Sư Toàn có khối tài sản 300 tỷ từ tiền công đức hay thừa kế?

Sau vụ sư Toàn hoàn tục nhưng tuyên bố có tài sản 300 tỷ và đòi giữ lại, nhiều ý kiến quan ngại có chuyện lạm dụng tiền chùa và đề nghị cần cơ chế quản lý, kiểm soát tiền công đức.

Sự việc sư Thích Thanh Toàn (người vừa bị bãi nhiệm chức trụ trì chùa Nga Hoàng ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc) xin hoàn tục nhưng muốn được giữ lại khối tài sản trị giá hơn 300 tỷ vì cho rằng đó là tài sản cá nhân khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi.

Vì sao một nhà sư lại có khối tài sản lớn đến thế? Khối tài sản ấy có xuất phát từ những nguồn tiền của nhà chùa như tiền công đức? Cơ chế quản lý tiền công đức thế nào để số tiền này không bị biến từ của công thành của riêng?

Cần kiểm soát tiền công đức

Tiến sĩ Đinh Văn Minh - chuyên gia Luật đang công tác tại Thanh tra Chính phủ, cho rằng cần rạch ròi và không đánh đồng tài sản của chùa Nga Hoàng và tài sản riêng của cá nhân sư Thích Thanh Toàn.

Trong trường hợp không có tranh chấp, ông Minh cho rằng sư Toàn không có trách nhiệm phải chứng minh nguồn gốc khối tài sản của mình.

Sư Thích Thanh Toàn xin giữ lại khối tài sản 300 tỷ sau khi hoàn tục Đại đức Thích Thanh Toàn xin giữ lại khối tài sản trị giá hơn 300 tỷ sau khi xả giới, hoàn tục, trong đó có diện tích lớn đất ruộng mua của người dân xung quanh chùa Nga Hoàng.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Đinh Văn Minh, cần làm khối tài sản trị giá 300 tỷ mà sư Thích Thanh Toàn thừa nhận có được từ đâu.

“Công dân có quyền sở hữu tài sản nhưng trong trường hợp liên quan đến tranh chấp về quyền sở hữu thì cần chứng minh nguồn gốc tài sản có từ đâu”, tiến sĩ Minh phân tích.

Nhân câu chuyện khiến nhiều người nghi ngờ tài sản chung - riêng giữa nhà chùa và nhà sư này, từ đó đặt ra những dấu hỏi trong việc quản lý tiền công đức ở chùa hay các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, ông Minh đề nghị phải có cơ chế quản lý tốt nguồn tiền này để tránh những sự việc ồn ào như vừa qua.

“Về mặt nguyên tắc, tất cả khoản tiền đều cần phải quản lý, đặc biệt là ở những nơi có tiền của người dân như tiền công đức ở chùa. Việc quản lý nhằm đảm bảo tiền được sử dụng đúng vào mục đích như từ thiện, thờ cúng, hay một mục đích khác theo nguyện vọng của nhân dân”, ông Minh nói.

Trao đổi với Zing.vn, ông Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán chuyên ngành III (Kiểm toán nhà nước chuyên ngành III kiểm toán lĩnh vực ngân sách Trung ương của bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ), cho biết tiền công đức là một nguồn lực trong cơ sở thờ tự (đền, chùa) và thuộc một trong ba loại quỹ công cần có sự kiểm soát.

Ông nêu thực tế những khoản tiền như tiền công đức, tiền cúng dường trong các cơ sở tôn giáo, thờ tự như đền, chùa ở ta dù rất lớn, vẫn chưa có bất cứ cơ chế nào để quản lý chứ chưa nói đến có cơ chế để kiểm toán.

Ông Thăng cho rằng đây là do nhận thức của các cơ quan chức năng, thấy chưa cần thiết thì chưa bàn đến, hoặc cũng có thể do ngại đụng chạm vì cho rằng đây là một lĩnh vực “nhạy cảm”.

"Nhưng đã đến lúc chúng ta cần có cơ chế, công cụ kiểm soát, còn việc thiết kế công cụ thế nào tùy vào Quốc hội, bởi cơ chế này cần phải được quy định trong luật", ông Minh nói.

Đại đức Thích Thanh Toàn. Ảnh: Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Đại đức Thích Thanh Toàn. Ảnh: Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Cán bộ kiểm toán này nhấn mạnh có thể chưa cần thiết thanh tra hay kiểm toán nguồn tiền công đức này, nhưng phải có cơ chế quản lý, tức là cần một "cái gậy" để trong trường hợp cần thiết còn có cơ chế mà làm, chứ không phải đến lúc cần nhìn lại thì thấy không có cơ chế.

Dẫn chứng ở một số nước khác, ông Thăng cho hay các nước cũng không thường xuyên làm việc thanh tra, kiểm toán nguồn tiền từ đền, chùa, nhưng họ đều có công cụ để khi cần thiết có thể làm.

Nêu thực tế thời gian qua cho thấy nguồn tiền công đức hay cúng dường từ các cơ sở du lịch tâm linh, chùa chiền, đền… là rất lớn, nhưng ông Thăng băn khoăn khi chúng ta dường như chưa từng đặt vấn đề quản lý. Và lỗ hổng trong việc này có thể dẫn tới việc lạm dụng, lợi dụng tiền công đức.

“Theo tổ chức minh bạch tài chính thế giới, việc quản lý các quỹ này có nguy cơ dẫn đến tham nhũng cao nhất. Song Việt Nam lại chưa có cơ chế quản lý thích hợp”, ông Thăng nói và cho rằng chúng ta cần thay đổi tư duy quản lý, coi các quỹ công đức, thiện nguyện là quỹ công và phải được kiểm toán.

Chưa có quy định quản lý tiền công đức

Vấn đề quản lý tiền công đức và công khai số tiền này cũng được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện tại kỳ họp Quốc hội diễn ra hồi tháng 6 vừa qua.

Đại biểu Mai Sĩ Diến (Thanh Hóa) yêu cầu rõ khoản tiền công đức ở các chùa và tính công khai của khoản tiền này bởi thực tế ông thấy nhiều hòm công đức xuất hiện dày đặc tại các cơ sở tôn giáo, tâm linh.

Cũng phản ánh “thùng công đức rải khắp nơi”, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) hỏi ai quản lý số tiền này, có dùng tiền này làm nghĩa vụ cho ngân sách Nhà nước hay không?

Khuôn viên chùa Nga Hoàng. Ảnh: N.T.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận khoản tiền công đức ở chùa chưa hề có văn bản pháp quy nào điều chỉnh, quy định cụ thể về vấn đề thu - chi. Việc quản lý nhà nước đối với tiền công đức cũng vẫn đang bỏ ngỏ. Ông cho biết hiện chỉ có văn bản của Bộ Văn hóa và Bộ Nội vụ hướng dẫn việc sử dụng tiền công đức “phải đúng mục đích, công khai”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nêu quan điểm “không được có quá nhiều hòm công đức”. Đồng thời khẳng định sẽ cùng các bộ, ngành nghiên cứu để đặt hòm công đức như thế nào, bảo đảm được nếp sống văn minh, văn hóa.

Ông kiến nghị Chính phủ sớm ban hành văn bản pháp luật quy định cụ thể để quản lý nguồn thu từ hoạt động tín ngưỡng, du lịch tâm linh.

Hoài Vũ

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/su-toan-co-khoi-tai-san-300-ty-tu-tien-cong-duc-hay-thua-ke-post999933.html