Sự tin cậy làm đầy thêm trách nhiệm của Báo Nhân Dân

Báo Nhân Dân gắn bó với tôi khi bắt đầu giải ngũ trở về với quê hương hòa bình. Những ngày ấy, Báo Nhân Dân là nơi cán bộ Tổng công ty chúng tôi nắm chủ trương của Đảng, Nhà nước về các chính sách thương nghiệp. Nhất là các vấn đề về muối. Sự gắn bó ấy mang tính nguyên tắc, bắt buộc hơn là tình cảm.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ, họa sĩ Thành Chương cùng các nhà báo tại Báo Nhân Dân.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ, họa sĩ Thành Chương cùng các nhà báo tại Báo Nhân Dân.

Báo Nhân Dân gắn bó với tôi khi bắt đầu giải ngũ trở về với quê hương hòa bình. Những ngày ấy, Báo Nhân Dân là nơi cán bộ Tổng công ty chúng tôi nắm chủ trương của Đảng, Nhà nước về các chính sách thương nghiệp. Nhất là các vấn đề về muối. Sự gắn bó ấy mang tính nguyên tắc, bắt buộc hơn là tình cảm.

Tôi chỉ gắn bó hơn với tờ báo này từ khi xa đất nước, ra nước ngoài sinh sống. Xa nước nên mỗi lần trở về, tôi đến báo với tư cách cộng tác viên, in những bút ký, thơ và đặc biệt truyện ngắn. Những người bạn của tôi khi ấy ở các cương vị phụ trách như các nhà báo Lê Quang Trang, Hải Đường… cho tôi sự ấm áp.

Một khó khăn rất lớn bấy giờ là báo giấy ít khi gửi sang được nước Đức, nên chỉ khi Báo Nhân Dân điện tử ra đời, sự gắn bó của cá nhân tôi nói riêng và kiều bào nói chung trở nên mật thiết hơn. Chúng tôi quay lại với những ngày thời bao cấp, đọc báo để nắm bắt mọi tình hình trong nước, đặc biệt là chính trị và kinh tế. Cá nhân tôi thật vui mỗi khi Báo Nhân Dân in các tác phẩm văn chương của mình. Một số truyện ngắn của tôi được giới thiệu đăng trên Nhân Dân điện tử, đã lần lượt có tiếng vang, như truyện “Nhà ba hộ”, sau này là “Nuốt sách” hay “Sẫm Violet” (Báo Nhân Dân số Tết âm lịch).

Rồi cơ duyên mới làm tôi gắn bó chặt chẽ hơn.

Tết năm ấy, cách đây 10 năm, khi tôi trở về nước, qua nhà báo Phan Thanh Phong có cuộc trò chuyện với nhà báo Tô Vương. Qua cuộc trò chuyện đó, tôi được biết, Ban Biên tập Báo Nhân Dân khi đó chủ trương cải tiến mạnh mẽ ấn phẩm Nhân Dân hằng tháng. Các nhà báo được giao nhiệm vụ đang muốn tìm cách đặt quan hệ với các họa sĩ để cải tiến hình thức trình bày, minh họa. Vì thế, nhà báo Tô Vương và nhà báo Phan Thanh Phong muốn qua tôi làm cầu nối, đầu tiên là mời họa sĩ Thành Chương vẽ bìa cho số báo Tết của Nhân Dân hằng tháng.

Chỉ vì một cái bìa báo, mà nhà báo Tô Vương đã cùng tôi, nhà báo Song Hà và nhà báo Phan Thanh Phong lên phủ Thành Chương tìm gặp họa sĩ. Chuyến đi áp Tết ấy gây ấn tượng rất mạnh cho tôi.

Chính nhờ chuyến đi ấy cùng sự nỗ lực của nhà báo Phan Thanh Phong mà sau này, Báo Nhân Dân hằng tháng có mối quan hệ rất thân thiết và chặt chẽ với nhiều họa sĩ danh tiếng ở Việt Nam. Báo Nhân Dân hằng tháng có phần minh họa phong phú, giàu cá tính, hằng năm tổ chức các triển lãm mỹ thuật về minh họa, lại in sách văn học và những bài viết chính luận. Sự đổi mới táo bạo và quyết liệt mang lại khởi sắc của một ấn phẩm như thế nằm trong hệ thống các ấn phẩm Báo Nhân Dân làm phong phú thêm tính nhân dân của tờ báo Đảng. Nó mang lại cho bạn đọc tiếng nói của báo Đảng mềm mại, đa sắc, đa diện giàu tính nghệ thuật.

Cùng việc đổi mới quyết liệt ở cách trình bày, Ban Biên tập Báo Nhân Dân chủ trương đổi mới sâu sắc ở phần nội dung. Nhà báo Phan Thanh Phong khi ấy được giao nhiệm vụ cải tiến Nhân Dân hằng tháng, đã đặt vấn đề mời tôi cộng tác, góp ý kiến về phần văn học, ban đầu là cả phần thơ, sau này chuyên về văn xuôi.

Ba năm cộng tác, là biết bao kỷ niệm. Những ngày Tết là bận nhất. Tôi trở về nước có lần vài tháng lăn lộn gắn bó với anh chị em ở Ban Nhân Dân hằng tháng, đặc biệt với nhà báo Phan Thanh Phong, Trưởng ban. Dầu không phải biên chế, song làm việc tự thấy có nguồn vui lớn, khi được bạn bè, đồng nghiệp tin cậy mình.

Tôi không sao quên được nhiều giờ làm việc không biết mệt với nhà báo Tô Vương, khi đó là Ủy viên Ban Biên tập phụ trách ấn phẩm Nhân Dân hằng tháng. Đó là một người làm báo rất cụ thể và quyết liệt. Có những ngày làm báo Tết, anh buộc tôi tới Tòa soạn, ngồi trong phòng anh, đọc thật kỹ ngay trước mặt anh nhiều văn bản cần soát xét, biên tập và anh luôn yêu cầu sự biên tập phải có ý kiến cụ thể, xác đáng cho từng bài. Bài nào in trình lên trên, bài nào bỏ, lý do phải chuẩn xác, chứ không thể nhận xét “lơ tơ mơ”. Những buổi làm việc như thế, chúng tôi có khi quên cả ăn trưa, phải nhai dăm cái kẹo cho đỡ đói.

Chính sự tin cậy của các anh chị em ở tòa báo buộc tôi có trách nhiệm hơn, đau đáu hơn với vai trò của mình. Và thực sự ba năm làm việc ấy, chúng tôi đã chọn được nhiều tác phẩm văn học có giá trị, in ấn mạnh dạn, có trách nhiệm với bạn đọc, với tờ báo lớn của Đảng.

Ngay cả bây giờ khi thời gian đã trôi qua hàng chục năm, nhưng đôi khi có việc lên báo tôi vẫn tưởng như anh Tô Vương còn ngồi ở gian phòng ấy, con người cao lớn đậm đà ấy luôn có nụ cười sảng khoái trên môi, thích đùa cợt nhưng cực kỳ nghiêm túc và chăm chắm vào nhiệm vụ được giao. Tôi nhớ anh, mỗi khi xong một việc khó, anh rủ tôi nhâm nhi một chút rượu, im lặng để tận hưởng nguồn vui sống ở chính công việc mà anh say mê cống hiến.

Bảy mươi năm Báo Nhân Dân gắn bó với lịch sử cách mạng của Đảng và đất nước, dân tộc. Gắn bó với bao lớp nhân sĩ, trí thức của nước nhà, trong đó có lứa con cháu chúng tôi vẫn đi theo các bậc tiền bối để gánh vác ít nhiều trách nhiệm với Đảng. Nhân dịp kỷ niệm long trọng này, tôi tâm thành mong tờ báo hàng đầu của Đảng luôn vững mạnh, đào tạo nhiều lớp phóng viên luôn tôn trọng người, yêu báo, tuyệt đối trung thành với lợi ích của nhân dân, đất nước.

Nhà văn NGUYỄN VĂN THỌ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/su-tin-cay-lam-day-them-trach-nhiem-cua-bao-nhan-dan-637999/