khán giả. Vậy vấn đề ở đây có phải nằm ở kịch bản hay không?

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Kịch bản phim về đề tài nông thôn là một vấn đề quan trọng. Qua kinh nghiệm của tôi, bất cứ phim nào nhưng đặc biệt là phim về đề tài nông thôn thì vấn đề kịch bản càng trở nên quan trọng hơn bởi vì như 2 phim của tôi được khán giả yêu thích là “Đất và người” và “Ma làng” thì đều được chuyển thể từ 2 tiểu thuyết rất thành công như “Mảnh đất lắm người nhiều ma” và tiểu thuyết “Ma làng”. Từ tiểu thuyết chúng ta có một chất liệu rất lớn để chúng ta chuyển thể thành kịch bản thì nó có những số phận nhân vật đầu cuối rõ ràng.

Trích đoạn trong phim "Ma làng".

Tiểu thuyết “Lắm người nhiều ma” thì nhân vật Chu Văn Quềnh là một nhân vật rất là ngắn trong phần đầu của tiểu thuyết. Nhưng sau khi xin phép tác giả, chúng tôi đã để cho nhân vật Chu Văn Quềnh được tồn tại suốt phim có số phận có lấy vợ có con, có ruộng có đất… thì nhân vật đó trở thành nhân vật mà ở nông thôn nào cũng có. Ở trong phim “Ma làng” cũng thế, nhân vật Tòng, cô Ló, anh Giỏ là những nhân vật có tính cách, số phận đặc biệt nó làm cho người ta quan tâm đến nó và đấy là cái gốc của kịch bản, cái mà làm cho câu chuyện hấp dẫn người khác.

PV: Có ý kiến cho rằng, làm phim về đề tài nông thôn hiện nay thì gặp khó trong vấn đề tìm bối cảnh bởi vì làng quê bây giờ đã phố hóa và bê tông quá nhiều, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Có nhiều người cũng hỏi tôi là tôi có tiếc việc nông thôn giờ mất đi cây đa bến nước không. Thì tôi trả lời là không thể tiếc được bởi vì sự phát triển nông thôn là tất yếu. Không thể nào mình đòi mình làm phim mình muốn giữ lại cái đó, thế nhưng để tạo dựng những cảnh cũ thì quả thực là rất khó khăn.

Như trong phim của đạo diễn Lưu Trọng Ninh “Thương nhớ ở ai” thì gần như những cảnh nông thôn phải vẽ 3D, phải làm kỹ xảo. Thế còn lại để muốn quay những cảnh nông thôn xa xôi thì phải đi những vùng rất xa ví dụ như về Nam Định lên đến Lương Sơn chẳng hạn.

PV: Từ thực tế đó, mình cần thay đổi ra sao để phim nông thôn có thể đến gần hơn với người xem hơn nữa?

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Chúng ta vẫn phải quan tâm xem chúng ta làm phim cho đối tượng nào, thì toàn bộ xã hội muốn xem bộ phim đề tài nông thôn, muốn thấy nhân vật con người mình và những người xung quanh mình được thể hiện.

Sự thay đổi quan trọng nhất chúng ta cần vẫn là kịch bản, làm sao để văn học chúng ta hiện nay không chỉ nói đến điện ảnh nữa mà văn học đang thiếu những tác phẩm viết về nông thôn. Cái chất để các nhà làm phim phát triển nó ra cũng sẽ hơi bị hiếm. Còn các nhà làm phim cũng lại quá bận rộn kể cả các biên kịch để không đi được nông thôn, không thực sự tìm hiểu được về nông thôn. Ngay cả từ người diễn viên chứ chưa nói đến người biên kịch đã cần phải có thực tế về cuộc sống nông thôn để mà viết để mà diễn để mà làm đạo diễn, cái đấy là cái khó mà các đạo diễn trẻ hiện nay rất là bận rộn.

PV: Nhiều người lo ngại về khả năng thu hút quảng cáo của phim về đề tài nông thôn, vậy theo ông cần có chủ trương hay chính sách riêng gì về dòng phim này hay không?

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Lo ngại về chuyện phim không có quảng cáo là không đúng, được chứng minh bởi phim của tôi “Ma làng” và “Đất và người” đều có số lượng quảng cáo cao. Nếu chúng ta làm được hay thì chúng ta sẽ có nhiều quảng cáo nhưng nếu chúng ta đặt ra là phim nông thôn và kêu gọi các doanh nghiệp quảng cáo thì người ta sẽ nghĩ ngay đến việc quảng cáo thuốc trừ sâu, giống hay phân bón chứ không có mỹ phẩm hay cái gì khác.

Nhưng tôi nghĩ điều đó là không đúng như thế, người ta không cần cái phim đó về đề tài nông thôn thì người ta phải quảng cáo những sản vật mang tính chất nông thôn mà người ta có thể quảng cáo nếu như gọi khán giả xem thì người ta quảng cáo các loại ở trên phim đó được. Thế nhưng nếu làm không hay thì sẽ không có quảng cáo.

PV: Phim truyền hình về nông thôn vẫn rất thu hút khán giả, với kinh nghiệm của ông thì làm thế nào để có nhiều phim về đề tài này hay hơn?

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Đó là vấn đề đầu tư cho những người làm phim. Có thể nói quảng cáo chúng ta không có thì chúng ta phải có thêm khoản nào đó cho người làm phim. Không phải trong một bộ phim cụ thể mà trong cái giai đoạn tìm hiểu về nông thôn. Ví dụ ngày xưa như việc đưa văn nghệ sĩ đi thực tế thì bây giờ không có ai làm việc đó cả. Nếu như Hội điện ảnh, Đài truyền hình có tổ chức những cuộc đi để tìm hiểu về nông thôn hay mở những trại viết về những vấn đề nông thôn thì chúng ta sẽ có những bộ phim về nông thôn tốt hơn.

PV: Theo ông mấu chốt quyết định sự thành công của thể loại phim nông thôn là gì?

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Đó chính là kịch bản. Làm thế nào để chúng ta có những số phận của nhân vật nó kéo dài trong suốt bộ phim và làm cho người xem cuốn theo số phận nhân vật đó thì nó dù là nông thôn hay là phim khác thì sẽ đều rất quan trọng.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này./.

VOV6

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa-giai-tri/su-tro-lai-cua-phim-truyen-hinh-de-tai-nong-thon-1050003.vov