Sự trở lại của dòng phim về gia đình

Thời gian gần đây, những bộ phim chiếu vào khung giờ vàng trên sóng truyền hình không còn khai thác yếu tố giật gân, hài, câu khách mà bắt đầu hướng đến tính nhân văn qua đề tài về gia đình thời hiện đại. Trước kia có những giai đoạn phim truyền hình Việt Nam từng tập trung vào đề tài tình cảm gia đình với những tác phẩm ấn tượng, như: Chuyện nhà Mộc (đạo diễn Trần Lực), Cuộc phiêu lưu của ông Hai Lúa (đạo diễn Hồ Ngọc Xum), Khi người đàn ông góa vợ bật khóc (đạo diễn Trường Khoa - Công Lý)…

Sau đó, đề tài này dần bị bão hòa, trong đó nhược điểm chính là sự rập khuôn, thiếu sáng tạo dẫn đến phim kém chất lượng, mất người xem. Vì thế, sự trở lại dòng phim về đề tài gia đình trên khung giờ vàng gần đây đã cho thấy nhu cầu thưởng thức, tiếp nhận các câu chuyện và những giá trị nhân văn từ khán giả vẫn không hề suy giảm. Bộ phim Về nhà đi con (đạo diễn Danh Dũng - Ðức Hiệu) xoay quanh câu chuyện một người đàn ông từng khao khát có con trai nhưng sớm góa vợ, tự mình phải chăm sóc ba cô con gái, lần lượt nếm trải đủ cung bậc vất vả, phức tạp của cuộc sống gia đình. Phim có nhiều tình huống gây xúc động về tình cảm cha con, chị em…

Còn bộ phim Nàng dâu order (đạo diễn Bùi Quốc Việt) lại mang đến câu chuyện về nàng dâu trẻ đôi khi bị cuốn vào trào lưu sống ảo trên mạng, mâu thuẫn với gia đình chồng vì khác biệt nếp sống, quan niệm, từ đó nảy sinh không ít rắc rối, biến động. Về nội dung của những bộ phim nêu trên tuy không mới song lại phản ánh hiện thực khá tốt, tìm được những lát cắt phù hợp để diễn tả về đời sống gia đình hôm nay.

Lý giải sự trở lại gây chú ý của phim truyền hình về đề tài gia đình, giới chuyên môn cho rằng, trước hết, đây là mối quan tâm muôn thuở của người xem mọi lứa tuổi, cụ thể là quan hệ vợ - chồng, mẹ chồng - nàng dâu, cha con, mẹ con, anh chị em… Những đề tài quen thuộc ấy đã được các nhà làm phim khai thác khá hấp dẫn, sáng tạo, khắc phục được những nhược điểm trước đây như: lời thoại nhạt nhẽo, tình huống phi lý, kể chuyện dài dòng. Khán giả hồi hộp theo từng tập phim truyền hình và tìm thấy những câu chuyện thời sự của gia đình mình trong đó. Những bộ phim thành công cho thấy sức hấp dẫn không chỉ ở đề tài mà chính ở trách nhiệm, tài năng của người biên kịch, đạo diễn và diễn viên đang khao khát chinh phục khán giả thời công nghệ số với sức cạnh tranh mạnh mẽ từ in-tơ-nét. Theo đánh giá từ giới chuyên môn, không chỉ điện ảnh Việt Nam mà nhiều nền điện ảnh khu vực và thế giới cũng đều trở lại với đề tài gia đình. Thay vì chọn những câu chuyện phức tạp, chung chung, giáo điều, các đạo diễn đang có xu hướng đưa ra tình huống gần gũi, chân thực, xúc động, nhờ đó đã chinh phục được cảm tình của khán giả.

Tuy nhiên bên cạnh những tín hiệu khởi sắc của dòng phim này, giới chuyên môn cũng cho rằng, những người làm phim cần đầu tư hơn nữa, để có những tìm tòi, sáng tạo về nội dung, chủ đề, cách thể hiện, tránh sa vào sự vụn vặt, nghèo nàn về ý tưởng, bù đắp bằng sự “ăn khách” của một số diễn viên nổi tiếng. Một số nhà làm phim vì muốn thu hút khán giả cho nên đã cố tình đẩy mạnh kịch tính của bộ phim, vô hình trung làm sự nền nếp, luân thường đạo lý gia đình có nguy cơ bị tô vẽ, méo mó, sai lệch. Thực tế, bên cạnh những bộ phim tốt, vẫn có một số bộ phim bộc lộ những lối mòn, công thức chung chung và nếu không cảnh giác với cách làm này, rất có thể trong tương lai gần tình trạng bão hòa sẽ trở lại như trước kia.

Gia đình là tế bào cơ bản của xã hội, là nơi hình thành nhân cách con người, tạo ra nguồn nhân lực lao động xây dựng đất nước và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Bảo vệ sự toàn vẹn của gia đình chính là bảo vệ một nền tảng quan trọng của xã hội. Sự gắn kết trong gia đình đòi hỏi các thành viên phải thích nghi với những thay đổi của cuộc sống hiện đại, nhưng vẫn duy trì được giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống người Việt. Trong phạm vi phim truyền hình, đây chính là thời điểm thuận lợi để các nhà làm phim thiết lập lại thị trường, chọn lựa và đầu tư để có những tác phẩm tốt, đóng góp vào công cuộc xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.

MAI LỮ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dien-dan/item/40553202-su-tro-lai-cua-dong-phim-ve-gia-dinh.html